HUYỆN TRÀ CÚ, TỈNH TRÀ VINH
2.3. THỰC TRẠNG TTSP CÁC TRƯỜNG THPT HUYỆN TRÀ CÚ, TỈNH TRÀ VINH
2.3.1. Quy mô, cơ cấu của đội ngũ các TTSP
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 trường THPT với tổng số cán bộ, GV, NV là 251 người, trong đó CBQL có 13 người. Hầu hết các trường đều có quy mô dưới 30 lớp (Trường đông nhất 25 lớp, thấp nhất 11 lớp).
Những GV có năng lực vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ thường giữ cương vị quản lý: nhóm trưởng, tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn, Ban Giám hiệu. Đây cũng là những GV có thâm niên tay nghề lâu năm (trên 10 năm). 100% GV trường đều đạt chuẩn về chuyên môn; Đa số đều là người địa phương (chiếm 90%) nên có điểm
thuận lợi là an tâm công tác, gắn bó với trường. Hiện nay, các trường đều đủ GV tất cả các môn học, tuy nhiên số GV trẻ chiếm số lượng tương đối đông, đang trong độ tuổi sinh đẻ nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của nhà trường.
2.3.2. Thực trạng về phẩm chất, năng lực của đội ngũ
Thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục, các trường đã triển khai kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ bằng nhiều hình thức, khắc phục dần tình trạng thiếu thừa cục bộ và yếu kém về chuyên môn. Từ năm học 2010-2011 đến nay, tình trạng GV dạy chéo môn không còn.
Việc chọn cử CBQL và GV cốt cán tham dự các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, QLGD, chuyên môn đã góp phần quan trọng nhằm ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường.
Số lượng GV đạt chuẩn đào tạo được phân công giảng dạy đúng chuyên môn ngày càng nhiều. Chất lượng giáo dục và tỉ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm của huyện đều bằng hoặc cao hơn tỉ lệ chung của tỉnh.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các TTSP được các cấp QLGD quan tâm, đa số GV tâm huyết, yêu nghề, gắn bó với công việc, có tinh thần vượt khó vươn lên trong công tác giảng dạy cũng như học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất, lối sống phù hợp với các quy định về đạo đức nhà giáo. Công tác bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ, các hoạt động bồi dưỡng trong hè, các hình thức bồi dưỡng chuyên môn ở trường, ở tổ, phong trào thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, các hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng và làm đồ dùng dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá HS, … đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phấn đấu vươn lên của đội ngũ GV.
Nghiên cứu kết quả đánh giá cán bộ hàng năm ở các trường nhận thấy:
- Đội ngũ GV của các trường đều có lập trường chính trị vững vàng, có phẩm chất tốt, có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, yêu nghề.
- Hầu hết GV có kỹ năng soạn giáo án thể hiện đầy đủ mục tiêu và nội dung cơ bản của bài học. Số GV có ý thức và năng lực về đổi mới phương pháp dạy học tập
trung cao ở các bộ môn tự nhiên.
- Hầu hết các GV trẻ đều có kỹ năng ứng dụng tin học, soạn giáo án điện tử, khai thác tài liệu trên internet, sử dụng các phần mềm dạy học vào giảng dạy, thực hiện tốt việc ra đề kiểm tra.
- Số GV có năng lực về tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho HS không nhiều.
GV các trường có thái độ giao tiếp đúng mực với phụ huynh HS, một số GV đã làm tốt công tác huy động cộng đồng.
- GV của trường có nhận thức mới về công tác tự bồi dưỡng, nhiều GV đã ý thức được là phải học suốt đời, học thường xuyên.
- Các tổ, nhóm chuyên môn thực hiện các quy chế theo đúng quy định. Tuy nhiên trong TTSP vẫn còn một số GV ngại học, ngại đổi mới, chỉ tham gia các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn một cách chiếu lệ, hình thức.
- Nhược điểm đáng lưu ý là tỉ lệ GV trên chuẩn rất thấp (3,1%).
2.3.3. Đánh giá chung về các TTSP
Phân tích thực trạng TTSP các trường THPT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trình bày trên cho thấy, về cơ bản đội ngũ CBQL, GV, NV các nhà trường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện tại. Các trường đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy tự bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ, bồi dưỡng hè, các cuộc thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi, công tác NCKH, sáng kiến kinh nghiệm, hoạt động đổi mới PPDH, phong trào làm đồ dùng dạy học đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ GV nói riêng và TTSP các nhà trường nói chung.
Bên cạnh những ưu điểm đã nêu, các TTSP trường THPT trong huyện vẫn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:
a. Về lãnh đạo nhà trường
- Lãnh đạo nhà trường chưa xây dựng được sứ mệnh, tầm nhìn chung cho tổ chức.
- Lãnh đạo nhà trường có nhiều nỗ lực cá nhân, song chưa lôi cuốn được tất cả các thành viên trong tổ chức, ở một vài phương diện chưa chú ý phát huy tính năng động của đội ngũ GV.
b. Về cấu trúc tổ chức
- Tổ chức có cấu trúc theo chiều dọc, các tổ nhóm chuyên môn chưa có tính tự chủ cao; chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ nhóm chuyên môn, giữa các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt, vai trò của Chi đoàn GV còn mờ nhạt.
c. Về hoạt động của bộ máy
Một bộ phận, cán bộ, GV chưa được uỷ quyền để có thể chủ động trong công việc, phân công lao động đôi khi chưa thật sự hợp lý. Việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch của tổ chức cho phù hợp với tình hình hiện nay chưa thu hút, lôi cuốn được đông đảo cán bộ, GV tham gia. Tình trạng chung là các bộ phận, cá nhân còn thụ động trong công tác chung, do vậy hiệu quả chưa cao.
d. Về mạng lưới thông tin quản lý
Hệ thống thông tin trong nhà trường đã được cải thiện sau khi thực hiện nối mạng Internet, song những thông tin cụ thể về chính nhà trường như chế độ khen thưởng, đặc biệt là thông tin về nội dung chuyên môn, đổi mới phương pháp, chưa đáp ứng nhu cầu của cán bộ, GV. Mặt khác, lãnh đạo nhà trường cũng chưa có đầy đủ và chính xác các thông tin của GV, chưa có nhiều ý kiến đóng góp từ dưới lên để điều chỉnh kịp thời hoạt động quản lý.
Nhìn tổng thể, trong các nhà trường hoạt động của TTSP chưa thể hiện rằng đây là tổ chức có văn hoá mạnh. TTSP mới chỉ dừng lại ở chỗ là tập thể đoàn kết, nhất trí, quan hệ với đồng nghiệp thân thiện, chia sẻ, GV nhiệt tình và có trách nhiệm với HS, song tinh thần sáng tạo và năng lực cá nhân chưa được coi trọng và phát huy đúng mức.
2.4. THỰC TRẠNG CÁC ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG TTSP BIẾT HỌC HỎI