Một người quen của tôi miễn cưỡng mời mẹ anh đến chơi nhà. Mặc dù rất thương mẹ
nhưng anh luôn cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh bà vì bà là người tiêu cực và hay gắt gỏng (nghĩa là anh dành cho bà sự phẫn uất). Hai ngày trước khi bà đến thăm, anh cảm thấy vô cùng hồi hộp và luôn nghĩ về những cuộc cãi vã sẽ xảy ra giữa hai người. Vậy là người đàn ông này đã tạo ra kết quả cuộc viếng thăm của mẹ anh cuối tuần. Chắc chắn những ý nghĩ tiêu cực của anh sẽ thành hiện thực.
Một ví dụ khác, giả sử bạn đang chuẩn bị đến buổi phỏng vấn xin việc và một vài thông tin cho biết rằng người phỏng vấn rất thân thiện và tốt bụng. Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ đến buổi phỏng vấn với tâm trạng thoải mái và bình tĩnh. Nhà tuyển dụng sẽ ghi nhận những biểu hiện đó của bạn đồng thời sẽ có ấn tượng tốt về bạn. Khi đó, ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ được nhà tuyển dụng thể hiện qua thái độ hài lòng và những lời nhận xét tích cực mà ông ta dành cho bạn. Chính phản hồi này sẽ giúp bạn tiếp tục tự tin thể hiện bản thân và có thể được tuyển vào vị trí đó.
Ngược lại, giả sử có người bảo với bạn rằng người phỏng vấn rất cầu toàn, hay gắt gỏng và rất khó để làm vừa lòng ông. Có thể bạn sẽ bắt đầu buổi phỏng vấn với tâm trạng lo sợ, trừ phi bạn ứng dụng bí quyết tư duy mở. Sự thiếu tự tin của bạn có thể khiến bạn căng
thẳng đến mức quên không cười; và thậm chí tỏ ra kém cỏi. Nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy sự lo lắng của bạn, để rồi có ấn tượng không tốt về bạn, cho rằng bạn là người yếu đuối hoặc không thể chịu áp lực. (Hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng cũng suy nghĩ dựa trên kỳ vọng của bản thân họ.) Sự lo lắng của bạn cũng có thể khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy không thoải mái. Bạn bắt đầu nhận ra thái độ không hài lòng ấy khi ông tỏ ra lạnh nhạt với bạn.
Quy tắc này cũng chi phối các mối quan hệ thân mật của bạn khi trong đầu bạn đã có sẵn định kiến. Jake, một bệnh nhân của tôi, tìm đến nhờ tôi tư vấn vì cho rằng vợ anh đang dối gạt anh. Nỗi sợ hãi của Jake lấn át đến nỗi anh quản lý từng cử chỉ nhỏ nhặt của vợ. Khi hai người đi dự tiệc, anh không bao giờ để cô đi khỏi tầm mắt của mình. Anh đi theo vợ
mọi lúc nọi nơi, cả khi cô lấy đồ uống hay vào nhà vệ sinh (anh chờ cô ngoài cửa). Anh gửi hoa và thiệp cho vợ mỗi ngày và luôn miệng bảo rằng anh yêu cô. Hãy tưởng tượng nếu bạn là vợ của Jake thì bạn sẽ căng thẳng đến mức nào khi có người luôn bám riết lấy bạn và biết tất tần tật mọi cử động của bạn. Điều này đã khiến cô nổi cáu và đã nghĩ đến việc ly hôn.
Điều nghịch lý là khi chúng ta lo sợ sẽ bị bỏ rơi thì chính ta lại là người gây ra việc đó bằng cách giữ rịt lấy người mà ta yêu thương và bóp chết mối quan hệ của cả hai. Sau một thời gian, họ không chịu đựng được áp lực và sự giam hãm của ta, thế là họ ra đi, góp phần chứng thực cho cơn ác mộng tồi tệ nhất của ta. Những kỳ vọng của ta có tác dụng tự thỏa mãn; vì vậy, những kinh nghiệm trong cuộc sống của ta chính là những gì ta mong đợi. Nói cách khác, chúng ta chỉ thấy được những gì mà mình muốn thấy và tạo ra các tình huống tích cực hay tiêu cực tùy vào điều ta mong muốn.
