Ông A Nan vì thấy lòng từ bi tha thiết của Phật thương xót hết sức nồng hậu, chỉ dạy rất thâm trầm, nên cảm động rơi nước mắt, kính cẩn bạch Phật rằng : - Con tuy nhờ Phật chỉ dạy cho hiểu được chân tâm, nhưng hiện nay con vẫn còn dùng “cái tâm phân biệt” (vọng tâm) nghe lời Phật nói, rồi ngộ xuông cái chân tâm này mà thôi, nên chưa dám nhận chắc là tâm của con. Vậy xin Phật thương xót chỉ dạy cho con hết nghi ngờ, để trở về với đạo vô thượng. Phật dạy :
-Nếu các ông lấy vọng tâm nghe chánh pháp (chân tâm) thì chánh pháp này cũng trở thành ra vọng, không thể nghe đặng chánh pháp.
Các ông nên biết : Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được.
Nay nếu các ông chấp cái “phân biệt” (vọng) làm tâm của mình, thì cái tâm này, khi rời tiếng nói pháp của ta, cũng vẫn còn phân biệt, thế mới phải thật là tâm của các ông (chủ). Nếu rời tiếng nói pháp của ta ra, mà các ông không còn phân biệt nữa, thì đó là vọng (khách) chớ không phải thật tâm (chủ) của các ông rồi.
Cũng như người khách, chỉ ngủ nhờ rồi đi, chớ không ở lại được. nếu thật là chủ nhà, thì ở luôn chớ không còn đi đâu nữa.
Cũng thế : nếu thật là tâm của ông, thì không đi đâu cả. Tại sao khi rời tiếng nói pháp của ta, thì ông không còn phân biệt nữa ?
Không những cái “phân biệt” về tiếng, cho đến cái “phân biệt” về sắc, hương, vị, xúc và pháp, nếu rời sáu trần cảnh ra, thì nó đều không còn phân biệt nữa. Thế thì cái tâm của ông đồng là khách, có chỗ trả về. Vậy cái nào là “chủ”, thật là tâm của ông ?
-Nếu cái tâm của con có chỗ trả về (trần cảnh qua thì tâm phân biệt hết) thì tại sao đức Như Lai lại nói : “cái chân tâm của con không trả về đâu cả ?” Xin Phật từ bi chỉ dạy cho.
---o0o---