Khái niệm động lực học tiếng Anh

Một phần của tài liệu NÂNG CAO ĐỘNG lực học TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN THÔNG QUA PHƯƠNG PHÁP học THEO dự án (PROJECT BASED LEARNING) (Trang 27 - 28)

Động lực (tiếng Anh: motivation) đóng một vai trò quan trọng dẫn đến thành công trong quá trình học ngoại ngữ. Trong một mức độ nhất định nào đó, động lực học tiếng Anh của sinh viên có thể ảnh hưởng tới kết quả học tập của họ. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về động lực, đặc biệt là trong việc học tiếng Anh.

Harmer (2001) cho rằng “động lực là nội lực thúc đẩy con người làm một việc gì đó để đạt được thành quả”. Từ “động lực” được chấp nhập trong quá trình học tập và được coi là một khía cạnh cần thiết để đi tới thành công. Nếu thiếu động lực, con người sẽ không có nỗ lực để đạt được mục tiêu của họ.

Gardner (1985), từ quan điểm tâm lý xã hội, đã xác định “động lực trong việc học ngoại ngữ là mức độ mà cá nhân nỗ lực hoặc cố gắng học ngôn ngữ vì mong muốn được học nhằm đạt mục tiêu và cảm thấy hài lòng với việc làm này”. Theo định nghĩa này, động lực bao gồm ba thành phần: (1) nỗ lực mở rộng để đạt được mục tiêu, (2) mong muốn học ngôn ngữ và (3) hài lòng với nhiệm vụ học ngôn ngữ.

Crookes và Schmidt (1991) đã đưa ra một định nghĩa mở rộng về động lực học tiếng Anh. Họ chỉ ra “động lực học ngoại ngữ có cả khía cạnh bên trong và bên ngoài. Các khía cạnh bên trong bao gồm mức độ tập trung, quan tâm, nhận thức về sự phù hợp, kỳ vọng thành công hay thất bại và nhận thức về phần thưởng. Mặt khác, các khía cạnh bên ngoài bao gồm quyết định học tập công khai, hành vi học tập kiên trì và sự tham gia cao”.

Theo Williams và Burden (1997), “động lực là một trạng thái kích thích nhận thức và cảm xúc dẫn đến quyết định hành động có ý thức, và nâng cao nỗ lực về thể chất và trí tuệ nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trước đây”. Nói cách khác, động lực liên quan đến việc khơi dậy hứng thú làm việc gì đó, duy trì sự quan tâm và đầu tư thời gian cũng như năng lượng vào việc sử dụng nỗ lực cần thiết nhằm đạt được một mục tiêu nhất định.

Lightbrown và Spada (2001) xác định động lực học tiếng Anh là “một hiện tượng phức tạp có thể được định nghĩa theo hai yếu tố: nhu cầu giao tiếp của người học và thái độ của họ đối với cộng đồng học tiếng Anh.” Họ cho rằng khi người học nghĩ họ sử

dụng ngoại ngữ với mục đích giao tiếp với người khác hoặc hoàn thành một mục tiêu cụ thể theo mong muốn, họ sẽ được kích thích và truyền cảm hứng để thực hiện được điều đó.

Tóm lại, mỗi nhà nghiên cứu đều có cách tiếp cận khác nhau về động lực bởi lẽ họ nghiên cứu động lực từ quan điểm của các ngôn ngữ khác nhau trong các bối cảnh khác nhau, với các đối tượng khác nhau và điều kiện học tập khác nhau. Tuy nhiên, từ bất kỳ góc độ nào, khi nhìn vào khái niệm động lực trong học tiếng Anh, hầu hết các nhà nghiên cứu đã xác định được ba thành phần quan trọng của động lực: (1) quyết định có ý thức hướng đến mục tiêu học ngôn ngữ, (2) nỗ lực mở rộng để đạt được mục tiêu đó và (3) duy trì mục tiêu / nỗ lực đó.

Từ các quan niệm trên nhóm tác giả có thể đi đến khái niệm về “động lực học tiếng Anh” như sau: Động lực học tiếng Anh là quá trình kích thích cảm xúc và nhận thức, hình

thành sự tập trung, sự liên hệ, sự tự tin, sự hài lòng và quyết định có ý thức hướng đến mục tiêu học tiếng Anh, duy trì mục tiêu và từ đó thúc đẩy nỗ lực cả về thể chất và trí tuệ của cá nhân nhằm đạt được thành quả trong việc tiếp thu ngôn ngữ mới.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO ĐỘNG lực học TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN THÔNG QUA PHƯƠNG PHÁP học THEO dự án (PROJECT BASED LEARNING) (Trang 27 - 28)