A Nan cùng đại chúng, nghe Phật nói như vậy, đều ngẩn ngơ và im lặng. Lúc bấy giờ ông A Nan cúi đầu lạy Phật, quỳ gối chắp tay, vừa khóc lóc vừa bạch Phật rằng :
-Con từ khi xuất gia theo Phật đến nay, vì ỷ lại là em của Phật, chắc sẽ nhờ oai thần Phật ban cho đạo quả, chẳng cần tu hành cực nhọc. Không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được.
Hôm nay con mất “bản tâm” đi rồi, thân tuy xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, chẳng khác nào đứa cùng tử bỏ cha trốn đi.
Nay con mới biết học nhiều mà không tu, cũng như người không học, và cũng như người nói đủ thức ăn, rốt cuộc trong bụng vẫn đói.
Bạch Thế Tôn, chúng con vì hai chướng phiền não và sở tri ràng buộc, nên không ngộ được chân tâm. Cúi xin đức Thế Tôn thương xót kẻ bần cùng, chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phát minh được tâm tánh.
---o0o---
V. Phật chỉ cái thấy thường còn
Khi ấy Phật kêu A Nan, dạy rằng :
-Vừa rồi ông nói “thấy năm ngón tay của ta co nắm lại”. Vậy vì sao có nắm tay ? và nhờ cái gì mà có cái thấy ?
A Nan thưa:
-Bạch Thế Tôn, nhân bàn tay của Phật co lại năm ngón, nên mới có nắm tay, và nhờ vào con mắt cho nên mới có cái thấy.
Phật hỏi :
-Vậy thì “không bàn tay chẳng có nắm tay, cũng như không con mắt thời chẳng có cái thấy”; so sánh như thế có đúng không ?
A Nan thưa : -Bạch Phật đúng. Phật dạy :
-Không đúng hẳn ! Không bàn tay thì không có nắm tay là phải, còn không con mắt, chẳng phải cái “thấy” không có.
Ông nên ra ngoài đường hỏi thử những người mù mắt : “Các anh có thấy cái gì không ?”, thì họ đều trả lời với ông rằng : “Chỉ thấy tối đen”. Như thế thì rõ ràng : người mù không con mắt mà cái “thấy” cũng vẫn còn.
Đây là cái bằng chứng: Mặc dù con mắt không có, và trần cảnh đối trước có tối và sáng khác nhau, nhưng cái thấy lúc nào cũng có (nói cái thấy là đại diện cho các cảm giác).
A Nan thưa :