Mục tiêu của việc phân tích nội bộ doanh nghiệp là nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp dựa trên các nguồn lực mà doanh nghiệp đó có từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh riêng có trên thị trường. Những yếu tố nội bộ tạo nên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được thể hiện qua chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị là tổng thể các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo ra giá trị cho sản phẩm, dịch vụ. Thực tế, tất cả các hoạt động của doanh nghiệp đều tham gia vào quá trình tạo ra giá trị và được chia làm hai nhóm: Nhóm những hoạt động trực tiếp tạo ra giá trị bao gồm tất cả các hoạt động sản xuất, nhóm những hoạt động gián tiếp hay còn gọi là hoạt động hỗ trợ.
a. Phân tích hoạt động marketing
Hoạt động marketing bao gồm: định vị cho doanh nghiệp, xác định vị trí trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh và trong tâm lý khách hàng; các hoạt động marketing mix (sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến khuyếch trương).
Những vấn đề cần xem xét khi đánh giá hoạt động marketing gồm: - Định vị doanh nghiệp thông qua thị phần và hình ảnh thương hiệu. - Đánh giá sản phẩm qua chất lượng, chủng loại và danh mục SP mới.
- Giá của sản phẩm
- Hệ thống phân phối, xúc tiến khuyếch trương
Các hoạt động marketing đôi khi không đặt mục tiêu doanh số lên hàng đầu mà trước hết là xây dựng hình ảnh của công ty trong tâm trí khách hàng. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tăng doanh thu và lợi nhuận.
b. Phân tích hoạt động sản xuất và khả năng cạnh tranh của DN
Phân tích hoạt động sản xuất bao gồm việc phân tích quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, tính linh hoạt trong sản xuất, chi phí sản xuất, thời hạn sản xuất, khả năng thuê gia công. Đây là những yếu tố cho thấy khả năng đáp ứng của doanh nghiệp với yêu cầu của khách hàng, thị trường.
c. Phân tích hoạt động R&D
Nghiên cứu và phát triển (R&D) không chỉ giúp cho doanh nghiệp củng cố được vị trí hiện tại mà còn giúp vươn tới những vị trí cao hơn trong ngành, thu được sự phát triển thực sự. Doanh nghiệp nào càng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thì doanh nghiệp đó càng mạnh. Vì vậy, chúng ta có thể đánh giá mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho công tác này qua tỷ lệ doanh thu dành cho R&D, số lượng máy móc thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển, khả năng kiểm soát các bằng phát minh sáng chế.
Công ty cũng cần xem xét kỹ lưỡng những hoạt động nghiên cứu và phát triển trong ngành mình. Việc làm này không những chỉ cho doanh nghiệp thấy được nguy cơ tụt hậu mà còn là tìm ra hướng nghiên cứu phát triển của riêng mình.
d. Phân tích nguồn lực của doanh nghiệp
Những hoạt động kinh doanh cần có những con người hàng ngày vận hành chúng một cách nhịp nhàng. Đội ngũ nhân sự tại công ty chính là những con người làm cho bộ máy đó hoạt động. Để đánh giá nguồn nhân sự, người ta thường phân tích số lượng và cơ cấu lao động tại công ty. Cơ cấu lao động xét về trình độ học
vấn và chuyên môn hoặc cơ cấu theo độ tuổi, giới tính, trình độ tay nghề. Bên cạnh đó, trình độ quản lý nhân sự của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng cần phải phân tích. Bởi trình độ quản lý quyết định sự linh hoạt và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
e. Phân tích hệ thống quản lý
Mỗi doanh nghiệp đều có những hệ thống quản lý khác nhau. Do đó, khi phân tích, cần dựa vào những tiêu chí chung với mọi doanh nghiệp. Đó là cơ cấu quản lý và ban lãnh đạo, những yếu tố không thể thiếu để quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với cơ cấu quản lý, cần làm rõ nhiệm vụ của từng bộ phận trong doanh nghiệp và cơ chế phối hợp giữa chúng. Đối với ban lãnh đạo, cần xác định cơ cấu về trình độ, độ tuổi và mâu thuẫn trong nội bộ.