Tôi đã phát hiện ra rằng nếu chúng ta yêu cuộc sống thì nó sẽ yêu lại ta.
- Arthur Rubinstein Chiếc gương phản chiếu
Nhiều năm trước, tôi cảm thấy hết sức phấn khởi khi nhận ra mình đang dần được khai sáng. Vòng vèo qua những ngọn đồi ở North Carolina, chiếc xe nhỏ của tôi chầm chậm dừng lại trước một trung tâm tu học Phật giáo nằm dưới những rặng núi quanh năm sương khói phủ mờ, nằm ngay ranh giới North Carolina và Tennessee. Mặc dù đã được nghe kể
về những buổi học tuyệt vời ở đây nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội để tham dự vì cuộc sống của tôi quá bận rộn. Tuy vậy tôi quyết định cuối tuần này sẽ thay đổi mọi thứ. Tôi dành hẳn cả hai ngày, cùng với những học viên khác, ngồi bắt chéo chân, thiền định, tụng kinh và suy ngẫm về vạn vật, về vũ trụ. Tôi hình dung rằng mình sẽ tìm được sự thanh thản nội tại và tin rằng tất cả những bí mật của cuộc sống sẽ được phơi bày trước mắt tôi cùng lúc. Ai lại không hào hứng cho được chứ? Tôi đang trong quá trình trở thành một “thực thể cao cấp
hơn”! Một người bạn lâu năm đã kể với tôi về trung tâm tu học này và bảo với tôi rằng những trải nghiệm mà tôi có ở đây sẽ phản chiếu cuộc sống hằng ngày của tôi.
Tôi nhớ lại mình đã vẫy tay chào anh và thầm nghĩ rằng: “Đúng thế! Hãy để tôi được
nghỉ xả hơi!”.
Cuộc sống của tôi thật sự rất căng thẳng và ngoài tầm kiểm soát. Tôi đang tìm kiếm sự
thanh thản nội tại và phương hướng cho mình. Liệu trung tâm tu học này sẽ mang đến những điều ấy: gội rửa tôi trong sự thanh thản nội tại? Sẽ thật tệ hại nếu lần này tôi lại đến nhầm chỗ.
Nhưng rồi tôi đã đến đó và… bị lạc đường. Khi phải để chiếc xe bò chậm chạp qua những khúc quanh, tôi nhận ra mình đã tính toán sai về khoảng thời gian cần thiết để đến đây. Vì sáng nay tôi đã bắt đầu làm việc muộn nên buổi chiều, tôi phải ở lại văn phòng khá trễ. Vậy là tôi đã không thể lên đường trước khi trời tối. Khi màn đêm buông xuống, tôi chẳng thể
nhìn rõ con đường bụi bặm, bé xíu mà lại chẳng hề có biển báo, uốn lượn ngoằn ngoèo trước mặt. Tôi đã bỏ quên mắt kính trên máy bay hồi đầu tuần, trong khi trời lại bắt đầu đổ
mưa. Tôi lo lắng không biết liệu mình có đến kịp để ăn tối và tụ họp cùng các tu sĩ – những người chỉ dẫn cho chúng tôi cách luyện tập vào cuối tuần – hay không. Giận dữ và thất vọng, tôi nguyền rủa bóng tối và đập mạnh vào tay lái. Phải chi mình khởi hành sớm hơn!
tu học. Khi vào trong, người ta báo cho tôi biết rằng những người khác đã ăn tối và đang tụ
họp để nghe hướng dẫn. Tôi húp vội một tô xúp cùng một mẩu bánh mì rồi chạy đến chỗ
tập trung và sà vào chỗ của mình. Tôi như sắp tắt thở, tim đập mạnh trong khi tay thì run. Các túi hành lý của tôi vẫn còn nằm trong cốp xe nên khi những người khác đã yên vị trong phòng của họ thì tôi lại là “kẻ vô gia cư”. Khi ấy, vị tu sĩ thông báo rằng chúng tôi không được lên tiếng trong vòng hai mươi bốn giờ, bất kể chuyện gì. Tim tôi se lại, còn dạ dày thì “biểu tình” như chống lại sự thanh thản mà tôi mong đợi. Tôi càu nhàu: “Khi nào thì sự
thanh thản nội tại mới đến đây?”.
