I. GIA ĐÌNH GIÁO DỤC
ĐÀO TẠO TRÍ PHÁN ĐOÁN
“Vì thế, từ ngày chúng tôi nghe biết như vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho.Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn.Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả” (Cl 1,9-11).
nhận rõ ý Chúa trước thực tế hằng ngày và quảng đại đáp lại. Thứ nhất là tập xem xét để chú tâm chu toàn bổn phận hiện tại. Trước mọi việc bổn phận lớn nhỏ, ta đều tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, cân nhắc xem phải làm thế nào để đạt kết quả tốt nhất, rồi làm ngay với trọn lòng yêu mến.
Thứ hai là trước các vấn đề cuộc sống, trước những cảm hứng muốn làm điều này hay điều khác, dĩ nhiên là những điều tốt, làm sao để dò tìm và nhận rõ được ý Chúa. Đây là một kinh nghiệm khá tế nhị nhưng không phải là quá khó. Trước hết, khi đã có lòng khao khát muốn biết ý Chúa, ta cần giữ cho mình một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch, nếu còn vướng mắc tội lỗi thì phải thực lòng ăn năn. Tiếp đến ta chú tâm xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, rồi cân nhắc xem xét kỹ để biết phải làm gì và làm một cách quảng đại. Kinh nghiệm này gọi là phương pháp xem – xét - làm.
Bước thứ nhất là xem, tức là quan sát, nhìn kỹ xem hoàn cảnh thực tế đang đòi hỏi điều gì, đâu là những thuận lợi và những khó khăn. Việc này phải rất chính xác, đủ các khía cạnh cần thiết. Nếu ta chỉ tuyển một số sự kiện theo ý ta muốn và gạt hẳn một số sự kiện không thuận lợi cho kết luận, kết luận của ta sẽ không trung thực.
Bước thứ hai là xét, tức là phân tích tìm lý do sâu xa của các sự kiện trên và dựa theo tinh thần Tin Mừng để lượng giá phê phán và tiến đến một kết luận. Sự phê phán này cần hết sức vô tư. Thường ta dễ bị thiên lệch vì những quyến luyến lệch lạc và những định kiến có sẵn, khiến cho việc nhận định bị mất sáng suốt. Do đó cần tỉnh táo lọai trừ mọi định kiến và quyến luyến lệch lạc.
Trước những tình thế khó khăn của cuộc sống, ta cần bình tĩnh xét xem hướng đi của ý Chúa trong hoàn cảnh mới, không vội phản kháng cũng không tìm cách uốn nắn hoàn cảnh cho hợp với ý ta.
Muốn nhận rõ ý Chúa, ta cần để cho lòng lắng xuống trong “yêu thương, khiêm nhường và từ bỏ.” Cần can đảm cậy trông vào Chúa. Đôi khi ta ngập ngừng không dám bắt tay vào việc, nhưng bắt đầu làm thì rồi sẽ thấy ánh sáng dần dần lộ rõ. Đừng vội nghĩ rằng ánh sáng vừa nhận được là tất cả ánh sáng. Cần biết vui lòng với những giới hạn. Không đòi những điều kiện tối ưu, cũng không vẽ vời những kế họach vượt quá quyền hạn và khả năng mình.
Bước thứ ba là làm, tức là bắt tay vào việc thật đúng lúc, đúng cách, với cả tấm lòng. Cứ quảng đại đáp lại theo điều Chúa gợi ý trong giây phút hiện tại. Ta chưa thấy rõ tương lai nên cần biết phó thác cho Chúa. Cứ bước đi trong bình an và chờ để xem Chúa đang muốn dắt đi đâu. Hành trình Chúa dắt ta đi là hành trình của kinh nghiệm, theo kiểu quy nạp. Thoạt đầu mọi chuyện có vẻ chẳng liên hệ gì với nhau, nhưng rồi cuối cùng sẽ thấy tất cả ăn khớp với nhau cách kỳ diệu.
.10