Nỗi sợ hãi và tình yêu là hai thứ đối lập nhau. Bạn không thể yêu ai đó một cách trọn vẹn trong khi cứ nơm nớp lo sợ đánh mất họ. Điều nghịch lý là nếu mối quan hệ của bạn bị
nỗi sợ hãi dẫn dắt thì bạn sẽ sớm làm cho mối quan hệ ấy kết thúc cũng như làm cho những điều bạn lo sợ trở thành sự thật. Vậy bạn sẽ làm gì với nỗi sợ bị bỏ rơi? Hãy bắt đầu bằng việc tìm xem nỗi sợ hãi ấy bắt nguồn từ đâu. Hầu như câu trả lời luôn nằm trong quá khứ. Chẳng hạn, Jake kể với tôi rằng vào năm chín tuổi, anh háo hức chạy về khoe với mẹ
về bài kiểm tra đạt điểm cao của mình. Khi anh chạy ùa vào phòng ngủ của mẹ, anh bối rối nhìn thấy mẹ đang ở trên giường với vị mục sư. Bà đã đánh mắng anh vì tội xông vào
phòng ngủ của bà. Kết quả là lòng nhiệt tình của Jake bị dồn nén còn niềm tin vào những người thân yêu của anh đã bị rạn vỡ mãi mãi. Khi lớn lên, anh trải qua nhiều mối tình và đều bị những người anh yêu lừa dối. Từ đó, Jake hình thành định kiến rằng không thể nào tin tưởng phụ nữ được và anh đã mang nó áp đặt lên vợ của mình - người không hề có ý định dối gạt anh.
Tôi nói với Jake rằng thật vô lý khi đổ lỗi cho vợ anh về những gì mà mẹ và các cô gái trước đã gây ra cho anh. Để cứu vãn cuộc hôn nhân của Jake, tôi đã giúp anh kết nối với phần lo lắng bị vợ dối gạt trong con người anh. Rõ ràng, phần lo lắng ấy đang cố gắng giúp anh ngăn vợ lừa dối để anh không bị tổn thương thêm lần nữa, nhưng vô tình nó đã tạo ra hiệu ứng trái ngược. Dần dần, Jake đã nhẹ nhàng tách khỏi phần lo lắng ấy và kết nối khắng khít hơn với cái tôi tự tin. Việc này đã giúp anh nhìn nhận vợ khác đi và từ đó thay
đổi cách cư xử của mình. Chính điều này đã giúp anh cảm thấy thư thái hơn và cải thiện được mối quan hệ với vợ.
Một mối quan hệ tự tin phải được xây dựng trên sự tự do, chứ không phải sự chiếm hữu. Những mối quan hệ mạnh mẽ đều dựa trên niềm tin và sự tự do; còn các mối quan hệ non yếu thì dựa trên sự sợ hãi, dẫn tới sự lạm quyền và chiếm hữu. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như: “Anh ấy sắp sửa bỏ rơi tôi” hay “Cô ấy sắp tìm được người mới”, thì rất có thể chính những trải nghiệm trong quá khứ của bạn đang tạo ra những nỗi lo lắng
ấy. Đó là một trải nghiệm cũ chẳng liên quan gì đến hiện tại cả. Phần bị tổn thương bởi những nỗi đau trong quá khứ có thể đang thu thập bằng chứng dựa trên nỗi sợ hãi vô căn cứ và trở thành gánh nặng cho mối quan hệ hiện tại của bạn. Những nỗi sợ hãi vô căn cứ
này có thể gây tổn hại cho mối thâm tình của bạn, tạo ra khoảng cách giữa bạn và người mà bạn yêu thương. Khi bạn tách mình khỏi phần bị tổn thương ấy và phát triển một mối quan hệ gần gũi với nó, bạn có thể chấm dứt tình trạng bị nó chi phối đồng thời nhìn nhận
những người thân yêu của mình theo đúng bản chất của họ.