Giờ đây khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng người bạn của mình đã nói đúng. Trải nghiệm mà tôi có được tại trung tâm tu học là tấm gương để tôi nhìn rõ hơn về bản thân và cách sống của mình. Thậm chí, trước khi đến trung tâm, tấm gương ấy đã bảo với tôi rằng: “Tôi chẳng
thể thấy được gì đâu. Tôi bị lạc lối, không chỉ ở những con đường núi ngoằn ngoèo mà trong chính hành trình của đời mình”. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng những người bạn cũ quen thuộc của tôi - sự hấp tấp, thất vọng và giận dữ - đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi ấy. Khi ngồi trước mặt vị tu sĩ đã yêu cầu giữ im lặng, tôi nhận ra có thêm hai người bạn khác - sự nôn nóng và lo lắng - cũng đồng hành cùng tôi. Thế là tôi đã được khai sáng, nhưng tại thời điểm ấy tôi lại không hề hay biết.
Những tình huống, đặc biệt là những tình huống thử thách, cũng là tấm gương phản chiếu để bạn có thể học hỏi. Bạn không thể yêu hoặc ghét một trải nghiệm nào đấy trừ phi nó phản chiếu cho bạn thấy điều gì đấy về bản thân mình. Đây là bí quyết boomerang. Bí quyết này cũng đúng trong cách bạn cư xử với những người khác. Khi bạn phản ứng tiêu cực đối với ai đấy, thường thì đó chính là phản ứng của một phần bản ngã trong con người bạn. Nhiều người cho rằng lỗi lầm của người khác cũng giống như đèn pha ô tô vậy, chúng luôn có vẻ sáng hơn đèn pha ô tô của ta. Nhiều người đã trở thành chuyên gia trong việc đánh giá và phán xét người khác bởi nó giúp họ không bị soi mói. Thật ra, những khuyết điểm của người khác mà ta chỉ ra lại chính là những điều mà ta không thích về bản thân mình. Việc tập trung vào lỗi lầm của người khác đơn thuần là cách để ta tránh nhìn nhận sự thật rằng những điều ấy cũng tồn tại trong con người ta và chúng ngăn cản ta nhận ra mình cần phải hoàn thiện bản thân ở điểm nào.
Nhà tâm lý học Carl Jung(2) từng nói: “Bất cứ điều gì ở người khác khiến ta bực mình
đều có thể giúp ta hiểu hơn về chính bản thân mình”. Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp bản ngã của mình đang thực hiện sứ mạng truy tìm lỗi lầm. Một khi bước lùi lại, bạn sẽ thấy rằng
những gì làm bạn khó chịu lại chính là một phần trong con người bạn. Việc chỉ trích người khác chỉ là cách để bạn cảm thấy khá hơn trong lòng. Nếu chỉ ra được sai sót của người khác, bạn sẽ thấy lỗi lầm của mình dễ tha thứ hơn, hoặc thậm chí làm bạn thấy mình ở
đẳng cấp cao hơn.
Bí quyết boomerang giúp bạn biết kiềm chế bản thân khi muốn phán xét người khác và lưu ý những gì mà sự chỉ trích phản ánh về chính bản thân mình. Để rồi sau đó, bạn có thể
tận dụng nguồn năng lượng mà bạn định dùng để chỉ trích người khác vào những việc tốt đẹp khi tự hoàn thiện bản thân. Một khi đã thấu suốt được bí quyết này, bạn có thể thực
hành việc tìm kiếm ưu điểm thay vì khuyết điểm của người khác. Hãy để ý xem cảm giác của bạn sẽ thay đổi như thế nào khi bạn ngợi khen người khác, chứ không phải hạ thấp họ. Phương pháp này sẽ mang đến cho người khác những lời khen tặng xứng đáng, còn bản thân bạn thì có cơ hội đạt được nhiều sự thông hiểu và lòng tự tin.
Quy luật boomerang nhắc nhở ta rằng bất cứ điều gì đang diễn ra trong nội tâm ta sẽ
được phản chiếu ra ngoài đời thật và lại quay trở về như một chiếc gương để ta soi rọi mà sửa chữa nếu ta sẵn lòng. Tất cả những ý nghĩ, cảm xúc và hành động của ta đều sẽ quay trở
về dưới dạng nào đấy. Những thông điệp tích cực sẽ mang về những trải nghiệm tích cực. Ngược lại, những ý nghĩ xấu xa sẽ mang đến cho ta những điều xấu xa, có thể không phải ngay tức thì mà sẽ dần xuất hiện trong cuộc sống của ta.
Chuyện về Claire là một ví dụ điển hình về lòng đố kỵ. Claire cảm thấy hết sức cay cú khi ai đó gặp may. Điều tốt đẹp của người khác lại trở thành cái tát giáng vào mặt cô. Khi một người đồng nghiệp kể về thành tích giỏi giang của con cái anh cũng như sự tuyệt vời của vợ anh, thì Claire sưng sỉa: “Tôi chẳng muốn nghe những chuyện ấy. Nó khiến tôi cảm thấy đời mình chẳng là gì cả!”.
