4. Nội dung và các hoạt động
3.2.6. Tác động do xâm nhập mặn
Trong nhiều năm qua, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đời sống con người ở tỉnh Quảng Trị. Xâm nhập mặn trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm gần đây các hiện tượng nhiệt độ tăng cao, ngập lụt, hạn hán, dông lốc, sạt lở bờ sông, nước biển dâng, xâm nhập mặn xuất hiện không theo chu kỳ và tác động mạnh đến đời sống người dân tỉnh Quảng Trị, chứng tỏ tình trạng BĐKH đang ngày càng diễn biến phức tạp và không còn là “kịch bản” nữa.
Đối với tỉnh Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh có 17 cống đập ngăn mặn, với năng lực thiết kế ngăn mặn, chống lũ sớm khoảng 10.000 ha. Một số công trình như: Cống ngăn mặn Xuân Hòa, đầu sông Cánh Hòm nối với sông Bến Hải; Cống ngăn mặn Mai Xá, đầu sông Cánh Hòm nối sông Thạch Hãn; Cống ngăn mặn Việt Yên, đầu sông Vĩnh Định nối với sông Thạch Hãn; Cống An Tiêm, đoạn nối sống Thạch Hãn với sông Vĩnh Định…
- Một số công trình ngăn mặn trên hệ thống sông Bến Hải: Cống Mai Xá và cống Xuân Hoà đã được xây dựng năm 1992 - 1993 để ngăn mặn từ sông Thạch Hãn và sông Bến Hải không cho mặn vào sông Cánh Hòm nhằm bơm tưới cho diện tích ven cát phía giáp vùng cát. Hiện nay cống Xuân Hoà phần đê Hữu Bến Hải bị xói lở hạ du do thiếu tiêu năng, đê Tả Thạch Hãn cũng có hiện tượng tương tự. Hiện nay, trên sông Sa Lung đã xây dựng đập Sa Lung để ngăn mặn, giữ ngọt và xây dựng hồ Bến Thiêng để điều tiết nước cho sông Sa Lung đồng thời trả lại một phần lưu lượng kiệt của sông Bến Hải.
- Một số công trình ngăn mặn trên hệ thống sông Thạch Hãn: Trước hết phải kể đến đập Trấm và hệ thống đại thủy nông Nam Thạch Hãn là các công trình tổng hợp. Trong đó có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên sông Vĩnh Định, cống Việt Yên cùng đập ngăn mặn Cửa Lác cũng đang phát huy hiệu quả ngăn mặn và tưới cho vùng Nam Thạch Hãn - Ô Lâu. Năm 2001, đập Vĩnh Phước đã được xây dựng kiên cố hoá bằng bê tông để ngăn mặn xâm nhập theo sông Vĩnh Phước.
Dưới đây là một số thống kê về tình hình xâm nhập mặn trên khu vực tỉnh Quảng Trị từ năm 2015-2018 (đánh giá bằng bản đồ dự báo xâm nhập mặn)
Năm 2015
Kết quả quan trắc xâm nhập mặn đã cho thấy: xâm nhập mặn trên hệ thống sông Bến Hải có phần cao hơn so với hệ thống sông Thạch Hãn. Xâm nhập mặn trên các sông đã bắt đầu từ tháng 3; hai tháng có hiện tượng xâm nhập mặn mạnh nhất là tháng 6 và tháng 7, tháng kế tiếp chịu ảnh hưởng khá lớn của xâm nhập mặn là tháng 4 và tháng 8. Vào nữa cuối tháng 9 xâm nhập mặn giảm hẳn, hầu hết khu vực trung lưu nước sông đều ở ngưỡng ngọt.
- Trên sông Thạch Hãn: Vào tháng 6 trên sông Thạch Hãn độ mặn trung bình 2,76‰ lên đến chân Đập Trấm và mặn 6,40‰ ở cầu Thạch Hãn thuộc thị xã Quảng Trị.
- Trên sông Hiếu: độ mặn trung bình của đoạn trung lưu là 14,5‰, giai đoạn cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, xâm nhập mặn đã vượt qua đoạn trạm bơm Hiếu Bắc, không thể bơm nước cho đồng ruộng nơi đây.
