3.2. Không gian và thời gian nghệ thuật
3.2.2. Thời gian nghệ thuật
Cũng theo cuốn Dẫn luận thi pháp học nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh chậm, với chiều dài và hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp chờ đợi, hoặc thanh thản vô tư hoặc đắm chìm vào quá khứ” [60, 62].
Thời gian nghệ thuật trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân thường được biểu hiện một cách rất đa dạng và linh hoạt qua đó thể hiện quan điểm của nhà văn về con người và cuộc sống. Đó là thời gian của thiên nhiên, vũ trụ với những buổi chiều, đêm vắng, những phiên chợ… tất cả đều nếm trải qua sự mất mát của người phụ nữ. Đó cũng là thời gian của tâm trạng với những mảng kí ức chắp nối rời rạc. Điều đó làm cho ý thức về thân phận con người như dai dẳng hơn, đau đớn hơn.
Cuộc sống của con người trải dài theo bước đi của thời gian, cũng bởi vậy mà những buổi chiều, đêm vắng, những phiên chợ vừa là sự chuyển mình của thời gian vừa là nơi con người gửi gắm nỗi niềm, khát vọng. Cảm nhận được thổn thức của người phụ nữ theo chiều dài thời gian, Tống Ngọc Hân đã để cho nhân vật của mình giãi bày nỗi cô đơn khi Chị trong truyện
Tháng chạp qua cửa đã quen anh vào tháng chạp của một mùa đông “Cuộc tình đẹp đẽ và ngắn ngủi chỉ trong tháng chạp lạnh giá. Chị đã đưa anh đi chơi hết tất cả mọi nơi, mọi chốn giá rét. Tiếng sét ái tình tháng chạp làm cho người con gái ba mươi tuổi trở thành đàn bà sau một đêm chỉ có hai người trong căn phòng tập thể nhỏ trên núi. Bao than đá vơi đi một nửa, còn chị lại thấy mình trống rỗng chẳng còn gì… và anh không còn lên núi, anh không còn ở lại Sa Pa” [2, 182]. Những buồn tủi trong tình yêu khiến chị tưởng chừng tháng chạp đang bò qua cửa, qua mấy căn nhà trống “ Tháng chạp của người ta thì ấm cúng, còn tháng chạp của mình thì tê tái vì rét, mà
lại là cái rét từ trong kí ức” [2, 182]. Mặc dù chị không muốn tháng chạp, thì tháng chạp vẫn “ngồi chễm chệ trên chiếc ghế băng nhỏ chị hay ngồi chải tóc và nhặt tuổi thanh xuân rơi giắt vào bẹ chuối. Tháng chạp soi móc giường của chị nằm lõm một góc đệm rẻ tiền phía giáp tường. Soi mói bàn làm việc của chị đơn giản , sơ sài… tháng chạp nhắc chị có một tháng chạp, chị khăng khăng, thành cố nhân rồi. Tháng chạp không vào nhà bằng cửa chính mà bằng tất cả các lỗ thủng ngóc nghách” [2, 183]. Người đàn ông của chị lại xuất hiện trong tháng chạp, chị đau khổ vì anh, nỗi đau như thấm vào cuộc đời của chị “ tháng chạp khiến chị buồn nhất trong năm, nơi mà nỗi đau ngự trị sâu nhất và dai dẳng nhất” [2, 186].
Thời gian đêm tối cũng xuất hiện nhiều trong sáng tác của Tống Ngọc Hân. Đêm tối xuất hiện trong truyện Lá thuốc là cái rét ập đến vào đúng dịp tết. Những cái tết trên đường phố, trên dặm dài xuôi ngược. Ông trời vẫn không ngừng phun ra thứ khí lạnh quái đản. Suốt hơn bốn mươi ngày rồi…Khách đông quá. Họ xuýt xoa ngắm nhìn băng giá, ngắm nhìn những tê tái nơi thân thể cộng đồng. Thu tất cả vào ống kính, hai ngày, ba ngày, đầy ắp, họ lại đi. Lại đoàn khách khác đến. Lái thương được dịp tăng giá những dụng cụ sưởi ấm, từ lò sưởi, chăn đệm đến quần áo rét. Trong cái rét ấy Chị lại nhớ đến hơi ấm của một bàn tay, của một cái nắm tay và cái thời gian trong phòng tắm lá thuốc. Cô nôn nao say và cồn cào nuối tiếc. Giá như đây không phải là bồn tắm lá thuốc. Giá nơi này là bến sông trăng hay một bờ biển vắng. Cô sẽ cùng anh ngâm nước đến hết đêm, đến tận khi mặt trời mọc…
Thời gian đêm tối đã đến với Nàng trong Đêm không bóng tối “Những đêm không ngủ, nàng lang thang trên những con đường yên tĩnh nhỏ trong thị trấn. Nàng xòe tay ôm bóng đêm vào lòng trong nỗi thổn thức nuối tiếc. Bóng đêm ngọt ngào và ấm áp. Có đêm nàng gặp một bà cụ mù khua gậy bước đi, nàng chợt chạnh lòng, cả một đời người không biết đến ánh sáng, cả đời làm bạn với bóng đêm, họ vẫn bình thản thế, nàng đang rất hạnh phúc, nàng hạnh phúc hơn họ gấp ngàn lần, còn buồn làm gì nữa...”[3, 16]. Đêm tối cũng là nỗi ám ảnh của bà mẹ trẻ Phẩy trong Dải vải chàm bịt mắt “như con Phấy nhà
bên cạnh kia, cũng mười lăm tuổi lấy chồng. Đêm, con thơ khóc, thằng chồng đang tuổi ăn tuổi ngủ bực mình, đạp cho mấy phát. Hai mẹ con lăn xuống đất. Đạp một lần quen ngay. Bây giờ, ngay cả ban ngày, hễ con khóc là mẹ ăn đòn. Ai bảo không biết dỗ con? Có dạo, nó làm thế nào mà con Phấy ngã, sảy cái thai ba tháng. Giờ thì không phải lo kế hoạch gì nữa. Cứ chửa là sảy, người xanh như dải rêu suối”[7, 88].
