Việc lo lắng về những điều rắc rối, bất mãn và bất hạnh có thể sẽ mang đến cho bạn đúng những điều ấy. Ngược lại, sự kỳ vọng vào cuộc hành trình trôi chảy, thỏa mãn và hạnh phúc sẽ lấp đầy cuộc sống của bạn bằng chính những điều tích cực ấy. Hãy cố gắng yêu cầu những ảo giác trong quá khứ của bạn đứng sang một bên và xem liệu bạn có thể
tiếp cận tình huống mới bằng lối tư duy rộng mở hay không. Hãy tặng cho mình một món quà bằng cách để cho hoàn cảnh tự nói lên bản chất của nó, đồng thời hãy mở rộng lòng mình để đón nhận những điều mới lạ cũng như những khả năng vô hạn thay vì làm méo mó chúng đi. Tư duy mở cho phép bạn nhìn nhận cuộc đời theo đúng bản chất của nó chứ
không như những gì bạn nghĩ. Tư duy mở chứa đầy sự sáng tạo. Nó tìm ra phương pháp chữa bệnh bại liệt, vẽ nên các kiệt tác hội họa của thánh đường Sistine Chapel(4) và đưa con người lên mặt trăng. Tư duy mở có thể đưa bạn lên tầm cao mới của sự hiểu biết về bản thân, sự mãn nguyện và tự tin.
Xóa bỏ định kiến
Bạn có thể ứng dụng bí quyết “Tư duy mở” mỗi ngày. Hãy bắt đầu với nhận thức rằng chúng ta thường có xu hướng tiếp cận các tình huống với một định kiến nhất định và nó dẫn dắt ta nhìn thấy những điều mà ta đang tìm kiếm. Ý tưởng này có vẻ rất giản đơn
nhưng đừng vội xem thường sức mạnh và khả năng ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với cuộc đời bạn. Hãy tìm cách xóa bỏ định kiến và giữ cho đầu óc mình rộng mở để đón nhận
những trải nghiệm mới. Đây là hai cách để bạn có thể ứng dụng bí quyết này:
1. Hãy bắt đầu với một định kiến đang có trong đầu bạn. Việc tách mình khỏi định kiến
ấy, làm bạn với nó và an ủi nó có thể tạo ra khoảng trống để những ý nghĩ thoáng hơn (cái tôi tự tin) xuất hiện. Ví dụ, ý nghĩ: “Nếu tôi bỏ công việc này, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được
công việc nào có mức lương tốt như thế” có thể được chuyển thành: “Tôi có thể tìm được
công việc mà tôi thật sự yêu thích, phát huy khả năng của tôi và có mức lương tốt”. Sự
xuất hiện của những ý nghĩ thông thoáng là điều hoàn toàn có thể. Hãy viết ra những ý nghĩ mới của bạn, đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất và thường xuyên nhắc nhở mình ghi nhớ
chúng. Hãy luôn ghi nhớ rằng lòng tự tin của bạn không phải được định hình từ những gì cuộc đời mang đến cho bạn mà chính là từ những suy nghĩ thông thoáng của bạn về chúng.
2. Hãy suy nghĩ về câu châm ngôn: “Sự kỳ vọng chính là những oán giận được lập
trình trước”. Rồi hãy nghĩ về một ai đó mà bạn rất sợ tiếp xúc trong tương lai. Hãy tự hỏi xem có phải bạn đã quyết định về kết quả của sự việc và đã có những phản ứng tiêu cực trước khi sự việc ấy thật sự xảy ra hay không. Tiếp theo, hãy suy ngẫm về phần sợ hãi trong bạn và nhẹ nhàng yêu cầu nó bước sang một bên để nhường chỗ cho cái tôi tự tin dẫn dắt cuộc đời bạn. Sau đó, hãy để ý xem liệu cái tôi tự tin của bạn có đứng ở vị trí tiên phong và liệu trải nghiệm của bạn về tình huống ấy có khác so với định kiến ban đầu của bạn về nó hay không.