phẩm văn học
2.1.1. Khái niệm nhân vật văn học
Tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật, vì nhân vật chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
* Về phương diện thuật ngữ:
Thuật ngữ “nhân vật” xuất hiện từ rất sớm. Trong tiếng Hy Lạp cổ, “nhân vật” (đọc là persona) lúc đầu mang ý nghĩa chỉ cái mặt nạ của diễn viên trên sân khấu. Theo thời gian thuật ngữ này đã được sử dụng nhiều nhất, thường xuyên nhất để chỉ đối tượng mà văn học miêu tả và thể hiện. Đôi khi nhân vật văn học còn được gọi bằng các thuật ngữ khác như: “vai” (actor) và “tính cách” (character). Tuy nhiên, theo chúng tôi, các thuật ngữ này có nội hàm hẹp hơn so với “nhân vật”. Thuật ngữ “vai” chủ yếu nhấn mạnh đến tính chất hành động của cá nhân, thích hợp với loại nhân vật hành động. Còn thuật ngữ “tính cách” lại thiên về những nhân vật có tính cách. Trong thực tế sáng tác, không phải nhân vật nào cũng hành động, đặc biệt là những nhân vật thiên về “suy tư” và cũng không phải nhân vật nào cũng có tính cách rõ rệt. Từ đó, có thể thấy các thuật ngữ “vai”, “tính cách” không bao quát được hết những biểu hiện khác nhau của các loại nhân vật trong sáng tác văn học. Còn “nhân vật” là thuật ngữ có nội hàm phong phú, đủ khả năng khái quát những hiện tượng phổ biến của tác phẩm văn học ở mọi bình diện và mọi cấp độ.
* Một số quan niệm trong nghiên cứu, phê bình về nhân vật văn học:
Có nhiều quan điểm khác nhau về nhân vật văn học trong giới nghiên cứu và phê bình văn học. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đi khảo sát một số quan niệm về nhân vật văn học như sau:
Trong Từ điển văn học: “ Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng chủ để và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa. Nhân vật, do đó, là nơi tập trung giá trị tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm văn học [12, 86]. Với định nghĩa này các nhà biên soạn từ điển đã nhấn mạnh nhân vật trong tác phẩm văn học chính là nơi tác giả văn học gửi gắm giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong sáng tác của mình. Có thể nói đây chính là định nghĩa tương đối toàn diện về nhân vật văn học.
Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ Văn học quan niệm văn học là: “Con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám…), cũng có thể không có tên riêng như thằng bán tơ, một mụ nào đó trong Truyện Kiều… Trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, đồng thoại, thần được đưa ra để nói chuyện con người. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong cuộc sống” [29, 235]. Như vậy các tác giả cho rằng nhân vật văn học là con người được nhà văn miêu tả trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều đối với tác phẩm. Còn khái niệm con người cũng cần được hiểu một cách rộng rãi trên hai phương diện: về số lượng: hầu hết các tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học hiện đại đều tập trung miêu tả số phận của con người; về chất lượng: dù nhà văn miêu tả thần linh hay đồ vật...
nhưng lại gán cho nó những phẩm chất của con người. Như vậy nhân vật vẫn là hình tượng của con người trong tác phẩm văn học.
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân đề xuất cách nhìn nhân vật trong mối tương quan với cá tính sáng tạo, phong cách nhà văn và trường phái văn học như sau: “ Nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng một trường phái hoặc dòng phong cách. Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống con người” [12, 241].
Tuy nhiên, nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ, có những dấu hiệu để nhận biết: tên gọi, những dấu hiệu về tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm riêng...Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường, sự phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với những giới thiệu ban đầu đó. gắn liền với những suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá trình phát triển về sau của nhân vật. Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Ở đây, nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu riêng là ngôn từ. Vì vậy, nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng để dựng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ của nó.
