3.2. Không gian và thời gian nghệ thuật
3.2.1. Không gian nghệ thuật
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng “ Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật… không có một hình tượng nào mà không có không gian, không có nhân vật nào không có nền cảnh nào đó. Bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn nhận sự vật trong một khoảng cách , góc nhìn nhất định” [60, 88]. Khi đi tìm hiểu không gian nghệ thuật
giúp chúng ta biết được ý đồ sáng tạo của nhà văn trong việc biểu hiện cuộc đời và số phận của nhân vật.
Trong cuộc sống, con người thường gắn với một không gian nhất định. Thông thường , mỗi nhà văn khi sáng tạo ra đứa con tinh thần thường hướng về không gian họ lớn lên. Nếu không gian phố phường chiếm phần lớn trong các tác phẩm của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài…Không gian sông nước mênh mông trong Cánh đông bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, thì nhà văn Tống Ngọc Hân lại đưa chúng ta về không gian núi rừng ở vùng miền núi phía Bắc của tổ quốc Việt Nam, nơi có không gian căn buồng, bếp lửa với bao tâm sự của cuộc đời.
Không gian căn buồng trong sáng tác của Tống Ngọc Hân đã đem đến cho người phụ nữ những giây phút có được niềm vui, hạnh phúc. Người đàn bà trong truyện Người săn côn trùng đã tìm được mái ấm gia đình, sự quan tâm của người đàn ông. “Được ba đêm ngủ chung, cụ già giở chứng, kêu chật chội, đuổi bà gom phế liệu sang giường khác mà ngủ. Giường khác là giường nào ngoài cái giường của ông chủ lúc nào cũng phảng phất hơi rượu? Chủ và khách cứ đùn đẩy, nhường nhau chỗ nằm, đến khi cả hai nóng người lên thì mới phát hiện ra là cái giường rất rộng, hai người nằm cũng chả hết, có lúc còn không dùng đến chăn ấy chứ. Thế là ông được vợ.” [5, 143-144]. Nhìn ông bà sống hạnh phúc “cụ già lại hí hửng gạ ông bà đẻ con mà nuôi cho vui cửa vui nhà. Ông bà bẽn lẽn nhìn nhau như vợ chồng mới cưới [5, 144]. Không gian căn buồng cũng để cho nhân vật Em trong truyện Hòn non bộ tìm được cảm giác đầm ấm “Tôi đợi mãi, đợi đến sốt ruột mới thấy em đứng ở cửa phòng ngủ của tôi và lý nhí chào về…. Thế mà, tôi chẳng kiềm chế được, tôi tung chăn, bước xuống đất, chạy đến và ôm chặt lấy em. Em không gỡ tay tôi ra, mà vòng tay xiết lưng tôi thật chặt. Tôi và em cứ ôm chặt lấy nhau ngay trong phòng ngủ của tôi, cách cái giường của tôi chỉ trong gang tấc. Đã có lúc lưng em dường như quay về phía ấy mà tôi chỉ cần đẩy nhẹ là em ngã xuống, mà tôi lại không dám. Khi những giọt nước mắt của em đẫm ướt vai tôi” [5, 87]. Đây cũng là lần đầu tiên nhân vật tôi gọi tên người con gái, gọi
tên một loài hoa chỉ nở vào mùa thu. Và cũng là lần đầu tiên, kể cả trong giấc mơ, người con trai thấy cô gái cười. Đôi vết chân chim trên khoé mắt khiến nụ cười như đọng nước.
