Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 72 - 76)

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Ngoại hình là một trong những yếu tố đầu tiên giúp bạn đọc tiếp cận với thế giới nhân vật của tác phẩm: “ Ngoại hình là khái niệm để chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… Tóm lại, là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật” [57, 134]. Nhà văn có thể khắc họa ngoại hình nhân vật thông qua ngôn ngữ người kể chuyện hoặc gián tiếp khắc họa qua ngôn ngữ hoặc cái nhìn của nhân vật khác trong tác phẩm. Điều đó làm đa dạng phong phú cách thức miêu tả ngoại hình nhân vật của nhà văn trong tác phẩm văn học.

Khi tìm hiểu văn xuôi của Tống Ngọc Hân, ta thấy chị không miêu tả một cách tỉ mỉ hình dáng bên ngoài mà chỉ phác họa tái hiện lại bằng một vài nét thoáng qua có tính chất chấm phá. Song những nét chấm phá ấy lại gợi ý nghĩa lớn, nó đạt tới giá trị tạo hình và khả năng tái hiện một cách sinh động tính cách, số phận nhân vật cũng như góp phần nêu bật quan niệm của nhà văn về con người và thế giới. Đặc biệt trong khi miêu tả ngoại hình của nhân

vật, Tống Ngọc Hân đã dùng lối so sánh với hình ảnh thiên nhiên để làm nổi bật vẻ đẹp cũng như sự biến đổi theo năm tháng của người phụ nữ.

Dường như số phận éo le, bất hạnh đã in đậm lên mái tóc, khuôn mặt, hình dáng, đôi bàn tay của người phụ nữ. Ta thấy người vợ của hắn trong truyện Hồn xưa lưu lạc từ một người phụ nữ Dao căng tràn sự sống, với mái “tóc dài, óng mượt, da trắng hồng, mắt to đen buồn buồn, đôi môi tươi đỏ” [4, 60]. Chỉ vì ước mơ làm giàu bằng một nương thảo quả đã đưa gia đình hắn đến món nợ ngân hàng, nhan sắc vợ hắn cũng tàn phai. Cái chậu gỗ là vật kỉ niệm truyền đời từ bà nội đến mẹ chồng rồi đến nàng dâu vợ hắn nhưng vì cái nghèo, cái đói, nợ nàn chồng chất hắn cũng đem bán. Nhìn hành động của ông khách, vợ hắn ngơ ngác ngẩn mặt, đưa tay quyệt nước mắt. Rồi cầm tờ hai trăm nghìn đỏ mà ngón tay vợ hắn “bóp chặt lấy tờ tiền như bóp đầu con rắn độc” [4, 66]. Những ngày tháng vật lộn với cuộc sống mưu sinh đã khiến cho Tôi trong Mầm đắng “như ngọn măng đen bị lột vỏ bằng hai bàn tay khả ố, nhơ nhớp bao lần” [4, 104]. Diu trong truyện Cây xa mộc chết đứng đã từng yêu Châu nhưng bị Châu bỏ rơi vì không vượt qua được định kiến của gia đình, làng bản “Đám cháy rừng cấm bản Huổi Tào bị người dân trong vùng gọi là sự trừng phạt của thần linh. Bởi người Huổi Tào phá rừng khỏe quá. Đám cháy bắt đầu từ đâu, từ lúc nào, Diu không biết. Khi lửa bùng lên lều nương thì Diu mới phát hiện ra và bỏ chạy. Cô băng mình qua biển lửa rừng rực với hi vọng dòng suối sẽ cứu được mình. Diu cũng không thể tin là tại sao mình sống sót. Có lẽ, khi ấy, Diu chết luôn đi, còn hơn là sống. Sống với một khuôn mặt và thân hình nhì nhằng, dúm dó những sẹo. Sống mà người yêu bỏ mình đi lấy người khác thì sống có khác gì chết” [9]. Buồn bã, thất vọng với “khuôn mặt bị ngọn lửa trút giận lên đến tang thương, cô không còn là Diu xinh đẹp rực rỡ như bông chuối rừng. Với đôi bàn tay biến dạng, cô không còn là Diu khéo léo với những chiếc thắt lưng hay ống tay áo thêu tơ xanh mềm như mảng cỏ xuân” [9]. Ta cũng bắt gặp ngoại hình của nhân vật Mai trong truyện ngắn Con rể với vẻ ngoài xinh đẹp, Mai “ đẹp như cái hoa mới hé, e lệ trên vách đá cao chênh vênh, đẹp như trăng vừa nhú, như mặt trời mới

