Mẩu truyện cổ về Nasrudin dưới đây sẽ minh họa cho ta thấy tác hại của việc đi ngược lại bản chất của sự hài hòa:
Nasrudin đem lòng yêu thương một cô gái đẹp cùng làng, nhưng nàng lại chẳng mảy may để ý đến anh. Nasrudin nghe đồn về một thứ bùa yêu có thể làm cho bất cứ người phụ nữ nào mà anh mơ ước đều sẽ đem lòng yêu anh.
Thế là anh lên đường đến miền đất lạ, mua cho bằng được thứ bùa yêu ấy. Trở về làng, Nasrudin tìm cách bỏ vào ly nước của cô gái mà anh thương thầm nhớ trộm. Ngay lập tức, cô gái đem lòng yêu anh say đắm và họ nhanh chóng kết hôn. Thế nhưng lúc này, Nasrudin lại vô cùng khổ sở. Anh chẳng thể ăn ngủ được và công việc ngày càng xuống dốc.
Dần dần, anh còn chẳng đụng đến cô dâu của mình. Lúc nào anh cũng khắc khoải với một câu hỏi mà anh chẳng thể có được câu trả lời: “Liệu cô ấy có yêu mình không nếu mình không có thứ bùa yêu ấy?”. Cuối cùng, Nasrudin đã học được rằng bất kể bạn có yêu một người nào đó nhiều đến đâu đi nữa thì cũng không thể cưỡng ép tình yêu của họ.
Khi bản ngã nắm quyền lãnh đạo, chúng sẽ làm cho mọi thứ khớp với điều mà chúng cho rằng ta muốn hoặc cần, chứ không phải khớp với những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Nhu cầu kiểm soát sẽ khiến ta có xu hướng khắt khe với mọi người và mọi tình huống. Nhưng bất kể ý định của chúng có tốt đẹp đến đâu, hoặc chúng có cố gắng đến mức nào đi nữa thì bản ngã của ta cũng không thể khiến cho cuộc sống vận hành theo cách chúng muốn.
Khi bản ngã nắm quyền dẫn đạo và mọi việc không diễn ra như ta mong muốn, thay vì tận dụng chúng một cách có lợi nhất thì ta lại tức giận với hoàn cảnh. Chúng ta nổi đóa khi trận bóng đá hay cuộc diễu hành bị phá hỏng. Chúng ta giận dữ vì mình bị tụt lại phía sau và vì hai mươi bốn giờ trong một ngày là không đủ. Ta giận dữ đấm vào tay lái khi bị kẹt xe. Ta phát điên lên khi máy tính bị hỏng. Ta cáu kỉnh với những vụ quẹt xe hoặc những
chuyến bay bị hoãn. Ta áp đặt kế hoạch của mình lên đồng nghiệp thay vì lắng nghe ý kiến của họ. Ta từ chối đàm phán (thay vì khoan dung) với những người có niềm tin, quan điểm hoặc phong cách sống khác ta. Ta thở dài và cất từng bước nặng nề. Ta bực bội với những người đến trễ, quên cuộc hẹn, thậm chí chỉ là nướng bánh mì theo cách khác ta, di chuyển chậm chạp hơn ta, hoặc đi đến khu mua sắm bằng con đường khác ta. Điều này cũng giống như ta đang cố nhét miếng chèn hình vuông vào một cái lỗ tròn; hoặc cố xỏ bàn chân cỡ số
chín vào đôi giày cỡ số bảy vậy.
Cuộc sống có thể giống như những cuộc đấu tranh triền miên. Chúng ta không thể
thuyết phục sếp nhìn nhận quan điểm của ta; không thể kiếm đủ tiền để sắm chiếc xe hơi mới; không thể lay chuyển quan điểm của đồng nghiệp để cùng đi đến một hướng giải quyết trong công việc; không thể thuyết phục người bạn đời của mình rằng quyết định của hai người về gia đình là quan trọng nhất.
Có thể chúng ta nhận ra mình liên tục cãi vã với người thân trong gia đình hoặc bất đồng ý kiến gay gắt với các đồng nghiệp. Dường như tất cả mọi người đều đang chống lại ta vậy. Nhưng sau một thời gian thì ta phải đối diện với sự thật. Nếu ta cứ liên tục cãi vã với người khác, thì đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Thậm chí ngay khi chúng ta biết rõ rằng có nhiều cách để giải quyết vấn đề, rằng những hành động của ta không mang lại hiệu quả hoặc người đồng nghiệp có chiến thuật tốt hơn chăng nữa, thì bản ngã của ta cũng từ
chối những nhận định ấy.
Khi cảm thấy dường như mình đang liên tục đấu tranh và liên tục thua cuộc, chúng ta có thể lùi lại và quan sát xem điều gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài bản thân mình. Ta có thể xem xét liệu có phải một phần đối lập nào đấy đã chia ranh giới chiến trường, cố
gắng củng cố ý muốn của nó bằng cách từ chối lắng nghe những quan điểm khác; hoặc xét xem liệu những phần thích tranh cãi, ưa gây hấn, độc đoán, ngạo mạn và bê tha có sẵn sàng tấn công ta với những chiến lược hiếu chiến hay không. Có thể ta đã tạo nên chiến tranh ngay bên trong bản thân mình mà không hề hay biết. Hãy luôn ghi nhớ rằng tất cả
các phần thuộc bản ngã đang làm việc hết sức sốt sắng để bảo vệ và mang đến cho ta những gì tốt đẹp nhất, dù kết quả ra sao thì ý định của chúng mới tuyệt vời làm sao. Vì vậy, hãy tỏ
ra thân thiện với phần bản ngã đang ra sức giúp đỡ ta và xét xem liệu nó có sẵn sàng hợp tác với cái tôi tự tin của ta hay không.
Tư duy hạn hẹp, nhẫn tâm, thái độ tiêu cực, sợ thay đổi, cứng nhắc, bủn xỉn, thiếu kiên
nhẫn, giận dữ, oán hờn, chần chừ, khắt khe, ưa than vãn và bi quan là tất cả những phần bị kìm hãm có thể khiến ta bị mắc kẹt trong tình trạng bất hài hòa. Mỗi phần đều có kế
hoạch và sự biện hộ riêng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống theo cách riêng của chúng. Những phần bản ngã này không thể thấy được bức tranh toàn cảnh, trong khi đó,
cái tôi tự tin của chúng ta thì quan sát và dẫn dắt cuộc sống của ta qua lăng kính có góc nhìn rộng.