Rất nhiều bài giảng và tài liệu về tâm linh khẳng định rằng sự thanh thản trong tâm hồn đến từ việc để mọi thứ diễn tiến một cách tự nhiên, thay vì áp đặt ý muốn chủ quan của ta bằng cách ép buộc, kháng cự và đeo bám. Những điều này chỉ khiến cuộc sống của ta trở
nên thiếu hài hòa mà thôi. Sự ép buộc là một cách hành xử mang tính công kích mà qua đó bản ngã của ta thao túng, kiểm soát và áp đặt ý muốn của nó lên người khác cũng như
lên hoàn cảnh. Sự kháng cự cũng là một phản ứng mang tính phòng thủ mà trong đó, bản ngã che lấp sự thật về người khác, hoặc từ chối chấp nhận các tình huống của cuộc sống thông qua việc phủ nhận hoặc ngăn cản theo cách nào đấy. Sự đeo bám lại là một phản ứng
mang tính trốn tránh, trong đó bản ngã bám chặt lấy những gì quen thuộc và từ chối sự
thay đổi hoặc những điều chưa được biết đến do tác động của thói quen. Trong cuốn “The
Five Things We Cannot Change” (Năm điều chúng ta không thể thay đổi), David Richo cho rằng giải phóng bản thân thoát khỏi gọng kìm của bản ngã không phải là một sự mất mát mà chính là sự giải thoát.
Sống với lòng tự tin có liên quan đến việc khám phá bản thân và tự hỏi xem có phải liệu ta đang ép buộc, kháng cự hoặc đeo bám những gì đáng được bỏ qua. Ví dụ, bạn có khăng khăng đòi ăn món Tàu khi ra ngoài dùng bữa cùng những người bạn thích món Mêxicô? Bạn có gây áp lực buộc những người thân yêu phải sống theo ý mình? Bạn có áp đặt cách làm việc của mình lên các đồng nghiệp trong khi bạn hoàn toàn có thể phối hợp với họ một cách hài hòa? Bạn có chống lại ý kiến của người khác thay vì thành tâm lắng nghe quan điểm của họ về vấn đề đang được thảo luận? Bạn có cố bám lấy tuổi trẻ của mình thay vì bình thản đối mặt với sự thật về tuổi tác và sự lão hóa? Bạn có khư khư giữ lấy những mối quan hệ nguy hiểm thay vì hướng đến một cuộc sống lành mạnh hơn? Bạn có dính chặt mình vào những lề thói cũ kỹ hay chủ động sáng tạo và dám thử những điều mới lạ?
Sau khi đã xác định được hình mẫu cho cuộc đời mình, hãy tự hỏi xem liệu bạn có thể
làm điều gì khác đi để sống hòa hợp hơn với nó. Bạn cần đến những quy định, thói quen và thời khóa biểu để giữ cho cuộc sống của mình diễn ra theo trật tự, nhưng khi bản ngã của bạn bám quá sát vào những thứ đó (có nghĩa là bạn sống quá máy móc) thì sự bất hài hòa có thể sẽ xảy ra. Tình trạng đáng buồn này cũng có thể xảy đến nếu bạn làm việc hấp tấp, vô tổ chức, không giới hạn. Một số người sợ bị mắc cạn với những thói quen hằng ngày cũng như những mối ràng buộc bởi họ không muốn bị trói buộc hay níu kéo. Một số người sợ mất thời gian nếu sắp xếp công việc và lên kế hoạch cụ thể nên thành tựu mà họ đạt được rất khiêm tốn.
Dù bạn là người sống theo nguyên tắc hay sống quá hấp tấp, vội vàng, thì sự cứng nhắc của cả hai thái cực này sẽ hạn chế tiềm năng của bạn. Việc thường xuyên lui tới một nhà hàng, làm công việc cũ, sống theo những lề thói cũ, giữ mối quan hệ khăng khít với một số
người bạn nhất định... có thể mang đến cho ta cảm giác quen thuộc và thoải mái; nhưng chúng sẽ ngăn trở lòng tự tin của ta. Một số người cứ bám lấy những phương pháp cũ vì chúng quen thuộc và an toàn, đồng thời họ luôn hy vọng rằng sự việc lần này sẽ diễn tiến tốt hơn lần trước. Đối với một số người khác thì sự lạ lẫm của những phương cách và ý
tưởng mới có thể khiến bản ngã của họ cảm thấy sợ hãi. Bản ngã thường kháng cự lại cái tôi tự tin bất kể thực tế rằng sự thoải mái của chúng có thể giúp cái tôi tự tin thực hiện được những thay đổi cần thiết.