I. GIA ĐÌNH GIÁO DỤC
ĐÀO TẠO TINH THẦN HỘI THÁNH
“Việc giáo dục này không những chỉ giúp nhân vị được trưởng thành...nhưng còn nhằm giúp những người rửa tội trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi, càng ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ cũng như được huấn luyện để biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24), và nhờ vậy, họ đạt tới con người toàn thiện, chín chắn, đạt tới sự sung mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 4,13), góp phần làm cho Nhiệm Thể được tăng trưởng.” (Tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo, số 2)
Thánh Antôn Nguyễn Đích tử đạo ngày 12-8-1838. Con gái ngài là cô Maria Mến cung khai trước toà điều tra phong chân phước: “Bố tôi tên là Nguyễn Đích, quê ở Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định. Ông bà nội tôi vốn có lòng đạo đức, thấy xa nhà thờ có linh mục thì lấy làm tiếc, nên dọn đến làng Kẻ Vĩnh, rồi bố tôi lập gia đình ở đó.”
Về Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ, ta đọc thấy: “Ra đời trong một gia đình công giáo tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình năm 1811, vì lý do sinh kế, anh Tôma Nguyễn Văn Đệ đã theo cha mẹ về xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên anh theo nghề may và được mọi người yêu chuộng. Anh rất nhiệt tình với việc trong xứ trong họ. Hầu hết cờ quạt và đồ trang hoàng trong nhà thờ và nhà xứ đều nhờ đến bàn tay khéo léo và sáng tạo của anh.” (Thiên hùng sử, tr. 446)
Tinh thần Hội Thánh trước hết là gắn bó với nhà thờ, với trung tâm sinh hoạt của cộng đoàn Dân Chúa và nhiệt tình đóng góp vào sinh hoạt giáo xứ theo khả năng của mình. Tuy nhiên ta cần giúp các cháu có cái nhìn rộng hơn, quan tâm đến Giáo Phận của mình và Giáo Hội Toàn Cầu. Cần giúp các cháu biết đồng cảm với Hội Thánh, qua những tin tức về sinh hoạt Dân Chúa tại giáo xứ, cũng như những nơi khác trong giáo phận, trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.
.19