2.3. Các kiểu nhân vật nữ trong sáng tác của Tống Ngọc Hân
2.3.3. Bi kịch trong tình yêu, hôn nhân và bi kịch cá nhân
Chọn đề tài về gia đình với những mẩu chuyện về những yêu thương, về sự xung đột, về sự thứ tha, lạt lòng, cả những bi kịch mà ta ít nhiều đã nghe qua đâu đó trong cuộc sống. Để xây dựng cho mình một loạt những hình ảnh phụ nữ có số phận bi kịch dường như Tống Ngọc Hân cũng đã lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, để viết lên những trang văn của mình một cách chân thực.
Người phụ nữ trong văn xuôi của chị dám từ bỏ niềm vui của mình vì hạnh phúc của người khác để rồi họ lại nhận về mình những thiệt thòi về bản thân. Người vợ chịu mang tiếng vô sinh bao nhiêu năm trong truyện ngắn
Đường mưa, giờ chị đành cắn răng nhìn cảnh chồng qua lại với người phụ nữ khác để kiếm một đứa con. “Thật thế sao? Nó chửa thật rồi sao? Người ta đồn đại thế mà hóa thật sao? Đời khốn nạn. Lão Phính nhà mụ thật khốn nạn, mấy mươi năm không làm cho mụ chửa được mà mới thì thụt với nó hôm nào giờ đã chửa. Chân tay mụ rã rời, nước mắt mụ ứa ra. Nỗi hờn tủi cứ dâng lên, dâng lên…” [5, 36]. Thật trớ trêu, hoá ra sự thật đứa con ấy không phải của lão Phính, bởi lão phính nhà chị đã mắc căn bệnh vô sinh từ lâu rồi: “Lão Phính nhà mụ bị vô sinh. Cái kết luận ấy làm mụ ngã ngồi xuống ghế, mắt hoa lên như trúng gió độc. Thế là hết hi vọng. Mấy chục năm mụ cam chịu cái
tai tiếng nghiệt ngã. Gái độc không con” [5, 43]. Nhưng người vợ ấy vẫn dang tay đón nhận đứa trẻ sơ sinh ấy về làm con “Mụ mở cửa, lách vào. Sản phụ nằm nghiêng, úp mặt vào tường, lí nhí. “ Đằng nào em cũng không có sữa, anh chị mang cháu về mà bầu bạn”. Mụ bế đứa trẻ sát vào lòng mình, cho nó nhận hơi ấm từ mụ. Nhìn con bé, mụ thấy cay cay sống mũi” [5, 45-46]. Đúng là sự hi sinh của người phụ nữ là thầm lặng, là cao cả. Để trả ơn cho người đàn bà lỡ thì, người cha trong truyện ngắn Dạ khúc đã có một đứa con riêng. Thằng bé được sáu tuổi, ông đã đưa nó về tạ tội với vợ và họ hàng. Người vợ ông vẫn vui mừng “ Mẹ tôi sốt sắng may quần áo cho thằng út, cũng là tiền bán những thúng thóc cuối cùng. Đúng là tấm lòng người mẹ không có gì có thể so sánh” [2, 59].
Viết về số phận người phụ nữ trong gia đình Tống Ngọc Hân thường phản ánh các vấn đề như bạo lực gia đình, thói hư tật xấu của con người. Ở đó, những người vợ, những đứa con đã trở thành nạn nhân của nhiều trận đòn ghen tuông vô lí mà nạn nhân gây ra cho người phụ nữ chính là những ông chồng, những người cha trong gia đình. Vì ghen tuông mà Mẩy trong truyện
Máu và tuyết phải hứng chịu bao trận đòn roi của Pú “ đi bán hàng, Pú ghen với khách. Đi rừng Pú ghen với người đi rừng. Kèm theo cơn ghen là trận đòn giống như đòn thú” [4, 111]. Từ ngày làm vợ Pú “Mẩy như con cá mắc cạn” [4, 106]. Để có tiền sinh sống Mẩy đã theo chị gái chồng lên phố bán hàng. Những lần như vậy “Pú đón đường đánh Mẩy, khách mà bênh vực, Pú đánh cả khách” [4, 106]. Mẩy sinh đứa con đầu lòng, không như những người bố trẻ khác đầy tháng con mới dám bế “vừa được ba hôm Pú đã sấn sổ chui vào buồng đòi xem mặt thằng bé. Trời đất, tay chân Pú đã rụng rời. Cái khuôn mặt kia, cái nốt ruồi trên cằm kia là của Kha” [4, 110]. Trong lúc say Pú không nhớ đã làm gì nhưng “khi tỉnh, Pú thấy mặt vợ bầm dập, mũi và mồm sưng vếu, rỉ máu. Thằng bé vừa khóc vừa giật mình thon thót” [4, 110]. Vẫn những trận đòn roi đến với Mẩy buộc cô đã phải cho đứa con mình dứt ruột đẻ ra cho người khác. Khi Mẩy mang thai lần thứ hai “Đủ tháng, đủ ngày, Mẩy sinh một thằng bé kháu khỉnh, bụ bẫm. Cũng như lần trước được ba hôm, Pú đòi
