3.1.4.1. Kỹ thuật thu thập dữ liệu
Để thu thập dữ liệu định tính, nghiên cứu này đã sử dụng kỹ thuật quan sát và và phỏng vấn bán cấu trúc (Yin, 2011).
Kỹ thuật quan sát được chọn cho nghiên cứu này vì cần thiết phải quan sát bối cảnh, hoàn cảnh, điều kiện PTDL, kinh tế của vùng nông thôn (Yin, 2011, tr.7) và sự tương tác giữa các bên trong hoạt động du lịch (Yin, 2011, tr.145). Mục đích của việc chọn kỹ thuật này là để quan sát thái độ, sự tham gia, sự ủng hộ của các bên cho hợp tác và bối cảnh vùng nông thôn để cung cấp thông tin nền tảng về bối cảnh để hỗ trợ phân tích dữ liệu. Quan sát là cách thu thập dữ liệu có giá trị cao vì những gì nhìn thấy bằng mắt thường và nhận thức bằng chính giác quan thực tế hơn những gì người khác đã cung cấp hoặc những tài liệu đã tiếp cận (Yin, 2011, tr.143). Do đó nghiên cứu này ứng dụng kỹ thuật quan sát để hiểu sâu sắc hơn về HTCBLQ cho PTDLNT theo hướng bền vững và sự tương tác giữa họ. Kỹ thuật này được ứng dụng trong bối cảnh nhất định tại nông hộ, khi đi phỏng vấn, cách nói chuyện của các chủ thể, chụp hình người tham gia trong bối cảnh nhất định,...
Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc. Mục tiêu đạt được thông tin qua kinh nghiệm, hiểu biết và nhận thức của các chủ thể tham gia (Yin, 2011, tr.7). Phỏng vấn
bán cấu trúc cho phép đi theo nội dung và linh hoạt theo ngữ cảnh để hỏi thêm các câu hỏi bổ sung để giải thích thông tin và nội dung cần thu thập. Kỹ thuật phỏng vấn bán cấu trúc giúp thu thập dữ liệu phong phú, linh hoạt và người tham gia tiếp cận dễ dàng hơn hình thức phỏng vấn khác. Phương pháp này được sử dụng giúp hiểu được quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững thông qua hiểu biết, nhận thức của họ trong du lịch, đặc biệt để trả lời được những câu hỏi ―tại sao‖ và ―như thế nào‖. Mặc dù thu thập dữ liệu phỏng vấn rất tốn thời gian, chi phí đi lại và là công việc khó khăn vì cần một số kỹ năng ứng xử linh hoạt nhưng hình thức này lại giúp thu thập được hệ thống dữ liệu phù hợp mục tiêu nghiên cứu. Phỏng vấn trực tiếp khuyến khích mọi người nói chuyện thoải mái hơn và thảo luận dựa vào hiểu biết và kinh nghiệm của họ và đảm bảo sự riêng tư nhất định của người cung cấp thông tin. Đây là hình thức phù hợp cho nghiên cứu đề tài này. Kỹ thuật quan sát và phỏng vấn bán cấu trúc các bên liên quan được thực hiện cho phép nhà nghiên cứu tự tin hơn về sự tin cậy của kết quả nghiên cứu (Srisomyong, 2010, tr.77).
3.1.4.2. Thiết kế thu thập dữ liệu
Dữ liệu thu thập từ các bên tham gia trong lĩnh vực du lịch tại hai huyện khác nhau của tỉnh Lâm Đồng, như hai trường hợp điển hình cho PTDLNT theo hướng bền vững. Đối với người được phỏng vấn thì đó là việc cung cấp thông tin liên quan đến các trải nghiệm mà họ đã và đang tham gia trong lĩnh vực du lịch. Các câu hỏi phỏng vấn các bên tại hai địa bàn nghiên cứu bao gồm các câu hỏi đóng, nghĩa là các câu hỏi được thiết kế cố định trong mẫu phỏng vấn (phần được cấu trúc sẵn) và các câu hỏi mở liên hệ đến bối cảnh, mô tả và giải thích (phần phi cấu trúc) (Mbaiwa 2011). Những câu hỏi mở là những câu hỏi tùy theo nội dung của người trả lời, người phỏng vấn sẽ đặt các câu hỏi thêm để giải thích rõ hơn, chi tiết hơn, hiểu bối cảnh hơn. Qua đó giúp cuộc phỏng vấn được cởi mở hơn và giúp hiểu được nhận thức của các bên liên quan về quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu.
