7. Cấu trúc luận văn
1.4.2. Nội dung phát triển ĐNGV THCS
Phát triển ĐNGV THCS là xây dựng ĐNGV làm cho đội ngũ đó được biến đổi theo chiều hướng đi lên, xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, đồng bộ về cơ cấu.
1.4.2.1. Về số lượng
Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, quy định: Mỗi trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,90 giáo viên trên một lớp, ngoài ra, mỗi trường được bố trí 1 giáo viên làm công tác Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch phát triển giáo dục, số lớp của từng trường, Phòng GDĐT tổng hợp, xây dựng kế hoạch năm học và dễ dàng xác định số lượng giáo viên cho từng cấp học. Căn cứ vào số lượng giáo viên hiện có sau khi đã trừ số
giáo viên sẽ nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác trong và ngoài huyện, cộng số giáo viên chuyển đến, ta xác định được số giáo viên cần bổ sung cho từng trường hay cho từng cấp học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bố trí đội ngũ cơ quan chuyên môn cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố có thể ảnh hưởng và làm biến động đội ngũ giáo viên từng trường, chẳng hạn như: tổng số lớp của 01 trường, số lớp theo từng cấp học, sỉ số học sinh.
Số lượng giáo viên là yếu tố mang tính định lượng, nó rất quan trọng nhưng không thể quyết định đến chất lượng, hiệu quả đối với một cơ sở giáo dục nếu như không quan tâm đến chất lượng và cơ cấu.
1.4.2.2. Về chất lượng
Chất lượng đội ngũ giáo viên gồm nhiều yếu tố: Trình độ đào tạo về chuyên môn của từng giáo viên, thâm niên công tác trong ngành, thâm niên bộ môn giảng dạy, vị trí việc làm đã và đang đảm nhiệm, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố…
- Trình độ đào tạo: đạt chuẩn hay trên chuẩn, hình thức đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, thời gian đào tạo, chất lượng và uy tín của cơ sở đào tạo.
- Sự hài hòa giữa các yếu tố:
+ Hài hòa giữa trình độ đào tạo, ngạch bậc, chức vụ với năng lực và hiệu quả công việc; hài hòa giữa trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, lối sống.
+ Hài hòa giữa nhiệm vụ được phân công với thâm niên công tác và trách nhiệm của cá nhân.
Để thực hiện được điều này, cần thực hiện tốt tất cả các khâu từ việc quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng hợp lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, năng lực quản lý, có phẩm chất đạo đức, có lòng yêu nghề, có trí tuệ và tay nghề thành thạo, hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của người giáo viên.
1.4.2.3. Về cơ cấu
- Cơ cấu ĐNGV theo chuyên môn: Việc bố trí giáo viên phải đảm bảo dạy đủ các môn và đúng với chuyên môn đào tạo; đồng thời mỗi trường phải bố trí một giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Do đó, để bố trí giáo viên vừa đảm bảo về số lượng nhưng đủ về chuyên môn giảng dạy cần phải được xét trên tổng thể cơ cấu giáo viên theo từng bộ môn, không để xảy ra tình trạng môn thừa, môn thiếu. Đồng thời, khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THCS, theo quy định sẽ có một số môn học mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, trong khi đó hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về các môn học này, nên việc bố trí giáo viên vừa đảm bảo số lượng nhưng phải phù hợp với bộ môn giảng dạy là rất quan trọng cần được các cơ quan quản lý tính toán cụ thể, khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.
- Cơ cấu ĐNGV theo trình độ đào tạo: Cơ cấu trình độ đào tạo trong một cơ sở giáo dục cũng là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng; có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau trong giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm của ĐNGV. Một khi xác định được một cơ cấu trình độ đào tạo hợp lý và thực hiện các biện pháp để đạt được cơ cấu đó cũng chính là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
- Cơ cấu ĐNGV theo độ tuổi:
Phân tích giáo viên theo độ tuổi nhằm xác định cơ cấu đội ngũ theo từng nhóm tuổi đảm bảo tính liên tục và kế thừa, là cơ sở để phân tích thực trạng, chiều hướng phát triển của một tổ chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và bổ sung.
Cơ cấu theo độ tuổi phù hợp sẽ tạo động lực để đội ngũ giáo viên phấn đấu làm việc, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong làm việc, tạo điều kiện để học tập và truyền đạt kinh nghiệm, bù khuyết lẫn nhau giữa các thế hệ giáo viên.
- Cơ cấu ĐNGV theo giới tính:
Trong các trường THCS tỉ lệ giáo viên nữ luôn nhiều hơn giáo viên nam, đối với những trường có nhiều nữ giới thì có nhiều lý do ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của trường, cụ thể như: thời gian nghỉ sinh, nuôi con nhỏ, chăm con ốm đau. Vì vậy, việc xác định cơ cấu giáo viên theo giới tính là cần thiết, giúp Phòng GDĐT có cái nhìn tổng quan chung toàn cấp học để sắp xếp bố trí hài hòa giữa các trường, đồng thời cũng giúp CBQL nhà trường chủ động trong các hoạt động.