CHƯƠNG 4 SỬ DỤNG QUYỀN LỰA CHỌN

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sống tự tin (Trang 39 - 40)

Bạn không thể lựa chọn mình sẽ chết như thế nào và vào lúc nào. Bạn chỉ có thể quyết định mình sẽ sống như thế nào vào ngay lúc này.

- Joan Baez Tối đa hóa sự lựa chọn

Tôi đã được chứng kiến một sự việc và nó đã khơi dậy sức mạnh của sự lựa chọn trong tôi. Ngày nọ, tại khuôn viên Đại học North Carolina ở Charlotte, có mười vị thiền sư Tây Tạng tập hợp lại để tụng kinh và tụng ca. Tôi rất ấn tượng trước các nhạc cụ, trang phục nhiều màu sắc và khả năng xướng đồng thời nhiều âm của họ. Quan trọng hơn, tôi cảm mến sự hiền từ toát ra từ họ cũng như sự bình thản của họ trước mọi việc xảy đến.

Điều này đã được chứng minh khi một nhóm người chính thống giáo sùng đạo tập hợp

ở trước khuôn viên để phản đối hành động của các thiền sư Tây Tạng. Những người này nắm lấy tay nhau và hát vang lên rằng: “Thiên Chúa thương yêu tôi”. Một vị thiền sư bèn tiến ra bên ngoài để xem có chuyện gì đang xảy ra. Khi chứng kiến hành động của những người chính thống giáo, thay vì phản ứng bằng sự giận dữ, ông đã gia nhập vòng tròn của họ, nắm lấy tay họ và cùng hát: “Thiên Chúa thương yêu tôi” với sự chân thành và kính cẩn.

Hành động của vị thiền sư đã làm an lòng những người theo Thiên Chúa giáo và họ dần giải tán trong yên lặng. Tôi vô cùng nể phục cách hành xử của vị thiền sư Tây Tạng. Tôi nhận ra rằng đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật lựa chọn đồng thời hiểu được lợi ích từ

cách thức lựa chọn ấy.

Một ví dụ thuyết phục khác chính là cuộc đấu tranh của Viktor Frankl, người trở về từ

trại tập trung trong Thế chiến thứ II. Trong cuốn sách “Man’s Search for Meaning” (Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người), Frankl đã miêu tả chi tiết về những tổn thương mà ông đã phải nhận lãnh khi bị giam cầm trong trại tập trung Auschwitz và các trại tập trung khác của Đức Quốc xã. Bị chia cắt với gia đình, đói khát, không mảnh vải che thân, Frankl đã bị tước đoạt hết mọi phẩm giá của một con người. Thế nhưng, trước những nỗi khổ đau, cực nhục cùng một thực tế là các bạn tù bên cạnh mình đang lần lượt ngã quỵ, Frankl vẫn nhận ra những lựa chọn mà mình có mỗi ngày. Ông tin tưởng rằng dù bọn Đức Quốc xã có thể lấy đi tất cả mọi thứ bên ngoài thì chúng vẫn không thể tước đoạt của ông nguồn sáng nội tâm – ý chí, các giá trị tinh thần. Thế nên, dù sống trong cảnh tù đày nhưng Frankl vẫn thấy tự do. Sự tự do trong nội tâm đã giúp ông sống sót sau nạn diệt chủng, tìm thấy ý

nghĩa của bi kịch đời mình và vượt lên trên số phận nghiệt ngã. Ông đã quyết định lựa chọn cuộc sống thay vì để cuộc sống lựa chọn ông.

Hành động của vị thiền sư và Viktor Frankl nhắc nhở chúng ta rằng dẫu cuộc sống có khó khăn đến mấy chăng nữa thì ta vẫn có sự tự do để lựa chọn. Càng thực hành việc phân tách cái tôi tự tin ra khỏi bản ngã và tự giải thoát bản thân khỏi những ảo giác tiêu cực của quá khứ, bạn càng ý thức rõ hơn về sự lựa chọn mà mình có được trong từng khoảnh khắc. Thay vì để hoàn cảnh sống quyết định, chúng ta có thể chú tâm vào những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bản thân. Việc sống từ nội tâm hướng ra bên ngoài này chính là một sự thể hiện của cuộc sống tự tin.

Hẳn bạn đã từng nghe nói đến câu châm ngôn: “Sự khốn khó tùy thuộc vào lựa chọn

của ta”. Rõ ràng, chẳng ai cho rằng sự khốn khó là điều tốt nhất mà ta có thể đạt được, dù rằng đó cũng là lựa chọn của chính bản thân ta khi bản ngã dẫn dắt cuộc sống của ta. Khi cái tôi tự tin ở vị thế chủ đạo, chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng hơn về những lựa chọn mà mình có được đồng thời ta có thể sử dụng những trải nghiệm không vui ngày trước như là cơ hội để làm thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tốt đẹp hơn.

Nếu bạn muốn đến một nơi nào đó thì bạn phải hành động. Càng có nhiều sự lựa chọn, bạn càng cảm thấy sợ. Khi sống dưới sự dẫn dắt của bản ngã, chúng ta cho rằng việc giữ lấy những thói quen cũ sẽ an toàn hơn so với việc trải nghiệm cái mới: lui tới những nhà hàng cũ, làm công việc cũ, khư khư giữ lấy những mối quan hệ nhạt nhẽo xưa. Rõ ràng, một

phần của bản ngã trong ta đang cố sức bảo vệ ta khỏi những điều có vẻ nguy hiểm. Rủi thay, khi dẫn dắt cuộc sống của ta, nó đã vô tình giới hạn và ngăn cản sự phát triển của ta, không cho ta có được công việc mơ ước hoặc tìm thấy người bạn tâm giao.

Bởi vậy, thay vì bực mình với cái cũ, hãy xem thử liệu sau khi đã thực hành nghệ thuật phân tách thì cái tôi tự tin của bạn có thể kết nối với nó hay không, đồng thời hãy ghi nhận thiện chí của nó và cố gắng bày tỏ tình cảm cùng sự biết ơn của mình đối với sự tận tụy của nó. Khi ấy, nó sẽ thư giãn và để cho cái tôi tự tin của bạn có những lựa chọn khác, bất chấp việc phải đương đầu với rủi ro và đấu tranh chống lại những nỗi sợ hãi. Cái tôi tự tin có thể

áp dụng phương pháp mới để giải quyết vấn đề, từ bỏ phương pháp cũ không hiệu quả và thôi tìm về những người cũ để tránh nhận lãnh cùng một sự phản hồi. Nếu có điều gì đó không ổn, cái tôi tự tin của bạn sẽ xử lý khác đi. Nếu cách làm ấy vẫn không hiệu quả, bạn có thể kiên trì dùng những phương cách mới cho đến khi vấn đề dần được giải quyết.

Hãy thử xem liệu bạn có thể thực hiện một công việc gì đó bằng phương pháp mới hay không, dù đó chỉ là một việc rất nhỏ. Hãy tìm cách thoát ra khỏi những lối mòn của mình, chẳng hạn như trở về trên một con đường mới, mời một đồng nghiệp mới đi ăn trưa hoặc đương đầu với những thử thách đã một thời làm bạn khiếp sợ. Những ví dụ về sự lựa chọn này có thể giúp bạn trở về với cuộc sống tự tin của mình.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sống tự tin (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)