Khi một người bạn kể cho Claire nghe về vận may của mình, Claire nhăn mặt khó chịu. Cô giận dữ thốt lên: “Tại sao cậu cứ luôn gặp may thế? Tại sao cứ luôn là cậu? Sao không
thể là tớ cơ chứ?”.
Claire không nhận ra được rằng lòng đố kỵ đã che mất cuộc sống tự tin của cô. Sự cay cú của cô đã bật ngược trở lại, khiến cô sống một cuộc đời ảm đạm. Theo nhà nhân đạo người Pháp Jean Vanier(3) thì: “Lòng đố kỵ xuất phát từ sự thờ ơ, hoặc sự thiếu niềm tin của con
người đối với những món quà mà họ có”. Vận may của người khác nhắc nhở Claire nhớ về
sự bất hạnh và thiếu tự tin trong nội tâm cô. Claire không thể nhìn thấy những món quà của mình bởi cô đã bị lòng ganh ghét làm cho mờ mắt.
Lòng đố kỵ ngăn không cho ta nhìn thấy những phúc lành và sự “giàu có” của mình. Cùng với sự ghen ghét, nó là phần thuộc bản ngã đang cố gắng lấy cho bạn những gì mà bạn không có, nhưng bằng cách đó, chúng vô tình làm tăng cảm giác thiếu thốn trong bạn. Chúng tước quyền lãnh đạo cuộc sống của bạn và lan rộng ra. Khi bạn đưa chúng vào thế
giới thật, chúng sẽ lại quay trở về với bạn dưới dạng một cuộc sống bần cùng. Lòng tự tin không xuất phát từ việc ham muốn những gì thuộc về người khác, mà chính là từ sự biết
ơn đối với những gì bạn có cũng như từ việc thực hiện các bước cần thiết để tạo ra điều mình mong muốn. Khi bạn chân thành chia sẻ niềm vui với người khác về vận may của họ, điều kỳ diệu sẽ đến với bạn: bạn cũng bất ngờ có được vận may. Khi bạn biết tận hưởng niềm vui, bạn sẽ có được hạnh phúc. Còn khi bạn đập bàn, dậm chân hoặc ôm ấp nỗi đắng cay, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tệ hại. Như vậy, bạn đã trải nghiệm quy luật của chiếc
boomerang nhưng lại không hề hay biết.
“Bất cứ điều gì mà bạn cố tạo ra cho người khác sẽ luôn quay về với bạn, bao gồm cả
những hành động yêu thương, giúp đỡ, an ủi lẫn những hành động phá hoại.”
Ta càng sử dụng những ý nghĩ, cảm xúc và hành động để yêu thương bản thân, người khác và có được nhiều hành vi tốt bao nhiêu, thì ta càng nhận được tình yêu, hạnh phúc và sự giàu có nhiều bấy nhiêu. Bí quyết boomerang nói rằng việc chuyển đổi những ý nghĩ, lời nói và hành động tiêu cực sang tích cực, mang tính xây dựng sẽ tạo ra những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống.
Vào một kỳ nghỉ nọ, tôi tới mua sắm ở một cửa hàng bán thực phẩm từ thiên nhiên và bắt chuyện với người chủ cửa hàng. Cuộc trò chuyện khởi đầu rất vui vẻ nhưng khi kết thúc, tôi lại thấy mình đang độc đoán phê phán người nghệ sĩ piano chơi trong buổi hòa nhạc mà chúng tôi vừa xem gần đây. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra mình đang phản bác mọi thành tựu mà cô đạt được. Dù bản thân tôi cũng không thích những lời lẽ tuôn ra từ miệng mình, nhưng tôi lại không thể dừng thông điệp tiêu cực ấy.
Đột nhiên, không khí cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thay đổi hẳn, từ sự cởi mở ban đầu giờ trở nên lạnh tanh. Nụ cười của cô chủ cửa hàng biến mất, thay vào đó là nét mặt
nghiêm nghị. Những cái liếc mắt vui vẻ giờ biến thành cái nhìn trống rỗng. Sự tiêu cực mà tôi phát ra ở cửa hàng tạp hóa đã trở thành tiếng sấm dội lại tôi qua thái độ của cô chủ cửa hàng. Suốt thời gian còn lại trong ngày, tôi đã có cảm giác hết sức bất an về những lời phê phán thiếu công bằng của mình.