Nhìn một cách tổng quát, nhân vật là một khái niệm tương đối ổn định trong nghiên cứu phê bình văn học. Có rất nhiều định nghĩa về nhân vật song tất cả các nhà nghiên cứu đều khẳng định: Nhân vật văn học là thành tố quan trọng trong tác phẩm, nhân vật là phương tiện để nhà văn phản ánh đời sống được xây dựng bằng các hình tượng nghệ thuật. Ðối tượng chung của văn học là cuộc đời trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận...đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm văn chương nhưng cái
quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Vì vậy, đi nghiên cứu về tác phẩm văn chương cần phải tiếp cận nhân vật để tìm ra những sáng tạo và những đóng góp của nhà văn cho nền văn học nước nhà.
2.1.2. Chức năng của nhân vật trong tác phẩm văn học
Trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, G.N.Pospelov nhấn mạnh: “Nhân vật là phương diện có tính chất thứ nhất trong hình thức tác phẩm. Nó quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa chọn lựa chi tiết, vừa ngôn ngữ, vừa kết cấu” [76; 43]. Nhân vật là yếu tố vừa thuộc về nội dung, vừa thuộc về hình thức tác phẩm. Nhân vật là điều kiện thiết yếu để sự khám phá, sự đánh giá, lý giải, sự miểu tả mang tính nghệ thuật của tác giả về đời sống đạt đến tính toàn vẹn, có chiều sâu và có sức hấp dẫn riêng đối với độc giả. Có thể nói, yếu tố nhân vật chi phối mạnh mẽ đến sự thành công hay thất bại của tác phẩm.
Đến với tác phẩm văn chương, nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Vì vậy khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gắn liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm. Khi tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách của nó, chúng ta cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà nhân vật muốn thể hiện. Do nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Vì vậy, nhân vật văn học là một hiện tượng hết sức đa dạng. Những nhân vật được xây dựng thành công từ xưa đến nay bao giờ cũng là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, xét về mặt nội
dung tư tưởng, kết cấu, chất lượng miêu tả... có thể thấy những hiện tượng lặp đi lặp lại tạo thành các loại nhân vật khác nhau. Ðể nắm bắt được thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, có thể tiến hành phân loại chúng ở nhiều góc độ khác nhau như sau:
Xét về vai trò nhân vật trong tác phẩm, có thể nói tới nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và triển khai tác phẩm. Ở đây, nhà văn thường tập trung miêu tả, khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình, nội tâm, quá trình phát triển tính cách của nhân vật. Qua nhân vật chính, nhà văn thường nêu lên những vấn đề và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm và từ đó giải quyết vấn đề, bộc lộ cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mĩ. Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lý tưởng xã hội của nhà văn, ta có nhân vật chính diện. Nhân vật chính diện là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, cái tiến bộ. Khi nhân vật chính diện được xây dựng với những phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lí tưởng trong cuộc sống...có thể được coi là nhân vật lí tưởng. Còn nhân vật phản diện tất nhiên nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả, đó là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý là lý tưởng, đối lập về tính cách với nhân vật chính diện, nhân vật phản diện cần bị lên án. Ngoài ra, xét từ góc độ thể loại. Chúng ta có các loại nhân vật như nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự và nhân vật kịch. Xét từ góc độ chất lượng miêu tả. Có thể phân thành các loại: nhân vật, tính cách, điển hình…
Ðể xây dựng thành công một nhân vật văn học, nhà văn phải có khả năng đồng cảm, phát hiện những đặc điểm bền vững ở nhân vật. Ðiều này đòi hỏi nhà văn phải hiểu đời và hiểu người. Nhưng có một điều không kém phần quan trọng là nhà văn phải miêu tả, khắc họa nhân vật đó là những nhân vật không chịu nằm yên trên trang sách mà nhân vật ấy đã bước ra từ trang sách đến cuộc đời. Vì thế nhân vật bao giờ cũng là chìa khóa để nhà văn mở rộng đề tài khai thác, khám phá cuộc sống.