Cũng giống như hầu hết mọi người, bạn có thể kỳ vọng rằng các tình huống sẽ diễn ra theo chiều hướng nào đấy trước khi nó thật sự xảy đến. Thường thì khi bạn nghĩ như thế
nào thì sự việc sẽ diễn ra như thếấy, bởi bản ngã sẽ dẫn dắt bạn hành động và ứng xử theo hướng bạn mong chờ. Phần bản ngã ấy được gọi là lời tiên tri theo ý nguyện của bản thân.
Khi bạn khư khư giữ lấy những kỳ vọng của mình và áp đặt chúng lên hiện tại thì chúng sẽ ngăn bạn nhìn thấy hiện tại như bản chất vốn có. Những kỳ vọng của bạn sẽ tạo ra định kiến về cách diễn tiến của sự việc cũng như cách ứng xử của mọi người ngay trước khi
những việc ấy thật sự diễn ra; và khi tình huống đó xảy đến, bạn đinh ninh rằng kết quả sẽ
đúng như định kiến của mình. Thông thường, nếu bạn cho rằng việc gì đấy sẽ diễn ra tồi tệ
thì nó sẽ trở nên như thế thật bởi vì bạn đã suy nghĩ và hành động một cách vô thức để
thực tế khớp với kỳ vọng của bạn.
Các định kiến sẽ khiến bạn đánh mất cơ hội để học hỏi và yêu thương. Những kỳ vọng đã được lên kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận và cư xử với đồng nghiệp, bạn bè cũng như những người thân yêu của mình; đồng thời nó còn ảnh hưởng đến cách bạn hiểu những cuộc đối thoại. Mặc dù việc học hỏi kinh nghiệm là điều rất quan trọng, song việc ý thức được khi nào thì những định kiến (cái phần bản ngã cũ kỹ) che lấp cái tôi tự tin của bạn cùng những kinh nghiệm mới cũng không kém phần quan trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thành kiến, lòng căm thù và chiến tranh.
Các nhà siêu hình học từ lâu đã cho rằng chính những ý nghĩ và sự kỳ vọng của chúng ta tạo ra thực tế. Trong cuốn sách: “The Cosmic Power Within You” (Sức mạnh vũ trụ
trong con người bạn), Joseph Murphy(2) đã giải thích quy trình này từ góc độ siêu hình học như sau:
“Bất cứ điều gì mà ý thức của bạn chấp nhận là sự thật sẽ gây ra một phản xạ tương
ứng từ tiềm thức của bạn (chính là trí thông minh vô hạn trong con người bạn). Tiềm thức của bạn hoạt động thông qua quy luật sáng tạo phản ứng lại bản chất của ý
nghĩ, khiến các tình huống, các trải nghiệm và các sự kiện diễn ra dưới những hình thái quen thuộc đối với thói quen tư duy của bạn.”
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh được rằng chúng ta thường nhìn thấy những gì mình mong muốn. Trong một cuộc nghiên cứu, một nhóm người được yêu cầu quan sát một em bé chín tháng tuổi đang chơi với chiếc hộp hình nộm(3). Các nhà khoa học bảo với một nửa số người quan sát rằng đứa trẻ là bé trai và bảo với một nửa còn lại rằng đó là bé gái. Khi được yêu cầu mô tả lại phản ứng của đứa trẻ khi cái hình nộm bật ra khỏi hộp, những người nghĩ đứa bé là con gái nói rằng họ thấy bé “sợ
hãi”; còn những người nghĩ đứa bé là con trai lại nói họ thấy bé “giận dữ”. Mục đích của cuộc nghiên cứu? Đó là nhằm chứng minh rằng khi ta có niềm tin khác nhau vào kết quả
của một vấn đề, ta sẽ kỳ vọng, tìm kiếm và thấy được hai kết quả khác nhau. Khi ấy, tư duy của ta được bản ngã dẫn dắt và đi theo sự chỉ dẫn của hai kỳ vọng khác nhau ấy.
Nghiên cứu nổi tiếng nhất về lời tiên tri theo ý nguyện của bản thân chính là cuộc nghiên cứu về sự kỳ vọng của giáo viên đối với thành tích của học sinh. Các giáo viên được thông báo rằng một số học sinh của họ có trí thông minh tiềm tàng và những đứa trẻ này sẽ
đạt được thành tích đặc biệt trong các năm học sắp tới.
