BIỆN PHÁP BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC TRONG DẠY HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC LỚP
2.3.3. Đa dạng hóa dạy học theo chủ đề và dạy học liên môn
Dạy học theo chủ đề là sự kết hợp giữa mô hình dạy học truyền thống và hiện đại, ở đó GV không chỉ dạy học bằng cách truyền thụ (xây dựng) kiến thức mà chủ yếu là hướng dẫn HS tự lực tìm kiếm thông tin, sử dụng kiến thức vào giải quyết các nhiệm vụ có ý nghĩa thực tiễn.
Dạy học theo chủ đề là mô hình mới cho hoạt động lớp học thay thế cho lớp học truyền thống (với đặc trưng là những bài học ngắn, cô lập, những hoạt động lớp học mà GV giữ vai trò trung tâm) bằng việc chú trọng những nội dung học tập có tính tổng quát liên quan đến nhiều lĩnh vực, với trung tâm tập trung vào HS và nội dung tích hợp với những vấn đề, những thực hành gắn liến với thực tiễn.
Dạy học liên môn là một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học. Đây được coi là một quan niệm dạy học hiện đại, nhằm phát huy tính tích cực của HS, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Dạy học liên môn là hình thức tìm tòi những nội dung giao thoa giữa các môn học với nhau, những khái niệm, tư tưởng chung giữa các môn học, tức là con đường tích hợp những nội dung từ một số môn học hay phân môn có liên hệ với nhau.
Dạy học vận dụng kiến thức liên môn giúp cho giờ học sẽ trở nên sinh dộng hơn, vì không chỉ có GV là người trình bày mà HS cũng tham gia vào quá trình tiếp nhận kiến thức, từ đó phát huy tính tích cực của HS.
Dạy học liên môn cũng góp phần phát triển tư duy liên hệ, liên tưởng ở HS. Tạo cho HS một thói quen trong tư duy, lập luận, từ đó mới có thể nhận thức vấn đề một cách thấu đáo.
Trong chương trình Tiếng Việt lớp 5, các em còn được học các phân môn khác như: Tập đọc; Kể chuyện; Luyện từ và câu; Tập làm văn; Chính tả. Ngoài ra các em còn được học rất nhiều các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như: Toán; Khoa học; Đạo đức; Kĩ năng sống… Giữa các bộ môn trong nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Ví dụ như giữa Tập đọc với Kể chuyện có liên hệ, kiến thức môn này sẽ hỗ trợ cho môn kia, HS học tốt phân môn Tập đọc, có khả năng đọc đúng, trôi chảy, lưu loát, hiểu nội dung tác phẩm, đọc diễn cảm được tác phẩm từ đó sẽ học tốt phân môn Kể chuyện; tạo khả năng tư duy, biết cách tóm tắt, diễn đạt, rèn kĩ năng nói, kĩ năng kể chuyện cho HS. Hay ngược lại, phân môn Kể chuyện phát triển kĩ năng nói cho HS, giúp HS có khả năng tư duy và diễn đạt điều này giúp ích rất nhiều trong việc đọc – hiểu, đọc diễn cảm phân môn Tập đọc.
Hoặc giữa phân môn Tập đọc với Tập làm văn cũng vậy, nếu HS nắm bắt được tác phẩm, có khả năng cảm thụ tác phẩm thì khi học phân môn Tập làm văn sẽ không khó khăn gì để nói lên suy nghĩ của mình đối với một vấn đề nào đó đặt ra và ngược lại. Ví dụ: Suy nghĩ của em về bài Tập đọc “Bầm ơi” của Tố Hữu. Là một câu hỏi thể hiện kiến thức liên môn khá rõ nét.
Ngoài ra khi dạy Tập đọc, GV còn có thể kết hợp kiến thức liên môn đối với môn Đạo đức và Kĩ năng sống, góp phần phát triển cả về tư duy và nhân cách cho các em.
Chính vì thế, khi dạy học phân môn Tập đọc kết hợp sử dụng phương pháp đa dạng hóa dạy học theo chủ đề và dạy học liên môn là điều thiết yếu. Khi GV sử dụng phương pháp này trong dạy học sẽ tạo hiệu quả cho giờ học, đặc biệt là trong
dạy học bồi dưỡng nâng cao năng lực CTVH trong dạy học phân môn Tập đọc cho HS.