xem mặt con. Lạ chưa, vẫn cái nốt ruồi đen nhánh của thằng Kha trên cằm thằng bé” [4, 111]. Rồi cũng từ đó Mẩy ôm thằng bé đỏ hỏn, run cầm cập chờ những trận đòn cuồng ghen của chồng. Cũng bởi những cơn ghen tuông hành hạ về mặt thể xác mà chị trong truyện Tháng chạp qua cửa đã phải chịu bao trận đòn của chồng. Đêm tân hôn chị đau đớn khi phải đối mặt với câu hỏi của chồng “Với thằng chó đó được mấy lần rồi, nó làm thế nào mà cô không quên nó được hả” [2, 189]. Ngày xuân có hội Gầu Tào, chị muốn đi hội với chồng nhưng “Ném vào khuôn mặt hạnh phúc, hởn hở của chị là một vốc nước lạnh” [2, 188] rồi chị lủi thủi vào nhà và nhận được câu nói của chồng “Mà thôi cô đi đi, đi mà chia tay mọi người rồi nghỉ luôn. Nhà này không cần vài đồng tiền lương của cô đâu” [2, 188]. Chị đã mất rất nhiều nước mắt vì anh “Chị thường xuyên phải tìm cơ hội để khóc. Đó là đám tang bố chồng chị, đám tang người đồng nghiệp cũ bị lũ cuốn trôi, đám tang đứa trẻ hàng xóm bị chết vì ma túy” [2, 188]. Chỉ có những đám tang chị gửi nước mắt vào đó thì mới thấy tâm hồn nhẹ nhõm.
Trong Chuyện kể về đêm người phụ nữ lại lâm vào bi kịch khác. Chị Tế bị què quặt bẩm sinh từ bé đã bị chính người cha ruột như dã thú thực hiện hành vi loạn luân của mình “Con đĩ mẹ mày bỏ ông đi, mày phải thay mẹ mày chiều ông chứ. Tiếng chị Tế van xin lẫn vào tiếng gằn gọc: Mày muốn chết thì tao hóa kiếp cho, nhưng bây giờ tao chưa cho mày chết. Mày mắn như con mẹ mày ấy, cứ đẻ đi rồi tao bán tuốt” [1, 25].
Nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong Nước mắt đêm vượt cạn là cuộc đời làm vợ của Sỉnh con dâu thứ hai của Phàn Quáng “Những đêm Phủ Phong ở nhà, nước mắt khẽ rỉ ra thấm vào chân tóc, Phủ Phong nằm trên bụng cô, mắt nhắm nghiền, vừa hành hạ cô, vừa gọi tên một đứa con gái khác trong sự tưởng tượng ma quái tàn nhẫn. Những đêm Phủ Phong đi gặp nhân tình, nước mắt Sỉnh ào ạt chảy, tóc bết lại, quánh như bóng đêm”[3, 207]. Còn Phúc về làm chị dâu cả trong gia đình họ Phàn mới mười ba tuổi. Bao nhiêu năm Phúc làm dâu là từng ấy năm cô ngậm đắng, nuốt cay nhìn chồng đi chơi với những người con gái khác “Dù Phúc không bị tát bị đấm nhưng lại bị đôi mắt sắc
như dao của Phủ Minh lột da, róc thịt. Cái giọng nói nhọn như kim chọc thẳng vào quả tim trong ngực, sau đó cái thân hình cao to ấy đè lên, ép máu tim phải chảy ra ngoài”[3, 210]. Cũng tại cái nghèo mà Phúc và Sỉnh phải vào làm dâu nhà họ Phàn “Những vết sẹo trên da thịt Sỉnh người ta nhìn thấy, Phủ Phong nhìn thấy mỗi ngày, còn vết sẹo trong tim cô Phủ Minh đâu có thấy nên cứ mặc sức đâm chọc” [3, 210]. Cách đối xử thô bạo, vô tâm, lơ là, chểnh mảng của Phủ Minh và Phủ Phong đã vô tình đẩy hai người chị dâu về phía Phủ Siểu người con trai thứ ba của họ Phàn, từ đây lại kéo theo người phụ nữ thứ ba về làm dâu nhà họ Phàn đau khổ. Trong đêm tân hôn với Phủ Siểu, “Tiếng khóc dấm dứt của đứa dâu mới giữa đêm khuya vắng làm Phàn Quáng bực mình, rũ chăn bỏ ra hè ngồi. Khóc gì mà khóc, ngủ với chồng mà khóc à? Mà cái thằng Phủ Siểu cũng lạ, từng ấy tuổi rồi mà vẫn vụng về… Trí nhớ chẳng còn hoàn hảo của Phàn Quáng cứ lục đi lục lại. Phải rồi, ngày xưa mẹ bọn chúng cũng khóc, mà đem đi cho người khác ăn thì còn khóc to hơn. Trong nhà, sau khi bà nội Phủ Siểu rặn ra ba tiếng ho cụt lủn thì Chảo Mẩy biết điều nín lặng. Phúc và Sỉnh dưới bếp, nằm cạnh chồng mà cay đắng, cơn cớ gì đó cuộn lên trong lồng ngực, chui lên cổ họng, chẹn ngang. Như là ghen tị, như là hờn giận. Nếu Phủ Siểu chưa lấy Chảo Mẩy thì đâu có cảnh này. Cả ba cô con dâu đều khóc trong đêm tân hôn của Phủ Siểu” [3, 212].