- Trên sông Bến Hải và sông Sa Lung, độ mặn trung bình 21,3‰ lên đến điểm Cách cầu Hiền Lương về phía thượng lưu 2 km, cách Cửa Tùng khoảng 15km, đồng thời cách điểm giao nhau với sông Bến Hải 2km về phía thượng lưuthuộc sông Sa Lung độ mặn cũng lên đến 18,1‰.
- Kết quả dự báo xâm nhập mặn cho thấy trong tương lai, dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng, hiện tượng xâm nhập mặn còn tác động mạnh hơn, ảnh hưởng tiêu cực hơn đến khu vực tỉnh Quảng Trị. Theo kịch bản cực đoan nhất (A1FI) năm 2050, ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào dọc theo sông Bến Hải là 23,5 km, sông Thạch Hãn là 33,5 km, ranh giới mặn 1‰ trên sông Bến Hải vào sâu 26,5km, trên sông Thạch Hãn 35km.
Năm 2016
Kết quả quan trắc xâm nhập mặn đã cho thấy: Xâm nhập mặn trên các sông đã bắt đầu từ tháng 3; hai tháng có hiện tượng xâm nhập mặn mạnh nhất là tháng 6 và tháng 7, tháng kế tiếp chịu ảnh hưởng khá lớn của xâm nhập mặn là tháng 8. Vào nữa cuối tháng 9 xâm nhập mặn giảm hẳn, hầu hết khu vực trung lưu nước sông đều ở ngưỡng ngọt.
- Trên sông Thạch Hãn: Vào tháng 6 trên sông Thạch Hãn độ mặn trung bình 2,08‰ lên đến chân Đập Trấm và mặn 5,94‰ ở điểm cách trung tâm thị xã Quảng Trị 2km về Hạ Lưu.
- Trên sông Hiếu: Vào tháng 6, độ mặn trung bình khu vực cầu Đuồi là 0,42‰, xâm nhập mặn đã vượt qua đoạn trạm bơm Hiếu Bắc, không thể bơm nước cho đồng ruộng nơi đây. Khu vực cầu treo Cam Hiếu, độ mặn trung bình đạt 8,06‰. Điểm cách cầu Đông Hà 500m về phía hạ lưu có độ mặn 18,3‰.
- Trên sông Bến Hải: Xâm nhập mặn đã vượt xa khu vực cầu Tiên An từ 7 - 9km, độ mặn đo được tại cầu Tiên An 17‰. Điểm tại cầu phao Lâm Sơn Thủy độ mặn trung bình đo được 20,8‰; Khu vực xã Vĩnh Giang , độ mặn 24,8‰.
- Sông Sa Lung: Từ tháng 3 xâm nhập mặn đã lên đến chân đập ngăn mặn. Thời điểm tháng 6, độ mặn đo được tại cầu đường sắt Sa Lung đạt 15,1‰, thời điểm thấp nhất đạt 12,6‰. Độ mặn đo được tại khu vực cách cầu Hiền Lương 2km 18‰.
Nhìn chung, tại tất cả các sông, trong cùng một thời điểm quan trắc, mức độ xâm nhập mặn khác nhau theo chiều dọc sông và từng thời điểm. Quá trình quan trắc xâm nhập mặn cho thấy trong tương lai, dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng, hiện tượng xâm nhập mặn còn tác động mạnh hơn, ảnh hưởng tiêu cực hơn đến khu vực các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Năm 2017
Kết quả quan trắc xâm nhập mặn năm 2017 cho thấy: Xâm nhập mặn đã bắt đầu tác động đến chất lượng nước sông từ tháng 3. Thời điểm xâm nhập mặn lớn nhất trong năm 2017 là tháng 6, tháng kế tiếp chịu ảnh hưởng khá lớn của xâm nhập mặn là tháng 4 và tháng 7. Vào nửa cuối tháng 8 xâm nhập mặn giảm hẳn, hầu hết khu vực trung lưu nước sông đều ở ngưỡng ngọt.
Do tình hình thời tiết trong mùa khô, nhất là vào các đợt quan trắc tháng 5 và tháng 8 nên độ mặn trung bình năm 2017 có phần giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2018
Kết quả quan trắc xâm nhập mặn năm 2018 cho thấy: Xâm nhập mặn đã bắt đầu tác động đến chất lượng nước sông từ tháng 3. Thời điểm xâm nhập mặn lớn nhất trong năm 2018 là tháng 6, tháng kế tiếp chịu ảnh hưởng khá lớn của xâm nhập mặn là tháng 7. Vào nửa cuối tháng 8 xâm nhập mặn giảm hẳn, hầu hết khu vực trung lưu nước sông đều ở ngưỡng ngọt.
