Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong cách đặt tên

Một phần của tài liệu (Trang 35 - 38)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI

1.2. Vài nét về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong cách đặt tên

1.2.2. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong cách đặt tên

“Con người sinh ra và lớn lên, cho đến khi trở về cát bụi, luôn luôn phải tự đặt mình vào nhiều phạm vi giao tiếp, ứng xử là gia đình – họ tộc và xã hội – quốc gia. Mỗi phạm vi ấn định một cách giao tiếp, ứng xử không giống nhau, nhưng trong đó, cá nhân được phân biệt với đồng loại chung quanh trước hết bằng cái gọi là họ và tên”… [29, tr.44]. Tên người vừa có chức năng phân biệt một cá thể người này với người khác trong một cộng đồng người, vừa phản ánh được nền văn hóa ẩn chứa bên trong từng tên gọi.

Họ và tên người phần lớn sẽ gắn chặt với người được đặt tên cho đến hết cuộc đời của họ. Có thể nói, việc đặt tên là việc làm vô cùng hệ trọng đối với mỗi con người. Gia đình là cái nôi lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dòng tộc. Đặt tên cho con cái thường là do các bậc sinh thành có vai vế trong dòng họ quyết định; vì vậy, tên người trước hết sẽ phản ánh văn hóa gia đình mỗi dòng họ. Mỗi dòng họ lại là mỗi gam màu thể hiện những bản sắc riêng và chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam; vậy nên, tiếp đến tên người còn phản ánh những nét đặc trưng vốn có của một dân tộc.

Tên riêng được hình thành là do sự vay mượn kí hiệu có sẵn trong hệ thống ngôn ngữ. Khi đặt tên, con người thường có xu hướng lựa chọn những từ có ý nghĩa gắn với mong ước và kì vọng của gia đình; âm dễ đọc; biểu thị sự trang trọng, nhã nhặn; thể hiện được đặc trưng của dòng họ, dân tộc;… Nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong cách đặt tên người chủ yếu là nghiên cứu về cấu trúc tên gọi (bao gồm quy tắc kết hợp các yếu tố), đặc điểm từ vựng, thanh điệu để thấy được những đặc trưng văn hóa được phản ánh.

Về cấu trúc tên gọi, theo tác giả Nguyễn Khôi [25, tr.7], do những bối cảnh văn hóa, xã hội lịch sử các dân tộc khác nhau nên kết cấu họ tên (bao gồm các bộ phận cấu thành họ tên và mối quan hệ giữa các bộ phận đó) không giống nhau. Theo một số nghiên cứu, có 3 loại kết cấu họ và tên khác nhau:

- Các dân tộc có họ đặt trước tên như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…

- Các dân tộc có tên đặt trước như Anh, Mỹ, Pháp, Italia, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,… Ở Việt Nam có dân tộc Ê Đê…

- Những dân tộc chỉ có tên mà không có họ như người Tây Tạng (tộc Tạng), tộc ở Miama… Việt Nam có dân tộc Xơ Đăng, Ơ Đu.

Ngoài ra còn có một số kết cấu họ tên của những tộc người mà ta không thể quy vào loại nào được. Ví dụ: tên họ của một số tộc người (trên thế giới) còn có đệm thêm tên bố, tên ông, tên chú và các biệt danh khác. Ở Việt Nam, người Hà Nhì Đen lấy tên bố làm tên đệm cho con.

Kết cấu họ tên của người Việt theo mô hình họ + (chữ đệm) + tên  họ tên, đã phản ánh tâm lý dân tộc trọng danh húy tính (trọng tên kiêng nể họ).

Về đặc điểm từ vựng, thanh điệu của tên người (chủ yếu là thành tố tên chính); do yêu cầu trong việc đặt tên thường phải:

- Ngắn gọn để dễ nhớ, để gây ấn tượng: tên chính là từ đơn “Nguyễn ”, “Phan Khôi”, “Phạm Hưởng”,…; về sau do nhu cầu tránh trùng tên nên tên chính được dùng có thể là từ ghép, từ láy: “Ngô Thanh Nhân Hậu”, “Huỳnh Dương Huy Hoàng”, “Lê Nguyễn Hân Hân”,…

- Yêu cầu về sự hòa phối thanh điệu để tên gọi dễ đọc, dễ nghe: thông thường tên người không nên dùng cùng một thanh điệu. Ba từ cùng âm, đọc dễ mất sức mà lại đơn điệu, ví dụ: “Lê Huy Liêm”, “Trần Hoàng Hà”,… Thường là các từ

trong tên gọi có thanh điệu khác nhau, đọc dễ nghe hơn, ví dụ: “Nguyễn Nhật Lệ”, “Nguyễn Gia Linh”, “Trịnh Hồng Hạnh”, “Tô Thị Hằng”,…

- Biệt giới: thường là sử dụng từ “Văn” làm tên đệm cho tên nam và từ “Thị” làm tên đệm cho tên nữ.

- Thẩm mỹ: chủ yếu sử dụng từ Hán Việt: “Đỗ Hy An – bình an”, “Lê Hoàng

Mỹ – đẹp”, “Nguyễn Đình Cường – khỏe mạnh”,…

Ngay cả việc sử dụng tên gọi như thế nào để xưng hô cũng phản ánh được văn hóa của người bản ngữ.

Ngày xưa, trong văn hóa đặt tên người, khi đặt tên cho con cháu trong dòng họ phải tuân theo quy tắc của dòng họ đó; đặc biệt là tránh trường hợp “phạm húy”, đặt tên con không được trùng với các bậc bề trên, vua chúa, các vị thành hoàng. Các gia đình phong kiến ngày xưa thường đặt tên theo cung cách vua quan, tức là chuẩn bị một dãy tên để đặt dần, tiêu biểu là 10 bài “Phiên hệ thi” của vua Minh Mạng dùng để đặt tên cho con cháu và các anh em của mình. Thực tế đã có nhiều gia đình đặt đúng và đầy đủ các tên trong dãy.

Tên người, đôi khi lại gắn với những câu chuyện có ý nghĩa. Để phản ánh những sự việc có ý nghĩa ấy, người ta thường lựa chọn những từ ngữ phù hợp để đặt tên nhằm ghi nhớ sự kiện có ý nghĩa ấy. Chẳng hạn như, “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại: “Tiền Ngô Vương (898-994), khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương nên mới đặt tên là Quyền” [28, tr.204]. Đây cũng có thể xem là một thói quen của người Việt trong việc đặt tên.

Tên người vừa là một hệ thống những kí hiệu ngôn ngữ vừa ẩn chứa một bề dày văn hóa có thể kéo dài theo không gian và thời gian. Việc đặt tên người, từ xưa trong văn hóa người Việt đã tồn tại những nét văn hóa riêng. Muốn tìm ra những nét văn hóa ấy, ta phải dựa vào những nguyên tắc về mặt ngôn ngữ để mổ xẻ, phân tách

mặt biểu hiệu (những kí hiệu ngôn ngữ) của tên riêng. Bằng việc tìm ra những nguyên nhân dẫn đến việc hình thành tên riêng với những kí hiệu ngôn ngữ cụ thể, chúng ta sẽ nắm được đặc trưng của văn hóa dòng họ, dân tộc cũng như làm sáng tỏ phương thức tư duy của con người qua tên riêng ấy. Một khi giữa ngôn ngữ và văn hóa đã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau thì theo thời gian, sự biến đổi văn hóa đặt tên người diễn ra sẽ kéo theo những nguyên tắc hình thành tên riêng về mặt ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ vấn đề này trong chương 3 của đề tài.

Một phần của tài liệu (Trang 35 - 38)