6. Kết cấu đề tài
2.1.3. Tiêu dùng xanh
Khái niệm tiêu dùng xanh lần đầu tiên được nhắc đến năm 1970 (Peattie, 2010) và từ đó nhiều nghiên cứu đã mở rộng khái niệm này. Cho đến nay tiêu dùng xanh vẫn được định nghĩa bằng nhiều cách. Sisira Saddhamangala Withanachchi (2011), Mansvelt & Robbins (2011) đưa ra định nghĩa khá toàn diện về tiêu dùng xanh với quan điểm là một quá trình thông qua những hành vi xã hội như: Mua các loại thực phẩm sinh học, tái chế, tái sử dụng, hạn chế dùng thừa và sử dụng hệ thống giao thông thân thiện. Alfredson (2004) giải thích rằng tiêu dùng xanh liên quan đến những chỉ số khoa học về sử dụng năng lượng và thải khí CO2. Theo Carrigan và cộng sự (2004), mua sản phẩm thân thiện với môi trường được gọi là tiêu dùng xanh. Theo người Trung Quốc, tiêu dùng xanh là một khái niệm với 03 áp dụng, dưới khái niệm này mọi người được khuyến khích chọn các sản phẩm xanh không gây ô nhiễm môi trường và tốt cho sức khỏe cộng đồng, rác thải được xử lý
đặc biệt để không gây ô nhiễm môi trường và hiểu biết của xã hội về tiêu dùng làm tăng nhận thức của xã hội về một lối sống khỏe mạnh, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong nỗ lực để có được một cuộc sống thoải mái hơn, mục đích cuối cùng là đạt được tiêu dùng bền vững của đất nước.
Tiếp cận trên cả hai phương diện sản xuất và tiêu dùng, các nhà khoa học Trung Quốc nhìn nhận tiêu dùng xanh bao gồm các sản phẩm xanh, việc tái chế nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường và bảo tồn sinh học. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Ánh (2012) đề cập đến tiêu dùng xanh như là một chuỗi các hành vi, bao gồm hành vi mua sản phẩm xanh; sử dụng sản phẩm theo các cách xanh (tiết kiệm, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải…); tuyên truyền và tác động đến cộng đồng thực hiện hai hành vi trên. Bằng cách tiếp cận này, tiêu dùng xanh được mô tả một cách rõ ràng và cụ thể như là một tổ hợp của các hành vi có mục đích của một cá nhân. Bên cạnh đó một số tác giả như Tina Mainieri và cộng sự (1997), Cleveland & cộng sự (2005), Stern (2000), đã giải thích tiêu dùng xanh như là một hành vi, được hình thành từ sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan như: thái độ và hiểu biết về các vấn đề môi trường; nhận thức về tác động đến môi trường của sản phẩm; yếu tố thuộc về nhân khẩu; tiêu chuẩn đạo đức xã hội; điều kiện của bản thân; đặc điểm của sản phẩm…
Tuy chưa có sự nhất quán nhưng các định nghĩa về tiêu dùng xanh phần lớn đều thể hiện vai trò của tiêu dùng trong bảo vệ môi trường, và đều hình thành các ý niệm về sản phẩm và hành vi sử dụng sản phẩm. Từ những phân tích trên, tác giả đưa ra định nghĩa tiêu dùng xanh như sau: là hành vi thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường thông qua hai hành vi chủ yếu sau: chọn mua sản phẩm xanh; và tối đa hóa hiệu quả sử dụng sản phẩm. Tương tự một số nghiên cứu nói trên đó, tiêu dùng xanh ở đây cũng được mô tả như là một hành vi của con người, chịu tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan, lý trí và phi lý trí, do vậy có thể dự đoán được và điều chỉnh được.