Các khái niệm về môi trường

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh trong dạy học tự nhiên và xã hội lớp 1 1 (Trang 29 - 33)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.1. Các khái niệm về môi trường

a. Khái niệm môi trường và môi trường xung quanh

Thuật ngữ môi trường đã xuất hiện từ lâu và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, nhiều phạm vi rộng hẹp khác nhau

- Hiểu theo nghĩa rộng nhất thì môi trường là tổng hợp những yếu tố bao quanh một vật thể và có quan hệ nhất định với vật thể đó. Bất cứ một yếu tố vật chất nào, dù là vật sống hay không sống cũng đều tồn tại và biến đổi trong môi trường. Nói đến môi trường tức là nói tới môi trường của một vật thể, một đối tượng nhất định.

Khi nghiên cứu về sinh vật thì người ta quan tâm tới "Môi trường sống của sinh vật". Theo Lê Văn Khoa (1995) thì: “Môi trường sống là tổng hợp những điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới đời sống và sự phát triển của các cơ thể sống”. Theo Hoàng Đức Nhuận (2000) thì: “Môi trường bao gồm tất cả các yếu tố bao quanh sinh vật, tất cả các yếu tố vô sinh và hữu sinh có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại, sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật” [2]

- Gần đây cả thế giới đều quan tâm tới môi trường. Trên các báo chí, sách vở, tài liệu và các phương tiện thông tin đại chúng đều nói tới môi trường, chính là nói tới "Môi trường sống của con người". Có nhiều khái niệm về môi trường sống của con người, nhưng khái niệm môi trường được sử dụng chính thống và rộng rãi đó là khái niệm của UNESCO năm 1981: "Môi trường bao gồm toàn bộ các hệ thống tự nhiên và nhân tạo, trong đó con người sinh sống và bằng lao động của mình đã khai thác những tài nguyên thiên nhiên hoặc tài nguyên nhân tạo để thoả mãn nhu cầu của con người". [4]

Tại mỗi nước, khái niệm môi trường lại được cụ thể hoá ở nhiều khía cạnh khác nhau để phù hợp với phạm vi, đối tượng và giúp cho mọi người dễ hiểu, dễ nghiên cứu. Ở Việt Nam, trong cuốn luật môi trường ban hành tháng 12 năm 1993 có đưa ra khái niệm về môi trường: "Môi trường bao gồm toàn bộ các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên". [4]

- Môi trường xung quanh: Thực chất, môi trường xung quanh cũng là tất cả mọi thứ bao quanh con người, nhưng ở đây chủ yếu dùng để nhấn mạnh môi trường xung quanh trẻ em, khái niệm nêu: Môi trường xung quanh là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh trẻ em, có quan hệ mật thiết với nhau và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến sự tồn tại và phát triển của trẻ em.

Cho dù các định nghĩa trên có khác nhau về quy mô, mức độ và giới hạn nhưng đều thể hiện các điểm chung sau:

+ Môi trường là một hệ thống do nhiều thành phần tạo nên, các thành phần này có bản chất khác nhau nhưng lại quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại với nhau, chi phối nhau.

+ Con người sống, sinh trưởng và phát triển trong môi trường, tất cả các yếu tố trong môi trường đều ảnh hưởng tới con người và mọi hoạt động của con người cũng đều ảnh hưởng tới môi trường.

Theo chức năng thì môi trường được phân làm hai loại: môi trường tự nhiên và môi trường

Môi trường xung quanh cũng phân ra: môi trường tự nhiên và môi trường xã hội kinh tế xã hội, môi trường nhân tạo

b. Môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế - xã hội, môi trường nhân tạo

- Môi trường tự nhiên: chính là khoảng không gian nguyên sinh của bề mặt Trái Đất, trong đó có chứa các thành phần vật chất của tự nhiên tạo cơ sở đầu tiên cho sự sống của con người.

Môi trường tự nhiên có nhiều thành phần cấu tạo nên như: nham thạch, đất, nước, không khí, nhiệt, ánh sáng, âm thanh, năng lượng, thực vật, động vật, vi khuẩn.. Các thành phần này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạo nên một tổng thể tự nhiên đặc trưng của Trái Đất, nó tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý muốn của con người, hoặc ít chịu sự chi phối của con người.

Tuỳ phạm vi sử dụng và nghiên cứu lại có thể chia ra: môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, môi trường sinh vật.

- Môi trường kinh tế xã hội: là các hệ thống tổ chức xã hội và kinh tế cùng các mối quan hệ của chúng như các hoạt động kinh tế, hoạt động chính trị, hoạt động xã hội, văn hoá, giáo dục...

Xã hội càng phát triển, môi trường kinh tế xã hội cũng ngày càng đa dạng và phức tạp

- Môi trường nhân tạo: là tất cả những nhân tố vật lí, sinh học, xã hội do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người như thành phố, làng mạc, đường sá, nhà máy, đồng ruộng, trường học, bệnh viện, công viên,...

Trình độ khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, xã hội ngày càng phát triển thì môi trường nhân tạo càng thay đổi nhanh chóng để thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người.

Thực ra, sự phân chia trên đây chỉ để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và phân tích các hiện tượng phức tạp trong môi trường, trong thực tế ba loại môi trường này cùng tồn tại, đan xen vào nhau, chúng có mối quan hệ qua lại với nhau hết sức mật thiết và chặt chẽ, con người cùng tồn tại và cũng có mối quan hệ chặt chẽ với cả ba loại môi trường trên.

Hình 2.3 :Hệ thống con người - môi trường xung quanh (B. Girogianốp, 1984)[3]

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh trong dạy học tự nhiên và xã hội lớp 1 1 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)