Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố hòa bình, tỉnh hòa bình (Trang 43 - 45)

Phần 3 Phương pháp nghiên cứu

3.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường

3.1.2. Các nguồn tài nguyên

3.1.2.1. Tài nguyên đất

Tổng diện tích tự nhiên của Thành phố năm 2016 là 14.373,35 ha. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng cho thấy trên địa bàn Thành phố có các loại đất theo nguồn gốc phát sinh như sau:

- Đất Feralit, đất đỏ vàng trên núi: Loại đất này có thành phần cơ giới chủ yếu là thịt trung bình, thịt nhẹ, đất không chua, lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo, kali tổng số và kali dễ tiêu nghèo. Các chất dinh dưỡng khác tương đối thấp, phân bố tại các vùng núi của thành phố. Loại đất này phù hợp cho phát triển cây lâm nghiệp và một số ít cây trồng ăn quả.

- Đất phù sa của hệ thống sông suối:

+ Đất phù sa được bồi đắp hàng năm: Diện tích tập trung ven các sông suối, chất lượng tốt có thành phần cơ giới nặng. Loại đất này thích hợp cho trồng cây hàng năm đặc biệt là lúa.

+ Đất phù sa không được bồi đắp: Được hình thành do sản phẩm bồi tụ của phù sa sông nhưng không bị ảnh hưởng của bồi tụ hàng năm. Loại đất này hình thành tầng canh tác, phẫu diện đất phân hoá rõ ràng (có tầng chuyển tiếp như glây, kết von, lớp cát xen). Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, đất chua, nghèo lân dễ tiêu, đạm tổng số thấp. Hiện nay loại đất này được sử dụng để trồng lúa nước.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ: Được hình thành trên mẫu đất phù sa cổ có địa hình lượn sóng hoặc dạng đồi thấp. Đặc điểm của loại đất này là tầng đất dày, thành phần cơ giới thịt nhẹ, ít chua, dinh dưỡng tương đối khá. Hiện nay loại đất này được sử dụng để trồng màu, mía, cây lâu năm.

3.1.2.2. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Chủ yếu là nước sông Đà, đoạn sông Đà chảy qua thành phố Hoà Bình dài 23 km, có hồ Hoà Bình; Nhiệm vụ của hồ chứa ngoài mục đích cung cấp nước cho nhà máy thủy điện còn có vai trò quan trọng là điều tiết nước

vào mùa khô. Đây là nguồn nước quan trọng cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nhìn chung chất lượng nguồn nước còn khá tốt, do có sự điều tiết của hồ Hòa Bình nên lưu lượng nước ở đây thường ổn định và cao hơn các nơi khác. Tuy nhiên do rừng ở thượng nguồn bị tàn phá nên chất lượng nguồn nước và lưu lượng nước cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Nguồn nước ngầm: Hai bên bờ sông Đà, mực nước ngầm khá sâu khoảng 40 - 50 m, có một số nơi nước ngầm xuất hiện ở độ sâu 5 - 6 m, chất lượng nước tốt, không bị ô nhiễm. Lưu lượng nước ngầm đạt 150 - 200 m3/giờ. Hiện nay nguồn nước này đang được người dân khai thác sử dụng.

Tài nguyên nước của thành phố Hoà Bình tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển nông, lâm, ngư nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn.

3.1.2.3. Tài nguyên rừng

Diện tích đất rừng của Thành phố đến năm 2016 là 8.308,89 ha, chiếm 57,81% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó: Diện tích đất rừng sản xuất 5.237,82 ha; Diện tích đất rừng phòng hộ 3.063,05 ha; Diện tích rừng đặc dụng 8,02 ha.

Trong những năm gần đây, công tác quản lý rừng được tăng cường nên diện tích rừng ngày càng tăng lên, tỷ lệ che phủ của rừng là trên 50%.

3.1.2.4. Tài nguyên khoáng sản

Nguồn tài nguyên khoáng sản của thành phố Hòa Bình là đá vôi ở xã Hòa Bình; đất sét phân bố rải rác trên địa bàn thành phố, tập trung nhiều ở xã Sủ Ngòi với trữ lượng khoảng 150.000 m3.

3.1.2.5. Tài nguyên nhân văn

Thành phố Hòa Bình là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Dân số sinh sống trên địa bàn thành phố chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Kinh, ngoài ra còn có nhiều dân tộc khác cùng sinh sống như Thái, Tày, Dao... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa và bản sắc riêng tạo ra giá trị truyền thống văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Trên địa bàn thành phố có 04 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và quản lý, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Động Tiên Phi và

nhà tù Hòa Bình; 02 di tích được tỉnh xếp hạng là đình Ngòi xã Sủ Ngòi và di tích Bác Hồ về thăm trường thanh niên lao động XHCN ở xóm Trường Yên xã Yên Mông.

Cùng với sự bảo tồn giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, nhân dân trong thành phố đã phát huy giá trị lịch sử truyền thống của thành phố trong phong trào xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố hòa bình, tỉnh hòa bình (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)