a. Chọn mẫu
Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện, đây là phương pháp chọn mẫu phi xác suất, trong đó nhà nghiên cứu tiếp cận với các đối tượng nghiên cứu bằng phương pháp thuận tiện. Lý do để lựa chọn phương pháp chọn mẫu này vì người trả lời dễ tiếp cận, họ sẵn sàng trả lời bảng câu hỏi nghiên cứu cũng như ít tốn kém về thời gian và chi phí để thu thập thông tin cần nghiên cứu. Theo Cooper và Schindler (1998), lý do quan trọng khiến người ta sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất là tính tiết kiệm về chi phí và thời gian.
b. Kích thước mẫu
Theo Hair và cộng sự (2006), thì quy luật tổng quát cho cỡ mẫu tối thiểu trong phân tích nhân tố khám phá là gấp 5 lần số biến quan sát và số lượng mẫu phù hợp cho phân tích hồi quy đa biến cũng là gấp 5 lần số biến quan sát. Mô hình nghiên cứu này có 38 biến quan sát, vì vậy số mẫu tối thiểu cần thiết là: 38*5 = 190.
Do các giới hạn về tài chính và thời gian, kích thước mẫu sẽ được xác định ở mức tối thiểu cần thiết nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của cuộc nghiên cứu. Kích thước mẫu dự kiến ban đầu đối với đề tài là 410 để kết quả xử lý có ý nghĩa hơn. Vì vậy, để đạt được kích thước mẫu trên, tác giả tiến hành gửi phiếu đến các cán bộ, nhân viên đang làm việc toàn thời gian tại chi nhánh, phòng giao dịch của BIDV trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thu về 377 bảng câu hỏi và loại bỏ các bảng câu hỏi không đạt yêu cầu, còn lại 342 bảng câu hỏi hoàn tất được sử dụng. Vì vậy, kích thước mẫu cuối cùng của đề tài này là n = 342 (đạt tỷ lệ 83,4%).