- Mức độ xâm nhập mặn khác nhau theo chiều dọc sông, thời điểm quan trắc trong ngày và theo từng tầng nước.
Các thiệt hại gây ra bởixây nhập mặn, thường được gắn với hạn hán. Sự thiếu hụt lượng nước dẫn đến hạn hán trên khu vực, điều đó làm gia tăng xâm nhập mặn từ biển vào ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, mùa vụ trên khu vực tỉnh quảng Trị. Các thiệt hại này cũng đã được thống kê chi tiết tại mục 3.2.2.
( Nguồn: Báo cáo Đánh giá xâm nhập mặn trên hệ thống sông Thạch Hãn và Bến Hải từ năm 2015-2018)
Như vậy, từ các kết quả thống kê trên, có thể thấy tác động cực kỳ mạnh mẽ của BĐKH đến khu vực tỉnh Quảng Trị. Dựa trên số liệu điều tra thực tế từ báo cáo Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Trị và thiệt hại của thiên tai thống kê được hàng năm từ báo cáo công tác PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, có thể
thấy bão, hạn hán, nắng nóng, lũ lụt do mưa lớn là các thiên tai tác động nghiêm trọng nhất đối với khu vực tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là hạn hán và nắng nóng với tần suất xảy ra hàng năm cao. Các huyện, thị xã như Quảng Trị, Hải Lăng, Vĩnh Linh là các khu vực chịu tác động lớn của các thiên tai hàng năm (Bảng 3.5)
Bảng 3.5. Các tác động của các yếu tố BĐKH đến các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Quảng Trị Các địa phương Hải Lăng Cam Lộ Đakrông Hướng Hóa Gio Linh Đông Hà Quảng Trị Triệu Phong Vĩnh Linh Yếu tố tác động Bão +++ +++ ++ + +++ +++ ++ ++ +++ Mưa lớn, Lũ lụt +++ +++ ++ ++ +++ ++ +++ +++ +++ Nắng nóng +++ ++ ++ +++ + ++ +++ + ++ Hạn hán +++ ++ +++ +++ + ++ +++ + +++ Chú thích: “+”: Thấp , “++”: Trung bình,“+++”: Cao,
3.3. Cơ hội và thách thức của biến đổi khí hậu 3.3.1. Cơ hội của biến đổi khí hậu
Ngành nông nghiệp
BĐKH đã tạo động lực cho nhà khoa học, người nông dân nghiên cứu,khảo nghiệm, sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn và chuyển đổi giống một số cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng hiệu quả trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi,...
Ngành lâm nghiệp
Góp phần thúc đẩy các dự án liên quan đến tăng cường trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phòng chống cháy rừng.
Ngành công nghiệp và năng lượng
BĐKH góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, chính quyền các cấp và người dân đã chú trọng hơn trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, các dạng năng lượng ít phát thải khí nhà kính, giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững. BĐKH cũng tạo động lực nhằm thay đổi nhận thức của con người, tập quán sản xuất, lối sống tích cực hơn, tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó BĐKH cũng tạo cơ hội để đầu tư các dự án năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường.
Ngành xây dựng và giao thông vận tải
Dưới áp lực của BĐKH, ngành xây dựng và giao thông vận tải đã và đang nghiên cứu chế tạo các động cơ sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, khí sinh học,...), các động cơ tiết kiệm năng lượng có khả năng giảm phát thải KNK với giá thành phù hợp. Ngoài ra, BĐKH còn góp phần thay đổi nhận thức của Chính quyền và người dân trong việc sử dụng các loại vật liệu mới vừa có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt vừa thân thiện với môi trường và có giá thành thấp như: sơn sinh học, gạch không nung,...
3.3.2. Thách thức của biến đổi khí hậu
Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong những ngành nghề truyền thống và là thế mạnh của tỉnh Quảng Trị, thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên ngành nông nghiệp của tỉnh đang đứng trước những thử thách lớn do BĐKH gây ra như: lượng mưa giảm rõ rệt trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng đến việc trồng trọt và chăn nuôi của bà con nông dân.