Không gian căn buồng trong sáng tác của Tống Ngọc Hân vừa là không gian của hạnh phúc nhưng cũng vừa là nơi từ chối hạnh phúc của người phụ nữ. Trong Mưa và Tuyết Mẩy vừa hạnh phúc với thiên chức của người mẹ nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì những cơn ghen tuông của chồng lại đổ lên đầu cô cũng trong căn buồng ấy “Vừa được ba hôm, Pú đã sấn sổ chui vào buồng xem mặt thằng bé… Pú không nhớ lúc say đã làm gì. Khi tỉnh, Pú thấy mặt vợ bầm dập, ngơ ngác một mình trong xó giường, mũi và mồm sưng vều, rỉ máu” [2, 115]. Không gian căn buồng cũng làm cho Phúc trong Nước mắt đêm vượt cạn trở thành người phụ nữ mất đi sức sống của tuổi thanh xuân
“Trong buồng, Phúc đang dọn dẹp quần áo, khăn khố mà mấy đứa em chồng
tống hết cả vào. Phúc hay nói, hay cười hơn Sỉnh và đặc biệt là Phúc rất ít khi khóc. Có lẽ nước mắt chảy ngược vào trong, xói mòn vẻ thanh xuân của cô nên đôi ngực đã sệ xuống như hình hai giọt nước đã lăn suốt một chặng đường dài không còn đủ để căng mọng. Có lẽ nước mắt mặn quá nên tấm thân cô khô khát hao gầy, da dẻ bắt đầu sạm lại” [3, 209].
Đến với câu chuyện Tháng chạp qua cửa ta thấy tiếng sét ái tình làm cho
người con gái ba mươi tuổi trở thành đàn bà sau một đêm chỉ có hai người trong căn phòng tập thể nhỏ trên núi. Rồi người con gái ấy lại cô đơn, bẽ bàng nơi căn phòng với “Mảnh tường dán đầy ảnh các tài tử xi nê và vũ công” [2, 184], khi anh ta đến chào chị thay cho người đàn bà ở cách nhau một bức tường để trở về phố. Không gian căn buồng lại một lần nữa xuất hiện trong truyện ngắn Lá thuốc cái rét dưới không độ C không ngừng xoáy sâu vào da thịt, cào cấu, làm tê liệt các đầu ngón chân, ngón tay. Cái rét ngưng bầm môi, xé nụ cười tứa máu. Cái rét dập dội, ù tai lữ khách trên đường. Cây cối, chồi lộc chết lặng trong nỗi kinh hoàng vì băng tuyết phủ kín… Ngồi trong buồng kín, bật lò sưởi, hơi ấm nhân tạo chẳng đủ xua đi những nỗi ám ảnh vật vờ ngay bên ngoài cánh cửa. Ngoài kia là những mưu sinh đang run bần bật,
chống chọi, vượt lên. Và cũng từ căn buồng kín này cô đã nhớ về những tiết giảng văn làm cho nhiều học sinh đã khóc, cô chỉ biết say sưa giảng về lòng tốt. Cô chỉ biết khóc khi xót thương.
Không gian căn buồng cũng là nỗi ám ảnh, vất vả của người con dâu út trong truyện Đêm không bóng tối. Chị đón mẹ về sau sự từ chối của ba gia đình con trai mẹ, vì mẹ đang bị căn bệnh hoang tưởng. Cũng trong căn buồng ấy, chị buộc phải rời xa đứa con “ Suốt tám năm chưa một đêm xa mẹ, nay phải nhường mẹ cho bà nội, con gái nàng khóc dấm dứt đến sáng làm tim nàng như muốn vỡ” để ngủ với mẹ “ Mẹ lao vào phòng của hai mẹ con nàng, mẹ bảo ngoài kia sợ lắm, mẹ muốn ngủ với nàng. Nàng lấy thêm gối để mẹ nằm xuống cạnh hai mẹ con trên chiếu trải sát đất nhưng mẹ không nghe, dứt khoát đuổi con bé ra ngoài ngủ… Mẹ nằm nghiêng ôm chặt nàng và ngủ ngon lạ lùng, giấc ngủ sau bao đêm nhọc nhằn đập phá, gào thét. Nàng không dám cựa mình, cũng không dám gỡ tay mẹ ra. Ánh sáng trừng trừng nhìn vào mắt nàng và soi rọi lòng dạ nàng, khiến nàng chỉ biết nằm im” [3, 13].
