Phương pháp thu thập dữ liệu

Một phần của tài liệu NÂNG CAO ĐỘNG lực học TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN THÔNG QUA PHƯƠNG PHÁP học THEO dự án (PROJECT BASED LEARNING) (Trang 39 - 40)

Các phương pháp thu thập dữ liệu được kết hợp như sau:

- Phương pháp thu thập dữ liệu có sẵn (dữ liệu thứ cấp): Phương pháp này được sử dụng để tìm hiểu, phân tích, tổng hợp, thống kê, mô tả trên nền tảng dữ liệu và thông tin từ những tài liệu, bài viết hay các bài nghiên cứu khoa học khác nhau về động lực học và phương pháp học theo dự án do các tác giả, chuyên gia hoặc các nhà giáo dục khác nhau thực hiện.

- Phương pháp nghiên cứu điều tra bằng bảng câu hỏi: Bảng câu hỏi điều tra được sao in, phát cho 42 sinh viên thuộc hai lớp học phần 2033ENPR0811 (chuyên ngành Tài chính Ngân hàng Bảo hiểm) và 2036ENPR0811 (chuyên ngành Quản trị Du lịch và Dịch vụ) tham gia khảo sát. Cả hai lớp này đều do tác giả giảng dạy vào học kỳ 1 năm học 2020-2021 và đã hoàn thành 2 học phần tiếng Anh trước đó. Lớp 2033ENPR0811 gồm 20 sinh viên, trong đó có 15 sinh viên nữ và 5 sinh viên nam. Lớp 2036ENPR0811 gồm 22 sinh viên, trong đó có 13 sinh viên nữ và 9 sinh viên nam. Toàn bộ sinh viên đã học tiếng Anh ít nhất là 5 năm, lớp 2033ENPR0811 có 6% sinh viên đạt kết quả A ở học phần tiếng Anh trước, 34% loại B và 36% loại C và 24% loại D và F. Lớp 2036ENPR0811 có 8% sinh viên đạt kết quả A ở học phần tiếng Anh trước, 30% loại B và 30% loại C và 32% loại D và F. Kết quả thu được từ bảng câu hỏi giúp nhóm tác giả tìm ra thực trạng động lực học tiếng Anh và đánh giá hiệu quả của phương pháp học theo dự án tới động lực học tiếng Anh của sinh viên.

+ Phiếu điều tra thứ nhất (phụ lục 1) được phát cho sinh viên trước khi phương pháp học theo dự án được áp dụng. Phiếu điều tra thứ nhất được thiết kế và điều chỉnh dựa theo cơ sở lý thuyết về động lực học tiếng Anh với số lượng câu hỏi gồm 6 câu, trong đó câu hỏi 1 liên quan đến nhận thức của sinh viên về động lực học tiếng Anh với 4 nội dung, câu hỏi 2 liên quan đến đánh giá của sinh viên về vai trò của động lực trong việc học tiếng Anh với 5 nội dung, các câu hỏi 3,4,5,6 được thiết kế bám sát các yếu tố động lực theo khung động lực ARCS của Keller (1999) nhằm tìm hiểu thực trạng động lực học tiếng Anh của sinh viên, trong đó câu hỏi 3 có 3 nội dung, câu hỏi 4 có 4 nội dung, câu hỏi 5 có 4 nội dung và câu hỏi 6 có 5 nội dung.

+ Phiếu điều tra thứ hai (phụ lục 2) được phát sau khi sinh viên trình bày sản phẩm đã hoàn thành trước lớp. Phiếu điều tra thứ hai được thiết kế và điều chỉnh dựa theo cơ sở lý thuyết về phương pháp học theo dự án với 5 câu hỏi, trong đó câu hỏi 1 liên quan đến đánh giá của sinh viên về ưu nhược điểm của phương pháp học theo dự án với 10 nội dung. Các câu hỏi 2,3,4,5 được thiết kế trên cơ sở bám sát các yếu tố động lực theo khung động lực ARCS của Keller (1999) nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp học theo dự án tới nâng cao động lực học tiếng Anh của sinh viên, trong đó câu hỏi 2 có 3 nội dung, câu hỏi 3 có 4 nội dung, câu hỏi 4 có 4 nội dung và câu hỏi 5 có 5 nội dung.

- Phương pháp điều tra phỏng vấn sâu: Những thông tin của sinh viên được làm rõ hơn thông qua việc phỏng vấn trên lớp trong giờ nghỉ giải lao hoặc cuối buổi học để đánh giá mức độ tin cậy của nguồn dữ liệu.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO ĐỘNG lực học TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN THÔNG QUA PHƯƠNG PHÁP học THEO dự án (PROJECT BASED LEARNING) (Trang 39 - 40)