II. GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
BÀN THỜ GIA TIÊN VÀ TÌNH ĐỒNG TỘC
Trong thời gian mò mẫm tìm cách giúp người Việt hiểu đúng giáo lý Đạo Chúa, các nhà truyền giáo gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập văn hóa. Do đó suốt gần 200 năm, Giáo Hội không cho phép tín hữu Việt Nam thực hiện việc thờ cúng tổ tiên theo lối cổ truyền. Việc cấm đoán đã đưa đến thành kiến “theo Đạo là bỏ ông, bỏ bà”, khiến người ta tẩy chay Đạo Chúa. Điều ấy còn trở thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân.
Giữa thế kỷ 20, mọi sự đã thay đổi. Từ năm 1965, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã tiếp nhận lại việc thờ cúng tổ tiên theo cung cách Việt Nam. Nhiều gia đình Công Giáo đã lập lại bàn thờ gia tiên. Việc thắp hương cầu nguyện đã thành bình thường và tạo được thiện cảm nơi bà con lương dân.
Tuy nhiên, để xóa sạch hiểu lầm, người Công Giáo phải cố gắng đặc biệt trong lãnh vực này: cả nơi sự hiếu thảo với cha mẹ còn sống lẫn sự thờ kính ông bà tổ tiên.
Về bàn thờ gia tiên, khi có điều kiện, tốt nhất là thực hiện gian thờ, có màn che từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, do cấu trúc nhà ở ngày nay khác xưa, cũng có thể tùy nghi thực hiện với hình thức sáng sủa và giản dị, thấm nhuần màu sắc dân tộc và Kitô giáo. Có thể đặt ngay dưới bàn thờ Chúa, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng, hoặc có thể để ở gian khác. Cần nhớ, một khi đã lập bàn thờ, phải gìn giữ sạch sẽ, tuyệt đối không để bất cứ vật dụng linh tinh nào trên bàn thờ. Phải chăm sóc hương đèn. Hình thức sơ đẳng nhất của lễ gia tiên là mỗi sớm, mỗi tối, mỗi lần đi xa về, ta thắp một cây nhang cắm lên bàn thờ và thinh lặng cầu nguyện một phút. Nếu thiếu ý thức và quan tâm thì thà đừng lập bàn thờ còn tốt hơn là có bàn thờ mà để hương tàn, khói lạnh.
Các ban văn hóa, truyền giáo và gia đình trong giáo xứ cần quan tâm góp ý và hướng dẫn cho các gia đình về việc này.
Đạo Hiếu không dừng lại ở bàn thờ gia tiên và các nghi thức lễ bái mà còn gồm những kinh nghiệm khác có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục nhân bản, cách riêng là giáo dục tình gia đình và gia tộc. Tình gia tộc được khẳng định qua các bản gia phả, qua những ngày giỗ, ngày tết.
Sinh hoạt gia tộc được duy trì nhờ từ đường và ruộng hương hoả, và cũng nhờ đó có những dòng họ giữ được gia phả từ nhiều thế kỷ. Các gia đình công giáo, do gián đoạn sinh hoạt từ đường hơn hai trăm năm, thường ít giữ được gia phả. Nhiều
gia tộc ngoài công giáo, dù không gián đoạn việc thờ cúng ông bà nhưng, do chiến tranh, nay cũng bị mai một cả gia phả, từ đường và ruộng hương hoả. Từ ngày đất nước hoà bình và thống nhất, dường như khắp nơi đều rộ lên việc tìm lại nguồn cội, nối lại gia phả. Có cả những sách mẫu hướng dẫn làm gia phả và những sáng kiến làm gia phả điện tử, gia phả trên mạng. Thiết tưởng các gia đình công giáo Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc này để có thêm một lợi khí giúp vun trồng tinh thần đạo lý cho các thế hệ mai sau. Nếu không thể tìm lại những nguồn gốc xa xưa thì ít là ghi lại từ những vị tổ mà trong gia đình còn biết được.
Rất nhiều trường hợp, khi tìm về cội nguồn, ta phát hiện quan hệ gần gũi giữa những nhánh đồng tộc Công giáo và ngoài Công giáo. Hai bên sẽ qua lại thăm viếng nhau, cùng hiện diện trong những dịp giỗ đại tộc. Nhờ đó, sẽ sớm xoá tan được thành kiến “theo đạo bỏ ông bỏ bà”, rồi tình thân giữa đôi bên sẽ gia tăng và việc chia sẻ đức tin giữa những người đồng tộc sẽ gặp nhiều thuận lợi.
.17