4. Nội dung và các hoạt động
4.2.1. Tác độngcủa BĐKH đến môi trường
Ảnh hưởng đến điều kiện vệ sinh: Tập quán chăn thả gia súc, gia cầm, các hộ gia đình không có nhà vệ sinh, ít có cơ hội đối với nước sạch đã là nguyên nhân làm giảm chất lượng sống của người dân và lan truyền bệnh dịch. Trong điều kiện có BĐKH như lũ quét, mưa lớn, hạn hán sẽ góp phần làm gia tăng bệnh dịch, suy giảm các điều kiện sống của người dân (phá hủy nhà cửa, phát tán các chất thải sinh hoạt và dịch bệnh).
Ảnh hưởng đến môi trường: Trong điều kiện BĐKH như lũ ống, lũ quét sẽ gây ra các rủi ro đối với các khu chôn lấp và xử lý chất thải, đặc biệt đối với các khu xử lý chất thải của các khu công nghiệp. Khi đó, các khu xử lý và chôn lấp chất thải sinh hoạt, các khu xử lý chất thải của các khu công nghiệp sẽ có nguy cơ bị cuốn trôi gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Ngoài ra, cháy rừng cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm khói bụi, góp phần làm cho hiện tượng BĐKH xảy ra mạnh mẽ hơn.
Trong thiên nhiên, đa dạng sinh học, nhất là các hệ sinh thái rừng là nơi chính tích lũy trở lại nguồn khí CO2 phát thải ra để tạo thành chất hữu cơ. Sự tàn phá rừng đã làm giảm bớt khả năng hấp thụ CO2 và gián tiếp tăng thêm khí CO2 vào khí quyển, góp phần làm cho BĐKH toàn cầu tăng nhanh. Như vậy, sự giảm sút đa dạng sinh học nhất là giảm sút diện tích rừng đã thúc đẩy sự gia tăng BĐKH toàn cầu, nhưng ngược lại sự nóng lên toàn cầu cũng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tồn tại của các loài sinh vật và đa dạng sinh học.