Hoạt động phát triển du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng lượng khách du lịch tới các địa điểm tham quan du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên..., từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực của phát triển du lịch đến môi trường. Tại nhiều khu vực, do tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt ngoài khả năng và nhận thức về quản lý nên đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài. Trong bối cảnh có nguy cơ suy thoái chung về môi trường và cạn kiệt về tài nguyên trên phạm vi cả nước, những ô nhiễm, suy thoái cục bộ này đã góp phần làm giảm sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Đây được xem là một trong những nguyên nhân làm số lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam không nhiều. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường từ hoạt động du lịch là yêu cầu cấp bách nhằm xác định các vấn đề cần giải quyết ngay để gìn giữ và tăng thêm sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành.
Môi trường nếu được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc một sự kiện nào đó và cũng chịu tác động ngược lại của vật thể đó. Hoạt động du lịch được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu yếu tố "hạt nhân" là khách du lịch. Do vậy, môi trường du lịch về cơ bản cần được xem như là môi trường sống của con người.
Môi trường sống của con người là tổng hợp các điều kiện vật lý, hóa học, sinh học và xã hội bao quanh, có ảnh hưởng tới sự sống và sự phát triển của từng cá thể cũng như của cộng đồng; hoạt động sống và sản xuất của con người ở mức độ nào đó tác động ngược trở lại môi trường. Như vậy môi trường sống của con người nếu hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và các nhân tố về chất lượng của môi trường. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp (không kể đến tài nguyên) thì môi trường chỉ bao gồm các nhân tố về chất lượng môi trường đối với sự tồn tại và phát triển của con người.
Tóm lại, môi trường du lịch ở đây được hiểu bao gồm các yếu tố về tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn, mà trong đó hoạt động du lịch tồn tại và phát triển. Hoạt động du lịch có mối quan hệ qua lại mật thiết với môi trường, khai thác đặc tính của môi trường để phục vụ mục đích phát triển và tác động trở lại góp phần làm thay đổi các đặc tính của môi trường.
Thành phần môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường như không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, núi, rừng, sông, hồ, các hệ sinh thái, khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác (Trích điều 2 - Luật bảo vệ môi trường Việt Nam).