Lý thuyết triển vọng dựa trên một loạt các minh chứng thực nghiệm về hành vi lựa chọn thực tế của cá nhân, lý thuyết được phát triển để trình bày một mô hình chính xác về việc ra quyết định của con người. Theo Kahneman and Tverskys (1979), lý thuyết triển vọng chỉ ra rằng nhận thức của mọi người về lãi và lỗ là sai lệch, bởi hầu hết đều sợ mất mát hơn là được khích lệ khi thu về một khoản lợi nhuận. Nếu mọi người được lựa chọn hai triển vọng khác nhau, họ sẽ chọn triển vọng mà cho rằng ít có cơ hội kết thúc trong thua lỗ, thay vì triển vọng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng nắm giữ những cổ phiếu đang mang lại lợi nhuận, việc nắm giữ này dễ dàng hơn so với việc đánh đổi bán đi cổ phiếu đang có lợi nhuận để tiếp tục đầu tư để tìm kiếm các cơ hội khác, nhằm nâng cao lợi nhuận cho tài khoản. Ở khía cạnh khác, khi có khoản đầu tư bị thua lỗ, nhà đầu tư thay vì có biện pháp “cắt lỗ” tuân thủ kỷ luật thì họ lại chấp nhận duy trì tiếp tục với kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai, đồng thời với việc đó sẽ kèm theo rủi ro cao về danh mục đầu tư. Lý thuyết phần nào đã cho thấy được bản chất hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khi họ có những điều nghịch lý khi ra quyết định đầu tư, gây tổn tại đến tài khoản của mình vì những
đặc điểm cá nhân. Đôi khi, khi giá cổ phiếu tăng, họ thường bán ngay để hiện thực hoá lợi nhuận. Nhưng khi cổ phiếu giảm giá, họ lại chần chừ không muốn bán vì khi hiện thực hoá khoản lỗ sẽ khiến tâm lý của nhà đầu tư khó chịu, cảm giác mất mát là lớn và họ kì vọng cổ phiếu sẽ tăng lại vào một ngày nào đó. Dẫn đến việc trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ với doanh nghiệp mà họ đầu tư. Với lý thuyết triển vọng, đề tài nghiên cứu đã được bổ sung thêm về cơ sở lý thuyết giải thích được hành vi của nhà đầu tư cá nhân đối với việc ra quyết định mua bán cổ phiếu.
Lý thuyết triển vọng rất quan trọng đối với các chuyên gia tài chính và nhà đầu tư. Mặc dù sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận cho thấy một bức tranh rõ ràng về rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu để đạt được lợi nhuận mong muốn, lý thuyết triển vọng cho chúng ta biết rằng rất ít người có thể nhận thức về lý trí khi bị cảm xúc chi phối. Tuy nhiên, lý thuyết vẫn còn hạn chế về việc không lý giải được việc nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đang lỗ với kỳ vọng phục hồi có đạt được hiệu quả đầu tư về sau hay không. Vì TTCK giao dịch thay đổi liên tục, việc tăng và giảm của cổ phiếu là chuyện bình thường, nếu như nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt, kinh doanh hiệu quả thì việc cổ phiếu giảm, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ hoặc mua thêm thì vẫn có thể đạt được lợi nhuận trong tương lai với kỳ vọng đã đề ra. Đây là nhược điểm của lý thuyết triển vọng, trong phạm vị đề tài nghiên cứu này, tác giả sẽ không nghiên cứu về hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân sau khi ra quyết định mua cổ phiếu của họ.