Mô hình ARCS được Keller (1999) thiết kế để giảng viên áp dụng nhằm giúp phát huy và duy trì động lực của người học trong quá trình học tập. Mô hình này là viết tắt của 4 tiêu chí: A (Attention - sự chú ý), R (Relevance- sự liên hệ), C (Confidence - sự tự tin) và S (Satisfaction-sự thỏa mãn).
(1) Sự chú ý: Yếu tố này đề cập đến việc sử dụng các phương pháp và tài liệu
giảng dạy có thể thu hút, duy trì sự tập trung và quan tâm của người học cũng như kích thích tính tò mò của họ. Một số chiến lược tạo sự chú ý như: đưa những câu hỏi mang
tính thách đố hoặc vấn đề cần giải quyết; sử dụng phương thức giảng dạy đa dạng như giáo cụ trực quan, làm nhóm, trò chơi, thảo luận, v.v.
(2) Sự liên hệ: Yếu tố này có được từ sự gắn kết nội dung dạy học với mục tiêu
quan trọng của người học, sự quan tâm và cách học tập của họ. Để làm điều này, giảng viên có thể liên hệ nội dung dạy học với nghề nghiệp tương lai hoặc với yêu cầu về học thuật, hoặc với nhu cầu và ước muốn của người học. Một số chiến lược tạo sự liên hệ như: lựa chọn hình thức học, liên hệ với những kinh nghiệm người học đã biết.
(3) Sự tự tin: Sự tự tin tác động đến tính bền vững và thành tích học tập thông
qua việc thúc đẩy hoặc cản trở động lực. Nguồn tài liệu là một trong những yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến việc tiếp thu của người học. Một số chiến lược tạo sự tự tin như: tạo cơ hội chủ động cho người học trong học tập như chọn nội dung, mục tiêu, phản hồi, đánh giá; tạo cơ hội thành công ban đầu để người học có niềm tin vào khả năng thành công.
(4) Sự hài lòng: Điều này đề cập đến đánh giá của người học về kết quả làm việc
của họ và là một yếu tố quan trọng để duy trì động lực. Việc học đạt yêu cầu khi người học có thể áp dụng kiến thức hoặc kỹ năng đã học vào mục đích thiết thực cuối cùng dẫn đến cảm giác hài lòng. Người học phải có xúc cảm tích cực về sự hoàn thành trong việc học tập của họ. Một số chiến lược tạo sự hài lòng như: đưa ra những phản hồi tích cực, sử dụng hình thức động viên phù hợp, công bằng, không thiên vị.
Trong nghiên cứu này, mô hình ARCS sẽ được sử dụng để đánh giá thực trạng động lực học tiếng Anh của sinh viên và hiệu quả của phương pháp học theo dự án tới việc nâng cao động lực học tiếng Anh của sinh viên trường Đại học Thương mại. Các đặc điểm của từng loại động lực đã được bao hàm trong mô hình, vì vậy nhóm tác giả không đi sâu làm rõ 2 loại động lực (động lực nội tại và ngoại sinh) đối với sinh viên trường Đại học Thương mại.