Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý đất nông nghiệp
4.3.2. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước và địa phương
Để triển khai thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, UBND huyện Mộc Châu tổ chức tập huấn quán triệt tới cán bộ chủ chốt trong toàn Huyện. Chỉ đạo Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt các văn bản pháp quy của Nhà nước tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt là cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp để nắm rõ và thực hiện nội dung Chương trình, đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về quản lý đất nông nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tiềm năng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp của huyện đạt được hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thêm vào đó, với chủ trương đảm bảo an ninh lương thực quốc gia góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế quốc dân, cung cấp nông sản xuất khẩu. Chính phủ có chính sách riêng để quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với phát triển nông nghiệp bền vững. Ngày 05/08/2008, Ban chấp hành TW Đảng đã ban hành Nghị quyết 26- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hội nghị lần thứ 7; ban hành nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định trong nông nghiệp phát huy lợi thế của cây lúa là chính và kiên quyết mục tiêu giữ đất cho nông nghiệp.
Các văn bản pháp luật đất đai được đưa ra chủ yếu nhằm phục vụ công tác quản lý đất đai, đẩy nhanh tiến trình cấp giấy chứng nhận QSD đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất và đấu giá đất. Điều
này chứng tỏ, những công tác này dễ gặp phải có khăn vướng mắc cần lưu ý điều chỉnh. Tuy nhiên, việc ban hành nhiều các văn bản dưới luật cũng làm hệ thống pháp luật đất đai thêm phức tạp và cho thấy mặt yếu kém về vai trò QLNN đất nông nghiệp của huyện. Hiện nay, với nhiều dự án quy hoạch lớn về đường giao thông, khu công nghiệp và các khu đô thị mới dẫn đến phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình thuần nông và các tranh chấp, khiếu kiện xảy ra chủ yếu liên quan đến quyền lợi của người dân, đảm bảo ổn định sản xuất cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển mục đích. Do đó, yêu cầu các cơ quan ban hành chính sách cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có độ chính xác cao, hợp lý nhất là trong lĩnh vực tài chính để hoạt động quản lý được hiệu quả không làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn huyện.