Kỹ thuật kiểm tra chéo (triangulation) cũng được sử dụng cho quá trình thu thập dữ liệu sơ cấp. Kiểm tra chéo (triangulation) là cách thức điển hình nhằm nâng cao độ chính xác và độ tin cậy của kết quả nghiên cứu và đánh giá các phát hiện. Theo Mathison (1988, tr.13) thì kiểm tra chéo là quan trọng vì liên quan đến kiểm soát sự sai lệch (bias), tăng tính trung thực của tác giả với vấn đề nghiên cứu. Nghiên cứu này sử dụng kiểm tra chéo dữ liệu bằng cách áp dụng nhiều phương pháp thu thập dữ liệu như ghi chép, quan sát, phỏng vấn, ghi âm, đối chiếu các văn bản quy định của địa phương giúp hiểu được bối cảnh chính xác, đa dạng hơn và đáng tin cậy. Để nâng cao chất lượng
kiểm tra chéo dữ liệu thu thập, tác giả đồng thời thu thập dữ liệu ở thời điểm và địa điểm khác nhau.
Câu hỏi phỏng vấn được phát triển từ tổng quan nghiên cứu. Các bên phỏng vấn được xác định theo vai trò chính của họ. Bảng hỏi phỏng vấn được sử dụng là một công cụ của quá trình phỏng vấn. Mỗi bên được thiết kế một bảng hỏi phỏng vấn cho phù hợp với vai trò của họ như CQĐP, doanh nghiệp, người dân, thành viên JICA và nhà nghiên cứu du lịch. Bảng câu hỏi phỏng vấn bao gồm những câu hỏi được chuẩn bị trước sẽ giúp người điều tra tập hợp những thông tin chung, những thông tin quan trọng từ cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi cho phép người trả lời tự do bày tỏ quan điểm của họ, cho phép mở rộng những thông tin mới. Ban đầu 8 cuộc phỏng vấn sơ bộ được thực hiện đối với người trả lời. Từ kết quả phỏng vấn sơ bộ này, một số câu hỏi được điều chỉnh lại để người trả lời dễ hiểu và dễ trả lời đồng thời phải phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Cuối cùng đã xây dựng được hệ thống câu hỏi phù hợp. Bảng phỏng vấn về HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững bao gồm các câu hỏi và gắn với mục đích nghiên cứu đề tài được trình bày ở Phụ lục 1.
Sau khi phác thảo dàn ý phỏng vấn, nội dung của mỗi câu hỏi phỏng vấn đều được gắn với mục đích nghiên cứu của đề tài. Do đó, tránh được tình trạng những câu hỏi không phù hợp trong thiết kế các câu hỏi phỏng vấn.
Như vậy nội dung các câu hỏi phỏng vấn chính (phần cấu trúc) gồm: 1) Các bên liên quan du lịch tại địa phương trong PTDLNT.
2) Hình thức hợp tác và vai trò của HTCBLQ trong PTDLNT tại địa phương.
3) Các nhân tố thúc đẩy và hạn chế quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT tại địa phương theo hướng bền vững.
4) Những yếu tố nào để hợp tác thành công cho PTDLNT theo hướng bền vững. Hầu hết những người tham gia được liên lạc qua điện thoại trước, giới thiệu sơ qua về mục tiêu nghiên cứu, hẹn lịch gặp và hẹn lịch phỏng vấn. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại gia đình, cơ sở kinh doanh, cơ quan, quán cà phê, và nhiều địa điểm khác.
3.1.4.3. Xử lý dữ liệu
Toàn bộ quá trình phỏng vấn được ghi chép vào sổ cẩn thận và hầu hết cuộc phỏng vấn được ghi âm lại phục vụ cho công tác tổng hợp và phân tích dữ liệu tiếp theo. Có một số cuộc phỏng vấn vì lý do tế nhị nên người trả lời đã từ chối ghi âm. Thời gian một cuộc phỏng vấn kéo dài từ 45 phút đến 1,5 tiếng tùy thuộc vào thời gian sắp xếp và sự hứng thú với chủ đề của người tham gia. Đôi khi người phỏng vấn trả lời
lan man và kể nhiều về thành tích hoạt động trong lĩnh vực du lịch nên tác giả phải khéo léo tìm cách chuyển sang chủ đề sát gần hoặc liên quan đến câu hỏi phỏng vấn. Trong khoảng thời gian phỏng vấn có một số yếu tố làm ảnh hưởng đến các cuộc phỏng vấn như âm thanh (nói chuyện lớn bên ngoài, phương tiện đi lại, điện thoại,…) hoặc có vài cuộc phỏng vấn phải dừng lại hẹn hôm khác vì lý do đột xuất. Vì thế thời gian phỏng vấn, đi lại, tiếp cận phỏng vấn bị kéo dài thêm ra.
Sau khi kết thúc phỏng vấn, thủ tục tiếp theo là gỡ băng. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian, phải nghe đi nghe lại nhiều lần để ghi lại diễn biến buổi phỏng vấn. Tất cả các câu trả lời phỏng vấn được chuyển vào bản Word. Bên cạnh việc lưu trữ các cuộc phỏng vấn bằng điện thoại, laptop thì các đoạn ghi âm cũng được chuyển sang Googledrive để đảm bảo lưu trữ thông tin phục vụ cho việc kiểm tra lại thông tin trả lời khi cần thiết.