BĐKH có tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. BĐKH ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp đối mặt với nhu cầu lớn về phát triển giống cây trồng và vật nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro do BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Với sự nóng lên trên phạm vi toàn lãnh thổ, thời gian thích nghi của cây trồng nhiệt đới mở rộng và của cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp lại.
Ngoài ra, BĐKH có khả năng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, tố, lốc, các thiên tai liên quan đến nhiệt độ và mưa như thời tiết khô nóng, lũ, ngập úng hay hạn hán, rét hại, sâu bệnh, làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi.
Lâm nghiệp
BĐKH đã gây ra các thách thức không nhỏ cho ngành lâm nghiệp thể hiện qua một số khía cạnh như sau: suy giảm diện tích rừng do gia tăng các vụ cháy rừng, suy giảm chất lượng rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển rừng.
- Nhiệt độ cao kết hợp với ánh sáng mặt trời dồi dào thúc đẩy quá trình quang hợp dẫn đến tăng cường quá trình đồng hoá cây xanh. Tuy vậy, chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng có thể giảm do độ ẩm giảm.
- Nguy cơ diệt chủng của một số động vật và thực vật gia tăng, một số loài thực vật quan trọng như trầm hương, hoàng đàn, pơmu, gỗ đỏ, lát hoa, gụ mật,… có thể bị suy kiệt.
- Nhiệt độ cao và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển dịch bệnh, sâu bệnh,…
Năng lượng
Mưa lũ, hạn hán thất thường sẽ tác động tiêu cực đến quá trình vận hành, khai thác hệ thống truyền tải và phân phối điện. Mặt khác, do lũ lớn bất thường, các hồ chứa nước của các công trình thủy điện không thể điều tiết theo quy trình dẫn đến nguy cơ vỡ đập, đe dọa sự an toàn cho vùng hạ lưu.
Xây dựng và giao thông vận tải
Thách thức của BĐKH đối với giao thông vận tải và xây dựng phải kể đến trước hết lên hệ thống cơ sở hạ tầng. Hạn hán có thể ảnh hưởng đến sông hồ, chiều cao tĩnh không thông thuyền gây ra các biến động cho các hoạt động trên mạng lưới giao thông hàng hải và đường thủy nội địa. Biên độ nhiệt độ lớn ảnh hưởng đến các kết cấu công trình xây dựng và các công trình công cộng trên khu vực.
CHƯƠNG 4. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BĐKH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
4.1. Đánh giá tác động của BĐKH đến các tài nguyên trên khu vực
4.1.1. Tác động của BĐKH đến tài nguyên nước
BĐKH là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cũng như trữ lượng nước ngọt. BĐKH và gia tăng nhiệt độ có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô trong khu vực, thiếu nước sạch cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt. BĐKH cùng với nước biển dâng sẽ làm cho việc cung cấp nước ngọt trở nên khó khăn. Các nguồn nước ngọt (mặt, ngầm) sẽ bị nhiễm mặn khi nước biển dâng.
Hạn hán có xu thế gia tăng trên khu vực tỉnh Quảng Trị điều này dẫn đến, lượng nước có xu hướng thiếu hụt, làm suy giảm trữ lượng nước ngọt một cách nghiêm trọng làm xâm nhập mặn kéo dài cộng với nhu cầu khai thác sử dụng nguồn nước ngọt từ nguồn nước ngầm tăng cao làm tăng khả năng thấm các tác nhân ô nhiễm như chất hữu cơ, phân bón, vi sinh vật.
Theo tính toán, tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 tỉnh Quảng Trị là khoảng 700 triệu m3, trong khi đó tổng dự trữ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 200 triệu m3, lượng nước tại các lưu vực sông lớn là Thạch Hãn và Bến Hải chịu ảnh hưởng lớn do xâm nhập mặn. Vì vậy, áp lực khai thác và suy giảm chất lượng nước ngầm ngày càng lớn.
Dưới đây là một số tác động của BĐKH ảnh hưởng đến tài nguyên nước:
– Nhu cầu nước sinh hoạt cho con người, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông… đều tăng. Bên cạnh đó, lượng bốc hơi