Tuy nhiên, sự thật là những đứa trẻ được đánh giá là đặc biệt thông minh ấy được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Vì thế, chẳng có lý do gì (ngoài niềm tin của các giáo viên) để
mong mỏi chúng sẽ đạt thành tích cao. Nhưng kết quả nghiên cứu vào cuối năm học cho thấy các em này quả thực đã có những bước tiến vượt bậc trong học tập. Từ những kỳ vọng của mình, các giáo viên đã đối xử với các học sinh theo cách khác đi và nhờ vậy mà các em đạt được thành tích cao.
Kết quả nghiên cứu này không chỉ được ứng dụng trong cách chúng ta đối xử với trẻ em mà còn được dùng cả trong cách ta tiếp cận cuộc sống nói chung. Bạn có thể tạo ra những phản ứng tích cực đối với các tình huống theo cách mà bạn đã tạo ra các phản ứng tiêu cực. Việc mở lòng với những trải nghiệm mới và việc cố gắng không để tâm trí mình bị chi phối bởi định kiến có thể mang đến cho bạn nhiều điều tốt đẹp.
Một luận đề cơ bản của Phật giáo là hãy đối xử với tâm trí mình như một chiếc giường chưa được dọn dẹp chứ không phải đã được sắp xếp ngăn nắp – đó là tư duy của người mới bắt đầu. Nếu bản ngã đã hình thành sẵn nhận định về vấn đề (đây là một trong những cách mà bản ngã dùng để bảo vệ ta) thì nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự thấu rõ của ta về hiện tại. Bạn sẽ không thể học hỏi từ những trải nghiệm mới hoặc đạt được sự thông suốt từ
chúng.
Câu chuyện về một nông dân và hai người lạ mặt dưới đây sẽ minh chứng cho luận điểm vừa nêu:
Một ngày nọ, một người nông dân đang làm việc ngoài đồng thì có một người lạ mặt xuất hiện. Người lạ mặt nói:
- Tôi muốn dời nhà đến đây sinh sống nhưng không biết tính cách của người dân nơi đây như thế nào. Ông có thể vui lòng cho tôi biết không?
Người nông dân bèn hỏi lại:
- Thế những người hàng xóm trước của anh như thế nào? Người lạ mặt đáp: - Không tốt lắm. Họ ích kỷ, keo kiệt và chẳng thân thiện tí nào. Tôi rất mừng vì đã bỏ đi! Người nông dân bảo:
- Ồ, tôi nghĩ anh sẽ tìm thấy những người như thế ở đây… ích kỷ, keo kiệt và chẳng hề
thân thiện. Tôi nghĩ có lẽ anh chẳng thích ở đây đâu.
Người lạ mặt bỏ đi. Một lát sau, có một người khác xuất hiện, cũng đến từ cùng một hướng với người trước.
- Tôi đang muốn chuyển nhà đến nơi ở mới. Ông có thể cho tôi biết tính cách của những người dân sống ở đây không.
Người nông dân hỏi:
- Thế những người nơi anh ở trước đây ra sao? Người lạ mặt trả lời:
- Ồ, họ là những con người tuyệt vời. Họ rất rộng rãi, tốt bụng và thân thiện. Tôi thật sự rất tiếc khi phải rời xa họ.
Người nông dân bảo:
- Tôi nghĩ anh sẽ tìm thấy những con người cũng tốt giống như thế ở quanh đây … rộng rãi, tốt bụng và thân thiện.
Như vậy, ngụ ý của câu chuyện này chính là sự kỳ vọng có thể ngăn cản ta sống cuộc đời tự tin. Chúng ta thường mong chờ kết quả tồi tệ nhất trong những việc chưa xảy đến.
Chúng ta kỳ vọng quá nhiều ở bản thân và người khác, để rồi liên tục bị thất vọng. Chúng ta mong mỏi người khác sẽ mang đến cho ta sự an toàn về cảm xúc. Ta hy vọng bản thân có thể làm việc hiệu quả hơn, nhanh nhẹn hơn. Ta kỳ vọng cuộc sống của mình sẽ không gặp khó khăn. Và chính những kỳ vọng này khiến ta cảm thấy căng thẳng và bực bội.