Phật hỏi A Nan :
–Người sáng mắt ở trong nhà tối thấy tối, cùng với người mù mắt thấy tối, vậy hai cái tối đó có khác nhau không ?
A Nan thưa :
-Bạch Thế Tôn, không khác. Phật hỏi :
-Người ở trong nhà tối thấy tối, nếu có người đem đèn vào, họ thấy được các vật, vậy cái đèn thấy hay con mắt thấy ?
A Nan thưa :
-Mắt thấy chứ không phải đèn thấy. Phật dạy :
-Cũng thế, người mù mắt khi lột mây rồi, thấy được các cảnh vật. Đó là tâm thấy chớ không phải mắt thấy.
Phât dạy tiếp :
-Cái đèn chỉ làm cho sáng các vật, còn cái thấy là con mắt (dụ cho tâm) chớ không phải đèn (dụ con mắt). Lên một từng nữa : con mắt chỉ làm cho tỏ rõ các vật, còn cái thấy là tâm, chứ không phải con mắt (đây là lần thứ nhất Phật chỉ tâm).
A Nan và đại chúng nghe Phật giảng dạy như thế rồi, đều im lặng, nhưng trong tâm thật chưa hiểu, nên đều kính cẩn chắp tay, để chờ Phật chỉ dạy thêm.
Chú Giải.
Đoạn này xin tỷ dụ thêm cho dễ hiểu : Con mắt của người, cũng như bóng đèn điện, còn cái thấy của người cũng như điện. Khi dây đứt (dụ thần kinh đứt), bóng hư (dụ mắt mù) thì đèn không cháy, chớ không phải điện mất
(không cái thấy). Đến khi thay bóng mới, nối dây lại, thì điện cháy trở lại; không phải do bóng hay dây mới có điện.
Cái thấy của người cũng thế : khi mắt bị mây che thì chỉ thấy tối, chớ không phải cái “thấy” mất, đến khi lột mây rồi, thì cái “thấy” hiện ra, không phải do con mắt mới có cái thấy. Đoạn này Phật chỉ rõ “cái thấy” là tâm.
---o0o---