Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai
4.4.3. Đối với công tác quản lý và lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai
Với đặc thù là thành phố - trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Hòa Bình đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, thành phố Hòa Bình cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, xác định quy hoạch phải đi trước một bước. Chú trọng nâng cao chất lượng trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và thực hiện tốt việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kiên quyết không để xảy ra tình trạng quy hoạch “treo”, phá vỡ quy hoạch,… coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của thành phố trong thời gian tới.
Xác định rõ nhu cầu sử dụng đất trong lập quy hoạch và nhất là kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cần phải phù hợp, sát thực tế; tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi, thiết thực. Sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tổ chức công khai, công bố cho nhân dân biết và thực hiện. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tránh xảy ra các trường hợp sai phạm trong quản lý và sử dụng đất.
Đánh giá những điểm không hợp lý của quy hoạch chi tiết đã duyệt so với quá trình triển khai thực tế. Từ việc xem xét kỹ lưỡng những điểm bất cập, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ có cơ sở xin phép cấp quản lý cao hơn điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo tính
thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đô thị của thành phố.
Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tính chính xác, sự nhanh gọn, tiện lợi, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho mọi đối tượng có nhu cầu, vừa góp phần chống tham nhũng một cách hiệu quả.