Khối u vú tạo ra dạng môi trường mà trong đó tế bào miễn dịch bẩm sinh có xu hướng hình thành dạng type II và hỗ trợ khối u tăng sinh. Tế bào miễn dịch bẩm sinh bao gồm đại thực bào, tế bào tua, tế bào giết tự nhiên, bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và tế bào ức chế dòng tủy (myeloid derived suppressor cells–MDSC). Các tế bào này phân thành 2 dạng: type I hoạt hóa đáp ứng miễn dịch thích ứng type I, sản xuất cytokine tiền phản ứng viêm và các tác nhân ức chế; trong khi type II hoạt hóa đáp ứng miễn dịch thích ứng type II, sản xuất cytokine kháng phản ứng viêm và tác nhân hỗ trợ khối u. Khối u tiết ra môi trường xung quanh các tác nhân kích hoạt type II của miễn dịch bẩm sinh. Tế bào ung thư và tế bào nền khối u tiết cytokine kháng viêm như IL-10 và TGF-β làm suy yếu khả năng tiết cytokine tiền phản ứng viêm của tế bào miễn dịch [31, 42]. Tế bào T điều hòa (Treg) thường hiện diện mức cao trong khối u vú tiết các tín hiệu kháng viêm hoặc các tác nhân tiêu diệt tế bào miễn dịch bẩm sinh như granzyme và perforin [43, 76]. Các thành phần chất nền ngoại bào (ECM) như collagen có khả năng chống độc tính kháng tế bào ung thư, thúc đẩy điều biến hoạt tính thực bào của đại thực bào. Thụ thể collagen như thụ thể giống globulin miễn dịch liên quan bạch cầu (Leukocyte-associated immunoglobulin-like receptor–LAIRs) hiện diện trên tế bào miễn dịch, bất hoạt độc tính tế bào giết tự nhiên và gây ức chế miễn dịch chống ung thư [72].
Tế bào miễn dịch bẩm sinh type II thúc đẩy khối u phát triển. Đại thực bào tiết các nhân tố tăng trưởng như nhân tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF), thúc đẩy tế bào ung thư tăng sinh; nhân tố tiền tăng mạch như nhân tố tăng trưởng nội mạch (VEGF), prostaglandin E2 và IL-8 giúp tăng sinh mạch máu xung quanh khối u. Đại
thực bào có thể thúc đẩy sự xâm lấn và di căn của ung thư vú do tiết các nhân tố như Matrix Metalloproteinase (MMP) mà làm suy thoái phân tử chất nền ngoại bào; nhân tố tăng trưởng biểu mô mà thúc đẩy tế bào u vú dạng xâm lấn tăng trưởng [20, 29, 62]. Đại thực bào còn tiết lượng lớn TGF-β; IL-10; ligand 1 cho thụ thể tế bào chết theo chương trình (PDL1) cảm ứng tế bào T chết; chemokine CCL22 thu hút tế bào T điều hòa ức chế miễn dịch [19].
Hơn nữa, tế bào miễn dịch bẩm sinh như tế bào tua có thể phân giải arginine trong vi môi trường khối u gây ra sự chết theo chương trình của tế bào T và ngăn cản đáp ứng miễn dịch thích ứng. Tế bào dòng tủy chưa trưởng thành như MDSC có khả năng ức chế đáp ứng miễn dịch bằng cách khóa sự trưởng thành tế bào tua và hoạt hóa tế bào giết tự nhiên [51, 67]. Một số tế bào ung thư biểu hiện TLR và các ligand cho TLR có thể thúc đẩy tính ác tính và di căn của khối u [35].