Khi đối diện với những tình huống mới, hãy giữ cho đầu óc mình luôn rộng mở thay vì khép kín.
- Bryan Robinson Luật Murphy(1)? Hãy cẩn thận với cách bạn xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau
Có một việc buồn cười đã xảy ra khi tôi đang chờ xe buýt ở sở thú Honolulu. Một chiếc xe hơi thể thao nhỏ màu đỏ bị chết máy ngay giữa đường và một cảnh sát đang đứng bên cạnh người tài xế. Chiếc xe chết máy khiến giao thông bị tắc nghẽn và nhiều người giận dữ
bóp còi inh ỏi. Một người đã xuống xe và chạy đến xem có việc gì xảy ra. Bà tỏ ra vô cùng tức tối và lớn tiếng phản đối người cảnh sát: “Nếu ông muốn phạt thì sao không bảo cô ấy
tấp xe vào lề, thay vì đứng đó mà cản trở giao thông?”.
Viên cảnh sát mở xe và cố khởi động máy nhưng cũng không được. Như vậy rõ ràng, khi đầu óc ta đã có sẵn định kiến, ta chỉ nhìn thấy được những ảo giác về điều mà ta nghĩ rằng đang diễn ra, hoặc những gì mà ta nghĩ về người khác, chứ không nhìn thấy được sự thật khách quan về họ.
Chiếc bóng đèn trong phòng tắm, phòng ngủ và nhà bếp bị hư cùng một lúc. Chiếc xe hơi bị xẹp lốp trên đường đến văn phòng. Trong khi đó, ở văn phòng thì kẹp giấy của bạn đã hết. Truyền hình cáp lại bị hỏng nữa chứ. Những điều vụn vặt này có thể khiến bạn phát điên lên. Thế là bạn không kiềm chế được mình, bắt đầu nguyền rủa và nổi đóa lên.
Bạn la ầm lên: “Ôi luật Murphy! Nếu điều gì tồi tệ có thể xảy đến trong đời tôi thì chắc
chắn chúng sẽ đến đủ cả”. Nhưng liệu đó có phải là luật Murphy? Hay chính bản ngã của bạn đã cá nhân hóa những bực dọc ngẫu nhiên vụn vặt trong cuộc sống thường nhật?
Hãy để tôi giải thích vì sao luật Murphy là không có căn cứ khoa học và thực chất đó chỉ
là định kiến của bản ngã luôn mong chờ những gì tồi tệ nhất trong cuộc sống. Bạn làm rơi một lát bánh mì phết bơ và cái mặt có bơ luôn bị úp xuống đất. Bạn sẽ bảo rằng đó chỉ là xui rủi thôi chứ chẳng chịu dựa vào khoa học? Nhà nghiên cứu Robert A. Matthew ở Đại học Aston tại Birmingham, Anh Quốc, đã tiến hành tìm hiểu điều này. Và Matthew cho biết việc bánh mì phết bơ luôn rơi với mặt có bơ úp xuống là theo quy luật vật lý. Tốc độ
xoay của miếng bánh mì phết bơ quá chậm nên nó không thể xoay đủ một vòng và lật ngược mặt có bơ trở lại phía trên trước khi chạm đất. Ông kết luận rằng việc này chẳng có liên quan gì đến luật Murphy cả.
Hay một ví dụ khác: bạn nhận thấy dường như mình đã chọn phải quầy tính tiền chậm nhất trong cửa hàng tạp hóa. Bạn vẫn nghĩ rằng đó là do luật Murphy chứ không chịu tin
vào điều Matthew đã nói? Sự thật là tất cả các quầy tính tiền đều hoạt động gần như với cùng một tốc độ. Mỗi quầy đều có thể bị chậm trễ do xuất hiện những tình huống ngẫu nhiên, chẳng hạn như thay băng keo cho máy thu ngân hoặc có một khách hàng bỏ sót món hàng nào đó. Giả sử như có ba quầy; và bạn chọn một trong số đó. Theo quy luật Murphy thì thời gian chờ đợi ở hàng bên trái hay hàng bên phải cũng đều ít hơn thời gian chờ đợi ở hàng của bạn.
Thật ra, những chiếc đèn bị hư cùng một lúc kia đã được sử dụng cùng một lúc và chúng có cùng tuổi thọ như nhau. Hay những tình huống xảy ra trong cuộc sống mà bản ngã của bạn liệt vào hàng tiêu cực đều có căn nguyên khoa học và chẳng hề liên quan tới cách bạn xâu chuỗi chúng lại với nhau như thế nào. Vì thế, khi bạn nhận thấy mình đang có phản
ứng thái quá đối với những việc không diễn ra như mong muốn và hoạch định của bạn, hãy nhắc nhở phần bị kích động trong bạn rằng nó chỉ đang trải nghiệm những sự kiện ngẫu nhiên của cuộc sống. Vũ trụ không chống lại bạn và bạn cũng không phải là kẻ xúi quẩy. Bạn chỉ đơn thuần trải nghiệm những quy luật ngẫu nhiên mà thôi.
Trong hai mươi năm làm bác sĩ tâm lý, tôi đã điều trị cho nhiều người than vãn về cuộc sống khi họ không thể tìm được người trong mộng của mình. Tôi nhận thấy rằng một phần bản ngã vô thức trong những con người thú vị và đẹp đẽ này quyết định rằng chẳng ai hợp với họ cả (luật Murphy). Họ vẫn hẹn hò nhưng phần phòng thủ trong nội tâm họ luôn tỉnh thức và khiến họ khư khư giữ lấy quan điểm của mình, vội vã đưa ra phán xét hoặc để cho phần tiêu cực che khuất đi những mặt tích cực. Họ có thể trở thành người hay cáu bẳn, thiếu quyết đoán và hay hối tiếc. Tôi đã cố gắng giúp họ nhìn thấy được rằng phần phòng thủ trong con người họ đã quyết định kết quả và nó đã vô tình hành động theo cách tái khẳng định điều nó vốn tin tưởng. Nói cách khác, chẳng có gì là bất ổn với họ (và chẳng liên quan gì đến luật Murphy cả), mà chính những hành động của họ mới là nguyên nhân khiến họ thất bại trong chuyện hẹn hò.
Giả sử bạn đi chơi với một người mới quen và sau lần hò hẹn đầu tiên thì người ấy không liên lạc với bạn nữa. Lúc này bạn sẽ có kết luận gì? Tôi không phải là người thú vị hoặc Tôi không đủ sức cuốn hút. Một tháng sau, bạn phát hiện ra rằng người ấy đã nằm liệt giường suốt cả tuần lễ vì bị bệnh; và việc người ấy không điện thoại cho bạn chẳng liên
quan gì đến bản thân bạn cả. Vậy mà bạn lại dành toàn bộ khoảng thời gian của mình để
khắc khoải: “Điều gì bất ổn ở mình nhỉ?”. Tâm trí của bạn (cụ thể là phần phán xét) đã hình thành định kiến về cuộc hẹn hò trước khi bạn biết được sự thật. Nó đổ lỗi cho bạn một cách bất công mà chẳng cần chứng cứ gì cả. Liều thuốc chữa căn bệnh định kiến này -
chuyển những ảo tưởng từ trải nghiệm cũ vào tình huống mới, thay vì nhìn nhận sự việc như nó vốn có - nằm ở bí quyết “Lối tư duy mở”.