Viết về đề tài miền núi, Tống Ngọc Hân coi không gian thiên nhiên như một sinh thể sống, nó có thể chia sẻ vui buồn và tác động đến con người. Không gian thiên nhiên trong truyện Anh là tất cả hiện lên thật thơ mộng “Mùa xuân. Tôi lang thang mê mải khắp các khu vườn rực rỡ màu hoa. Hoa lê, hoa mận, hoa đào, lay ơn, hồng, phăng và cẩm chướng…”[2, 18]. Thiên nhiên trong truyện Tháng chạp qua cửa lại mang vẻ đẹp tiềm ẩn của người con gái “ Thì ra tháng chạp cũng còn tình nghĩa nên cho hoa nở ràn rạt lưng núi, loài hoa không ai bán, chẳng ai bỏ tiền ra mua… loài hoa dại cứ nở bời bời trong gió để làm nên sự lãng mạn trong tâm hồn chị”[2, 185]. Không gian thiên nhiên còn làm giá đỡ tâm trạng, làm phiên bản của tâm trạng, trở thành một ẩn dụ của ngôn ngữ với chức năng tạo hình. Trong nhiều tác phẩm, hình ảnh đêm đông lạnh buốt của vùng cao hiện ra như một sự báo hiệu nỗi cô đơn của lòng người “ Đêm mùa đông ở Mùa Sán rét thấu xương. Cái tay vừa thò ra khỏi túi áo đã bị giá buốt ngoạm lấy, tháo từng đốt xương rời nhau ra mà không chảy máu. Thời tiết này mà đi ra ngoài đường thì ngang giời đày” [8,
52]. Cái lạnh ở khắp các bản làng, qua ngòi bút của nhà văn đã phản ánh nhiều góc độ của cuộc sống và tâm hồn sâu thẳm của người vùng cao. Nhưng cái lạnh tưởng cắt da cắt thịt ấy lại được xua đi, sưởi ấm bằng ngọn lửa của bếp hồng. Người miền núi coi bếp lửa là linh hồn của gia đình và chính người phụ nữ là người giữ cho ngọn lửa ấy được cháy mãi, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lúc vui hay lúc buồn người phụ nữ ấy vẫn ngồi bên bếp lửa. Trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân cuộc sống của người phụ nữ còn gắn với không gian bếp và những vật dụng nhà bếp quen thuộc, cũ kĩ. Vì thế, không gian bếp cũng là nơi gắn chặt với những cuộc sống nhọc nhằn, vất vả của bao người phụ nữ. Người Mẹ trong truyện Lửa cười lửa khóc là người đảm đương mọi việc để duy trì hơi ấm của bếp lửa. Trước khi ra khỏi nhà mẹ đều chuẩn bị củi lửa để Chựa ngồi. Mẹ quẩn quanh trong bếp lo bữa ăn cho Chựa, tỉ mỉ đun nước lá thuốc cho cả nhà tắm, không phút giây nào mẹ được nghỉ ngơi. Bữa cơm gia đình khi có khách chỉ có đàn ông được ngồi trên nhà tiếp khách “còn tất cả đàn bà, trẻ con trong nhà thì ngồi ngay ngoài bếp nấu nướng, nơi sặc mùi măng chua bốc ra từ những vại sành bịt không kín và tiếng nước chảy máng lần vào chum lóc bóc suốt ngày” [4, 86]. Không gian căn bếp cũng là nơi Sa trong Con trai người Xá Phó, vượt cạn với bốn đứa con trong tay “Khi Chỉn và bà về đến bếp thì hai người đã thấy Sa vén váy lên bụng, ngồi xổm trên ổ rơm, mồ hôi nhớp nháp, tóc tai rũ rượi. Sa cắn chặt răng để nén cơn đau. Bà đỡ nhanh nhẹn cầm mảnh chăn sơ sinh nhỏ hứng ở dưới. Sa ngồi mà rặn. Nếu đàn bà Dao ở bản bên đứng mà sinh con và khóc bạn với con thì phụ nữ dân tộc Chỉn lại có tục sinh ngồi và không khóc khi trở dạ vì sợ kinh động đến con ma rừng” [7, 78].
Viết về chủ đề miền núi văn xuôi của Tống Ngọc Hân bên cạnh việc đưa không gian văn hóa vùng cao đến với bạn đọc thì không gian của cuộc sống con người cũng khiến cho chúng ta hiểu hơn về nét sống vùng cao. Qua ngòi bút của nhà văn, không gian căn buồng, bếp lửa tưởng như vô tri, vô giác, tĩnh lặng nhưng lại cất giữ biết bao số phận, buồn, vui, sướng, khổ của người phụ nữ.