Với truyện Nước mắt đêm vượt cạn vợ Phản Quáng mười tuổi đã đi làm dâu chưa biết gì là quen với lạ “thế rồi cái cảnh tra tấn không bằng dao ấy hằng đêm cứ lặp đi, lặp lại rồi cũng thành quen, như thế gọi là ngủ với chồng”[3, 211]. Cái đêm làm dâu của cô gái mười ba tuổi Chảo Mẩy cũng khóc dấm dứt trong đêm khuya vắng. còn hai chị dâu “Phúc và Sỉnh dưới bếp, nằm cạnh chồng mà cay đắng, cơn cớ gì đó cuộn lên trong lồng ngực, chui lên cổ họng, chẹn ngang. Như là ghen tỵ, như là hờn giận. Nếu Phủ Siểu chưa lấy Chảo Mẩy thì đâu có cảnh này. Cả ba cô con dâu đều khóc trong đêm tân hôn của Phủ Siểu” [3, 213].
Thời gian tâm trạng nó như một dòng chảy trong sự hồi tưởng của nhân vật. Thời gian tâm trạng nó thường bắt đầu từ một thời điểm nào đó của cuộc đời con người rồi từ đó mở ra thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Cuộc đời đầy mất mát, khổ đau của Nga trong Hoa bìm bìm trong mưa, đã dần hiện lên qua dòng hồi tưởng của nhân vật. Nga đã trải qua hai lần làm vợ “Hai lần làm vợ hai người đàn ông vô sinh là nhiều hay ít? Nga tự an ủi, tự hỏi và tự trả lời” [3,127]. Hai đời chồng, đủ làm cho cô sợ, nhưng nỗi khát khao có một đứa con cứ hiển hiện trong Nga từng ngày, từng giờ. Rồi Nga mơ đến cuộc hôn nhân thứ ba bởi cô nghĩ “mười lăm năm đi làm dâu mà không có tiếng ru hời chia sẻ bầu bạn khiến cô có cảm giác mình đã chết đi một nửa” [3, 129]. Bước vào cuộc hôn nhân thứ ba “Nga đẹp đến lạ lùng trong tình yêu mới. Đến nỗi, dù đã ly hôn, những người chồng cũ vẫn rình rập lượn quanh dọa nạt” [3, 131]. Ngày hai người chính thức đến với nhau “ Nga hãnh diện đi giữa đồng lúa trổ bông, tự hào ngẩng cao đầu trước mọi đàm tiếu đang dần lắng xuống. Mình có con anh nhé…. Một lần, trong lúc say sưa với bạn bè, anh đã buột
miệng nói, anh không muốn có con với cô... [3, 131-132]. Nghe đến đây con tim cô dậy cơn đau đớn, cô phải tìm cách đặt anh vào sự việc đã rồi. “Vào một cơn say, như phú ông không thể giữ mưa cho trời, anh đã gieo vào lòng cô một mầm sống. Nga đã khóc sưng mắt vì hạnh phúc. Hai tháng sau, cô không thể che giấu anh sự thật. Anh tức giận và lạnh lùng ra lệnh. Em bỏ đi, anh không muốn có nó, anh đã hứa với các con, sao em tự ý mang thai?” [3, 132]. Hồi tưởng lại quá khứ, đối diện với hiện tại phũ phàng làm cho Nga đau đớn, nuối tiếc, thất vọng “ Nga không sinh con để trói buộc anh hay để anh chia một phần tài sản sau này sẽ thuộc về các con anh. Nga chỉ cần đứa con được sinh ra trong tình yêu và để cô được làm mẹ” [3, 132-133].
Thời gian nghệ thuật trong các sáng tác của Tống Ngọc Hân có khi được đo bằng ngày tháng cụ thể, cũng có khi được khắc họa qua hồi ức của nhân vật. Dù được diễn tả như thế nào thì khoảng thời gian ấy cũng được cảm nhận qua sự nếm trải khổ đau, vui buồn được mất của người phụ nữ. Những lo toan, vất vả, những khát vọng về hạnh phúc, tự do của nhà văn đều được gửi gắm vào mỗi bước đi của thời gian.