Người phụ nữ với cuộc đời làm dâu, làm vợ, làm con là những mảnh đời chịu nhiều đắng cay, cơ cực. Sự bất hạnh của người phụ nữ trong tình yêu hôn nhân được Tống Ngọc Hân trải lên trang viết với tình cảm yêu mến, xót xa và thương cảm cho những nỗi khổ tâm của người phụ nữ. Bi kịch của người mẹ trong truyện Bến trăm năm là những chuỗi ngày bị mẹ chồng cay nghiệt không chập nhận một nàng dâu nghèo, lại mang thai trước khi cưới “Có khéo thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ, nó thiếu gì thằng ngòm ngó? Đưa nó đến bệnh viện, nạo đi” [4, 17]. Trong ngày cưới “ Ngày cưới mẹ mặc chiếc áo sơ mi trắng may từ năm sinh viên thứ nhất mà bố con cắt xén từ những bữa ăn cơm sinh viên một nghìn để mua tặng mẹ.... quần cưới của mẹ là chiếc quần mẹ vẫn mặc đi chợ bán rau mỗi buổi sáng... chưa bao giờ mẹ biết đến những thứ xa xỉ
như son phấn, gương lược, kem sáp hay nước hoa, túi xách. Ngày cưới, mẹ vẫn đi đôi dép xuồng tàu bị đứt một nhánh quai nhỏ mà mẹ khéo léo dùng mũi liềm nung đỏ để hàn lại” [4, 19]. Còn ông, bà nội diện đúng bộ mặt đi đưa tang để đón con dâu, mọi người đến chúc mừng ông bà lên chức ông bà nội, bà nội bảo rằng “ vui vẻ gì mà chúc tụng” [4, 20]. Cái đêm đầu tiên về nhà chồng “ trong kí ức mẹ là bóng đêm của căn buồng cũ kỹ, mọt rượp và tối đen vì không được lắp bóng điện. chiếc giường cũ ọp ẹp, cái màn đen kịt.. bị thủng cả mấy chục lỗ. Đêm đầu tiên đi làm dâu, mẹ ôm con trong cái giá rét của mùa đông, hun hút gió thổi qua cánh cửa sổ… muỗi vo ve hàng đàn trong màn” [4, 20]. Ngày về nhà chồng, không ai đón mẹ cả, mẹ ôm con ngồi sau xe đạp của bố trên đoạn đường đê dài bốn mươi cây số lộng gió, chỉ có mình bố con đi đón mẹ, rồi cũng chỉ có mình con đón mẹ về. Hồi con còn bé tý, bà nội đã giằng con khỏi tay mẹ và bảo “Con hòn máu, cháu hòn mủ, cháu tao tao bắt về, mày theo về thì có mẹ có con, có vợ có chồng, chứ bướng bỉnh chỉ thiệt thân. Con trai tao, tao đón về quê. Về quê nó vẫn là trai tân, nó cưới đâu chẳng được gái mười tám” [4, 21- 22]. Mẹ đau đến tận xương tủy khi chứng kiến cảnh bà dí tay vào trán để chửi con“ Con khốn nạn, mày là cái loại nghiệp chướng”. Lí do lớn nhất mà bà không đồng ý gả bố con cho mẹ đó là “Mẹ đã nghèo lại hoàn cảnh mồ côi bố từ lúc lên hai, bà ngoại con thì đau yếu liên miên. Hoàn cảnh đã hèn kém, nhan sắc cũng không có mà đòi quyến rũ và lấy ông trưởng họ tương lai, đứa con bà kì vọng nhiều nhất, thì sao bà có thể chấp nhận”[4, 23].
Trong cuộc sống của con người, trải qua bao nỗi bộn bề, lo toan, trăn trở. Người phụ nữ luôn là người nhận lấy tất cả mọi sự vất vả, thiệt thòi về mình để đổi lấy niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình. Là người chứng kiến, với cái nhìn nhân văn, đầy đồng cảm sẻ chia, Tống Ngọc Hân đã đưa bạn đọc đến những trang văn thấm đẫm nước mắt của người phụ nữ trong văn xuôi của chị.