Có một thời gian tôi thường gặp gỡ với hai người bạn giàu có của mình và tôi nhận thấy rằng những cuộc trò chuyện của họ chỉ liên quan đến làm thế nào để đạt được những thứ
mới lạ. Một lần, đề tài của họ là việc xây dựng một hồ bơi mới. Thế là suốt vài tháng, họ
xoay quanh kế hoạch xây hồ bơi ấy. Nhưng khi cái hồ được xây xong thì chẳng còn ai nhắc tới nó nữa và cũng hiếm khi họ sử dụng nó. Thay vào đó, họ tiếp tục tập trung vào những dự án mới, chẳng hạn như xây một ngôi nhà nghỉ ở trên núi. Bản vẽ, kết cấu và phong cảnh là những chủ đề được bàn bạc trong suốt hàng tháng trời. Đề tài kế tiếp của họ là những chiếc xe đắt tiền, một nhà khách mới và một nhà gỗ mới trên bãi biển. Thực tế thì ngôi nhà trên núi chẳng có ai ở và sau đó thì họ đã bán nó để mua nhà mới ở vùng Caribê và đi du lịch vòng quanh thế giới. Cả hai đều tâm sự với tôi rằng họ cảm thấy không hài lòng về bản thân và cảm thấy không hạnh phúc mà chẳng hiểu vì sao. Họ hy vọng tìm thấy sự mãn nguyện qua sự giàu có của mình cũng như những vùng đất lạ mà họ đặt chân đến, nhưng họ đã chẳng bao giờ đạt được điều đó. Theo tôi được biết, đến giờ họ vẫn tiếp tục đi vòng quanh thế giới và không thôi tìm kiếm.
Khi cho rằng cuộc sống lạc quan chỉ dựa trên những điều mình muốn, ta đã ở vào vị thế
luôn cảm thấy thiếu thốn và bất mãn. Bản ngã của ta tập trung vào những gì ta còn thiếu trong cuộc sống; còn trí óc ta bị đánh lừa và dẫn đến suy nghĩ rằng nếu ta có được điều mình muốn, ta sẽ bù đắp được khoảng trống trong lòng và thấy mình đủ đầy. Mặc dù
những phần thuộc bản ngã ấy sẽ được khen thưởng vì những nỗ lực đầy thiện chí của chúng trong việc mang đến cho ta những gì ta chưa có được, nhưng sự thật là điều ta khao khát sẽ
không ngừng mở rộng. Khi lòng khao khát chiếm vị trí chủ đạo trong ta thì về cơ bản, ta đã nhìn nhận cuộc sống mình dưới lăng kính thiếu thốn. Ta muốn đạt được nhiều và nhiều hơn nữa để làm thỏa mãn sự thèm khát của mình. Lòng ham muốn và sự khao khát là những hố sâu không đáy. Chúng chực chờ đẩy ta vào con đường tiêu xài hoang phí, ăn uống quá độ hoặc hưởng thụ quá mức mà vẫn không cảm thấy thỏa mãn bởi một ngày nào đó, ta lại sẽ muốn những thứ khác.
Trong cuốn sách “The Art of Happiness” (Nghệ thuật sống hạnh phúc), Đức Đạt Lai Đạt Ma đã nói: “Phương thuốc để chữa tính tham lam chính là sự mãn nguyện. Nếu bạn có
được cảm giác mạnh mẽ của sự mãn nguyện (có nghĩa là cái tôi tự tin đang dẫn dắt cuộc đời bạn), thì việc bạn có đạt được thứ gì đó hay không sẽ không còn quan trọng; bởi dù
thế nào thì bạn cũng vẫn cảm thấy mãn nguyện”. Ông cho rằng có hai cách để sống mãn nguyện. Cách thứ nhất là cố gắng đạt được tất cả những gì mà ta khao khát: một căn nhà đắt tiền, chiếc xe hơi thể thao, người bạn đời hoàn hảo, ăn những món cao lương mỹ vị, mặc quần áo sành điệu, những chuyến du lịch nước ngoài hay cơ thể tráng kiện. Vấn đề ở
đây là sớm muộn gì ta cũng cảm thấy nhàm chán. Cách thứ hai, đáng tin cậy hơn, là mong muốn và cảm thấy biết ơn vì những gì mình đã có, nghĩa là ta đang sống với cái tôi tự tin nắm giữ vị trí chủ đạo trong nội tâm mình. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần cho một cuộc sống lạc quan. Đó là khi bạn biết bằng lòng với những thứ mình đã có thay vì cứ khăng khăng đạt được điều bạn mong muốn, cũng giống như một cụ bà cứ mãi đi tìm cặp kính của mình rồi chợt nhận ra mình đã đeo nó tự lúc nào.