Trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, G.N.Pospelov nhấn mạnh: “Nhân vật là phương diện có tính chất thứ nhất trong hình thức tác phẩm. Nó quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa chọn lựa chi tiết, vừa ngôn ngữ, vừa kết cấu” [76; 43]. Nhân vật là yếu tố vừa thuộc về nội dung, vừa thuộc về hình thức tác phẩm. Nhân vật là điều kiện thiết yếu để sự khám phá, sự đánh giá, lý giải, sự miểu tả mang tính nghệ thuật của tác giả về đời sống đạt đến tính toàn vẹn, có chiều sâu và có sức hấp dẫn riêng đối với độc giả. Có thể nói, yếu tố nhân vật chi phối mạnh mẽ đến sự thành công hay thất bại của tác phẩm.
Đến với tác phẩm văn chương, nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Vì vậy khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gắn liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm. Khi tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách của nó, chúng ta cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà nhân vật muốn thể hiện. Do nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Vì vậy, nhân vật văn học là một hiện tượng hết sức đa dạng. Những nhân vật được xây dựng thành công từ xưa đến nay bao giờ cũng là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, xét về mặt nội
dung tư tưởng, kết cấu, chất lượng miêu tả... có thể thấy những hiện tượng lặp đi lặp lại tạo thành các loại nhân vật khác nhau. Ðể nắm bắt được thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, có thể tiến hành phân loại chúng ở nhiều góc độ khác nhau như sau:
Xét về vai trò nhân vật trong tác phẩm, có thể nói tới nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và triển khai tác phẩm. Ở đây, nhà văn thường tập trung miêu tả, khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình, nội tâm, quá trình phát triển tính cách của nhân vật. Qua nhân vật chính, nhà văn thường nêu lên những vấn đề và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm và từ đó giải quyết vấn đề, bộc lộ cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mĩ. Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lý tưởng xã hội của nhà văn, ta có nhân vật chính diện. Nhân vật chính diện là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, cái tiến bộ. Khi nhân vật chính diện được xây dựng với những phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lí tưởng trong cuộc sống...có thể được coi là nhân vật lí tưởng. Còn nhân vật phản diện tất nhiên nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả, đó là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý là lý tưởng, đối lập về tính cách với nhân vật chính diện, nhân vật phản diện cần bị lên án. Ngoài ra, xét từ góc độ thể loại. Chúng ta có các loại nhân vật như nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự và nhân vật kịch. Xét từ góc độ chất lượng miêu tả. Có thể phân thành các loại: nhân vật, tính cách, điển hình…
Ðể xây dựng thành công một nhân vật văn học, nhà văn phải có khả năng đồng cảm, phát hiện những đặc điểm bền vững ở nhân vật. Ðiều này đòi hỏi nhà văn phải hiểu đời và hiểu người. Nhưng có một điều không kém phần quan trọng là nhà văn phải miêu tả, khắc họa nhân vật đó là những nhân vật không chịu nằm yên trên trang sách mà nhân vật ấy đã bước ra từ trang sách đến cuộc đời. Vì thế nhân vật bao giờ cũng là chìa khóa để nhà văn mở rộng đề tài khai thác, khám phá cuộc sống.