Nhiều tác giả đã chỉ ra vai trò của HTCBLQ trong lĩnh vực du lịch. Hợp tác giúp chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan, giảm thiểu rủi ro và gia tăng giá trị cụ thể như sau:
Chia sẻ lợi ích: Khi có hợp tác, lợi ích được chia sẻ cho cả cá nhân và tập thể
(Jamal và Getz 1995, Yuksel, Bramwell và cộng sự, 1999, Andereck và Vogt, 2000, Wang và Xiang, 2007). Trên thực tế mỗi bên liên quan không thể sở hữu tất cả các nguồn lực (hiểu biết, vốn, chuyên môn, thông tin...) để đạt được mục tiêu (Roberts và Bradley 1991, Bramwell và Lane 2000, Yodsuwan, 2010). Vì vậy hợp tác sẽ giúp tổng hợp, tạo được sự cộng hưởng từ các nguồn lực, giúp các thành viên cùng nhau làm việc và có thể mang đến lợi ích lớn hơn (Jamal và Getz, 1995, Maiden, 2008). Trong quá trình hợp tác, có sự không cân xứng về quyền lực dẫn đến tiếng nói của các bên liên quan không bình đẳng, nghĩa là người có quyền lực thường chi phối đến hoạt động nhóm hợp tác và các bên liên quan khác (Byrd, 2007). Do đó nhờ vào hợp tác, bên yếu
thế sẽ có cơ hội, có quyền đóng góp ý trong quá trình xây dựng chính sách du lịch, được tham gia bình đẳng hơn, nhờ vậy các chủ thể sẽ hiểu nhau hơn và lợi ích chia sẻ công bằng hơn.
Giảm thiểu rủi ro: Hợp tác có thể giảm thiểu hoặc tránh được các xung đột hoặc
mâu thuẫn đối lập giữa các bên (Yuksel, Bramwell và cộng sự, 1999). Trên cơ sở mục tiêu cụ thể, các bên liên quan tham gia trong hợp tác xây dựng sự đồng thuận để giảm thiểu những xung đột lợi ích và rủi ro trong quá trình tham gia và ra quyết định (Bramwell và Sharman, 1999; Aas, Ladkin và cộng sự, 2005, Yodsuwan, 2010, Arnaboldi và Spiller, 2011). Hợp tác xây dựng chính sách sẽ giúp dân chủ trong ra quyết định, trao quyền tham gia, xây dựng năng lực và kỹ năng tập thể (Roberts và Bradley, 1991, Bramwell và Lane, 2000). Quá trình hợp tác cũng là một cách tiếp cận công bằng hơn mang lại tiếng nói chung cho các bên liên quan (Bramwell và Sharman, 1999, Sautter và Leisen, 1999). Roberts và Simpson (2000) thì lại đề nghị rằng sự chân thành của đối tác, tinh thần xây dựng và niềm tin trong cộng đồng là nhân tố thành công của hợp tác lâu dài.
Gia tăng giá trị: bằng việc xây dựng kho tàng kiến thức về hiểu biết, chia sẻ
thông tin, giúp đỡ lẫn nhau và nâng cao khả năng tham gia của các bên liên quan (Bramwell và Sharman, 1999; Dredge 2006, Presenza và Cipollina, 2009;
Lemmetyinen và Go, 2009; Arnaboldi và Spiller, 2011) và nâng cao khả năng ra quyết định của họ (Yuksel và Bramwell, 1999). Nhiều bên tham gia giúp tổng hợp nhiều nguồn lực vào hợp tác PTDL. Maiden (2008) cho rằng hợp tác giúp gia tăng vốn xã hội, gia tăng các nguồn lực cho điểm đến, trong khi đó thì Yodsuwan (2010) xác nhận mối quan hệ giữa hợp tác và sự hài lòng du khách, còn Fathimath (2015) lại cho rằng hợp tác sẽ thúc đẩy cạnh tranh bền vững của điểm đến. Hợp tác giúp giá trị của điểm đến được gia tăng thông qua xây dựng hình ảnh, thương hiệu của điểm đến.
Như vậy có thể thấy, thông qua các vai trò của hợp tác, có nhiều lợi ích đạt được nếu hợp tác hiệu quả. Tuy nhiên không phải lúc nào hợp tác cũng thành công và mang lại hiệu quả vì hợp tác là một quá trình lâu dài, tạo ra một cơ chế hợp tác hiệu quả rất cần sự nỗ lực của các chủ thể từ đó mới tổng hợp nhiều nguồn lực vào PTDL của địa phương (Maiden, 2008). Bằng chứng cho thấy CĐĐP không liên quan đến quá trình ra quyết định cộng với các nhà hoạch định chính sách ít quan tâm đến hợp tác cho PTDL để định hướng tầm nhìn cho một điểm du lịch là trở ngại lớn đối với PTBV tại Akamas, Cyprus (Ioannides, 1995). Trên cơ sở đó, nhận diện các yếu tố thúc đẩy, hạn chế quan hệ HTCBLQ để thúc đẩy PTDLNT là cần thiết trong bối cảnh mỗi điểm đến du lịch.