Có một sự khác biệt giữa việc đầu hàng (sự thiếu bản lĩnh được bản ngã dẫn dắt) và nhượng bộ (sự bất lực được cái tôi tự tin dẫn dắt). Thiếu bản lĩnh là khi bạn nhún vai và từ
bỏ lòng can đảm, không dám thực hiện những thay đổi mà bạn có thể. Còn bất lực là khi bạn biết rõ những gì mình có thể và không thể thay đổi, đồng thời nhượng bộ trước những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Hành động này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của bạn bởi nó đặt bạn vào vị trí quyền lực nhất mà bạn có thể: đó là vị trí của một người tự chủ chứ không phải là một nạn nhân. Sống tự tin cũng giống như là trò đi trên dây và phải giữ thăng bằng giữa việc nhận biết khi nào nên nhún nhường và khi nào nên ngẩng cao đầu. Việc giữ an toàn tuyệt đối có thể dẫn đến trình trạng thiếu hài hòa; nó tương tự
như khi ta đang cố đi ngược dòng chảy của con sông vậy.
Antoine de Saint Exupery(5) từng nói rằng: “Chúng ta sợ từ bỏ những thực tế vụn vặt
của mình để bắt lấy một cái bóng khổng lồ”. Một câu chuyện khác về Nasrudin đánh mất chìa khóa nhà có thể minh họa cho ta thấy tác hại của nỗi sợ hãi như thế nào:
Nasrudin lui cui tìm chiếc chìa khóa nhà bị đánh rơi dưới một ngọn đèn đường. Một người đi đường ngang qua và hỏi anh đang tìm gì.
Nasrudin bảo với người này là anh đã đánh rơi mất chìa khóa nhà. Người lạ mặt tốt bụng bèn cúi xuống tìm giúp Nasrudin.
Sau hàng giờ đồng hồ tìm kiếm mà chẳng thấy gì, người lạ mặt hỏi: - Anh có chắc là mình đánh rơi nó ở đây không?
Lúc bấy giờ Nasrudin mới nói:
- Ồ không! Tôi đánh rơi nó ở con hẻm tối đằng kia kìa. Người lạ mặt vô cùng thất vọng và giận dữ, hỏi lớn: - Thế thì tại sao anh lại đi tìm ở đây cơ chứ?
- Bởi vì ở đây có cây đèn đường nên sáng sủa hơn.
Rất nhiều người trong chúng ta cũng giống như Nasrudin, dành cả đời mình để làm mọi việc theo cách an toàn, tìm kiếm chiếc chìa khóa dẫn đến cuộc đời tự tin ở những nơi quen thuộc. Chúng ta từ chối khám phá những vùng đất mới có vẻ hiểm nguy, thậm chí ngay cả
khi nó có thể đưa ta đến với một tương lai xán lạn. Điều này thường khiến ta ít đạt được thành công bởi vì phần sợ hãi trong ta đã chôn chân ta dưới ngọn đèn đường an toàn.
Mặc dù bản ngã của ta thích sự quen thuộc và chống lại những đổi thay nhưng sự đổi thay chính là thứ ta có thể trông cậy vào. Bám víu lấy những thứ quen thuộc và tiện nghi cũ có thể khiến bạn lạc hậu so với dòng chảy tự nhiên của cuộc sống. Bất luận bạn có nắm chặt lấy những phương thức cũ như thế nào thì sự thay đổi cũng sẽ kéo bạn đến với những đột phá trong việc thay đổi cách thực hiện công việc. Các giải pháp luôn tiềm ẩn trong bóng tối. Chính vì thế, đôi khi, ta cần phải mạo hiểm tiến vào trong đó, làm quen với những phần đang níu giữ ta lại, cố gắng hiểu mối bận tâm của chúng và yêu thương chúng. Những hành động nội tâm này có thể đưa ta đến với ánh sáng từ sự dẫn đạo của lòng tự tin. Kết quả là cuộc sống của ta sẽ tự trở nên hài hòa hơn.
