Quản lý nhà nước về đất nông nghiệp ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 33 - 35)

Phần 2 Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn quản lý nhà nước về đất nông nghiệp

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Quản lý nhà nước về đất nông nghiệp ở Việt Nam

Đất nông nghiệp đang là vấn đề quan trọng của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn của đất nước. Quản lý nhà nước về đất nông nghiệp phải xem xét một cách toàn diện, đầy đủ ở các mặt kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI đã ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đổi mới chính sách, pháp luật đất nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế. Chính sách đất nông nghiệp đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết Bộ Chính trị khóa VI (năm 1998) nhấn mạnh theo hướng coi trọng vị trí đặc biệt của nông nghiệp, chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp, phát huy triệt để vai trò chủ động của hộ nông dân. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội VII và Nghị quyết Trung ương 2 khóa VII (năm 1992) đã đề ra chủ trương: “Ruộng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân, giao cho

nông dân quyền sử dụng lâu dài”; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII (năm

1993) khẳng định: “Kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định: “Sửa đổi Luật Đất nông nghiệp theo hướng: tiếp tục khẳng định đất nông nghiệp là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất; thúc đẩy quá trình tích tụ đất nông nghiệp; công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh” (Quốc hội, 2013).

Cùng với đó, quản lý nhà nước về đất nông nghiệp đã có những tiến bộ rõ rệt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho dân cư, cải thiện môi trường sống chung, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về đất nông nghiệp được tăng cường, quyền quản lý đất

được phân cấp nhiều hơn cho chính quyền địa phương. Các cơ sở dữ liệu về đất nông nghiệp ngày càng phong phú hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn và được chuẩn hóa, lưu giữ khoa học hơn. Quyền sử dụng đất đã bước đầu trở thành tài sản để Nhà nước và nhân dân vốn hóa đưa vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.

Những kết quả trên đã góp phần tạo điều kiện cho việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn, góp phần vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Diện tích đất dành cho đô thị tăng nhanh, góp phần hình thành mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên cả nước. Kéo theo đó là diện tích đất nông nghiệp có sự giảm xuống nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng (Nếu như năm 2004, giá trị sản xuất trồng trọt bình quân cả nước là 21 triệu đồng/ha thì đến năm 2011 là 55 triệu đồng/ha). Ngân sách các địa phương thu từ đất nông nghiệp tăng nhanh, diện mạo nông thôn được cải thiện. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan đến đất nông nghiệp cơ bản được bảo đảm (Chính phủ, 2012).

Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua cho thấy còn nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý đất nông nghiệp, như: một số chủ trương, chính sách lớn chậm được triển khai trong thực tiễn như tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá chậm, giá đất do Nhà nước quy định chưa sát giá thị trường, vấn đề hạn điền, vấn đề quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch còn nhiều vướng mắc... Do còn những bất cập này nên đất nông nghiệp chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả sử dụng đất còn thấp, đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất bị xói mòn còn lớn, việc sử dụng đất còn lãng phí. Tình trạng vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất nông nghiệp vẫn diễn ra và chưa có hướng khắc phục triệt để. Những hạn chế, yếu kém trên, một phần là do nguồn gốc lịch sử đất nông nghiệp và pháp lý rất phức tạp do chính sách đất nông nghiệp biến đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử với các chế độ sở hữu và cơ chế quản lý đất nông nghiệp khác nhau, nhất là do chuyển từ mô hình quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp sang cơ chế quản lý thích hợp với thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phần khác, nguyên nhân của yếu kém kể trên là do một số chủ trương, chính sách đất nông nghiệp của Đảng ta chậm được đổi mới, cơ chế quản lý của Nhà nước đối với đất nông nghiệp chưa thật sự hợp lý, nhất là hệ thống chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp hiện hành vừa phức

tạp, vừa chồng chéo, vừa lạc hậu so với thực tiễn nên khó thực hiện, đồng thời tạo nhiều kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Do vậy, cần có sự đánh giá đúng về thực trạng công tác quản lý đất nông nghiệp của nhà nước để từ đó đưa ra các chính sách kịp thời khắc phục (Nguyễn Thị Luyến, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 33 - 35)