Một đồng nghiệp của tôi bảo rằng cô chẳng bao giờ muốn làm những việc mà cô biết mình sẽ không thành công. Cô nói chỉ khi mọi thứ đều được thực hiện một cách hoàn hảo thì cô mới cảm thấy mãn nguyện. Trong công việc, cô từ chối một số nhiệm vụ mà cô
không cảm thấy tự tin. Cô không tham gia các môn thể thao chung như môn vượt thác hoặc bơi lội bởi cô thấy mình thật ngốc nghếch khi học cách chơi những môn ấy.
Cô bảo với tôi rằng: “Tôi không thể đi tập bơi vì lớn rồi mà mới bắt đầu học thì ngượng
lắm. Cách duy nhất để tôi làm được việc ấy là mọi người ở hồ bơi phải giải tán hết để không có ai nhìn thấy tôi ngớ ngẩn tập những động tác mà hầu như ai cũng có thể làm được”.
Bạn có phải là mẫu người chỉ chấp nhận những thử thách mà bạn tin mình có thể thành công ngay từ khi bắt đầu? Bạn có tránh né những tình huống đòi hỏi bạn phải học hỏi từ
sai lầm của bản thân? Nếu câu trả lời của bạn là có thì sự trốn tránh thất bại của bạn có thể
biến thành sự trốn tránh thành công, bởi vì thành công được tạo nên từ nền tảng của thất bại. Người đồng nghiệp của tôi nhận ra rằng cô không thể đạt được những điều mình kỳ vọng trong cuộc sống tình cảm và sự nghiệp bởi cô đã không dám mạo hiểm để thành công. Đó là do nội tâm cô được phần bản ngã hay trốn tránh và cầu toàn dẫn dắt. Nó luôn cố gắng bảo vệ nỗi sợ hãi thất bại ăn sâu vào người cô và bắt nguồn từ chính tuổi thơ cô.
Con đường dẫn đến cuộc sống tự tin được lát bằng những viên gạch của nỗi sợ hãi và thất bại. Một khi bạn chấp nhận chúng như là nền tảng để đạt đến sự tự tin và dám mạo hiểm dù kết quả có ra sao thì bạn đã cho phép bản thân được phạm những sai lầm cần thiết để đến được nơi mà bạn muốn đến. Bạn có thể khởi đầu bằng cách xác định một nỗi lo sợ
nào đó đã làm tổn thương bạn và ngăn bạn đạt được thành công. Nó có thể là việc nhỏ như
đồng nghiệp, hay bắt đầu một dự án kinh doanh mới. Hãy tìm một việc gì đó mà bạn có đủ
dũng cảm để đối mặt. Khi bạn đương đầu với nỗi sợ hãi của mình (thay vì phớt lờ hoặc chống lại nó), bạn sẽ thấy mình tự tin hơn và tiến thêm một bước đến gần với cuộc sống mà bạn hằng mong muốn.
Bạn có thể dùng phương pháp này để xóa bỏ sự nhàm chán và những trở ngại do các thói quen cũ tạo ra nhằm ngăn bạn đạt được sự tự tin. Hãy chào đón tất cả những ý kiến đối nghịch và ghi nhớ rằng dù cách suy nghĩ của mọi người có khác biệt với mình chăng nữa thì tất cả đều có giá trị. Hãy sử dụng óc sáng tạo để thoát khỏi những lối mòn và thay đổi thói quen của mình, thậm chí ngay từ những việc đơn giản nhất như chọn một con đường khác để trở về nhà. Nếu bạn không thành công trong các mối quan hệ thì hãy thử
một cách tiếp cận khác. Hãy chọn một việc thôi, bất kể việc đó có tầm thường đến thế nào, để làm theo cách mà bạn chưa từng thực hiện. Nếu bạn cảm nhận được sự đối kháng trong nội tâm của mình, thì hãy tiến vào phần đối kháng ấy với sự hiếu kỳ và tìm hiểu xem
những mối bận tâm nào đang ở đấy. Hãy để phần đối kháng ấy cảm nhận được tình cảm và lòng tự tin của bạn; rồi đứng lùi lại nhìn cuộc sống nở hoa.