một nửa nhô lên đỉnh núi” [5, 217]. Với vẻ đẹp của Mai, các chàng trai Mông đều coi đó là “vẻ đẹp ma ám”[5, 218]. Tất cả các chàng trai trong bản đều chết mê, chết mệt với vẻ đẹp ấy, nhưng không ai dám lấy cô làm vợ. Bố mẹ Mai sau này mới gả cô cho Hạng Chử “gả Mai cho Hạng Chử cũng bằng, cũng ngang với việc đón thầy về cúng giải hạn mà không mất xôi thịt, lại hời thêm” [3, 229]. Còn mẹ Nức trong Huyết ngọc, cái tên người ta vẫn gọi về “người đàn bà hai con đẹp như ma cà rồng ở bản Thom” [6, 34], lại làm cho nhiều người đàn ông đa tình “có một muốn hai” [6, 34]. Chị trong Tháng chạp qua cửa, những năm gắn bó với vùng cao, duyên phận hẩm hiu cũng làm bề ngoài của chị như “cây măng lỡ lứa” [2,180]. Những chuỗi ngày làm vợ Phủ Phong trong Nước mắt đêm vượt cạn là những ngày mà Phúc phải nhận những trận đòn hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn “ đôi ngực đã xệ xuống như hai giọt nước, đã lăn suốt một chặng đường dài không còn đủ để căng mọng” [3, 209]. Những ngày đứng trên bục giảng ở Sài Cang đã làm cho cô giáo Hoàn yêu nghề dạy học, với dáng “ người mỏng manh, gầy guộc như lá lúa lại hóa dẻo dai” [7, 84]. Học sinh bỏ học “nhác thấy bóng cô là lủi mất” [7, 84] vì sợ cô thấy, cô ghi tên vào sổ chiêu sinh.

Khác với những hình dáng mỏng manh, yếu liễu đào tơ. Người đàn bà trong truyện ngắn Đường mưa lại có hình dáng “to quá cỡ, quá khổ” [4, 48], chưa bao giờ mụ dám leo lên cái cân xem mình nặng cỡ nào. Đám đàn ông trai Kinh nhìn thấy mụ đã sợ. Mãi đến ba mươi mụ mới lấy được lão Phính, một gã trai Mông nghèo, không có tiền lấy vợ. Lão Phính lấy mụ, được luôn nhà cửa, vườn tược. Lấy nhau hơn hai mươi năm, không có con. Mụ mang tiếng là người vô sinh, nhìn chồng đi cặp bồ mà mụ uất nghẹn, nuốt nước mắt vào trong. Cái kết luận “Lão Phính nhà mụ vô sinh” [4, 52] đã làm mụ đau khổ, mấy chục năm nay, mụ đã bị mang tai tiếng, nghiệt ngã “Gái độc con” [4, 52]. Cô Phượng trong truyện Điêu thuyền là cô gái đẹp, ăn mặc đúng mốt, nói năng tinh tế, dễ thương, cô không còn trẻ nhưng cũng chưa già. Chỉ cần ngoại hình hấp dẫn của Phượng là đủ cho cô từ một giáo viên dạy môn địa lý, cô đã leo nhanh đến cái ghế chánh văn phòng của Ban. Phượng được trời phú

cho đặc ân là “người đẹp”, nên rất hấp dẫn những người khác giới, đặc biệt là lãnh đạo các ban nghành.

Trong những chi tiết khắc họa ngoại hình, Tống Ngọc Hân đặc biệt chú ý đến đôi mắt. Đôi mắt Sỉnh trong Nước mắt đêm vượt cạn đã nói lên nỗi lòng cay đắng về những ngày tháng làm vợ, làm dâu “ Phủ Siểu khi say quá, còn cả gan cầm tay chị dâu bóp mạnh một cái. Mắt Sỉnh lóe lên tia sáng hằn học của con thú bị trúng tên độc… Dưới ánh sáng ban ngày, mắt Sỉnh hiền như mắt nai… Sỉnh cắn răng lại, tay nắm chặt như muốn nghiền nát một thứ gì đó và từ hai khóe mắt, duy nhất hai giọt nước mắt chảy ra bò vào hai mái tóc đã xanh um trở lại sau cái ngày bị nhổ cho nhẵn để đội khăn cô dâu trong ngày cưới. Mái tóc của Sỉnh mỗi ngày một xanh, một dày vì hằng đêm được tưới đẫm bằng nước mắt. Những đêm Phủ Phong ở nhà, nước mắt khẽ rỉ ra thấm vào chân tóc, Phủ Phong nằm trên bụng cô, mắt nhắm nghiền, vừa hành hạ cô vừa gọi tên một đứa con gái khác trong sự tưởng tượng ma quái, tàn nhẫn. Những đêm Phủ Phong đi gặp nhân tình, nước mắt Sỉnh ào ạt chảy, tóc bết lại, quánh lại như bóng đêm. Càng khóc nhiều, mắt Sỉnh càng đẹp, càng ướt,

càng buồn, càng ma mị thằng đàn ông mới lớn là Phủ Siểu” [3, 207 - 208].

Nhìn thấy phòng cưới của con gái đi lấy chồng mà đôi mắt người mẹ trong

Bến trăm năm nhòa nước mắt “ trong kí ức của mẹ là bóng đêm của căn phòng cũ kỹ, mọt rượp và tối đen vì không được lắp bóng điện” [3, 20]. Nhìn đoàn xe rước dâu đã đến mà “ Nước mắt mẹ rỉ ra” [3, 21]. Phải chăng hạnh phúc của con, khiến mẹ mừng mà rơi nước mắt. Nỗi đau khổ, vất vả cũng in hằn lên hình dáng, đôi mắt đẫm lệ của người mẹ Viễn trong Mây không bay về trời “ Mẹ mặc chiếc áo màu tím hoa cà, đội chiếc nón lá mới, tay xách chiếc túi nhỏ, đứng quay lưng lại phía bố con anh đang dìu nhau bước từ trên xe xuống. Mẹ muốn giấu đi những giọt nước mắt buồn tủi và hạnh phúc đấy mà. Sau đó bố sẽ buông anh ra, từ từ nắm chặt lấy hai bàn tay gầy khô của mẹ và ấp mặt mình vào đó. Rồi mẹ sẽ gục vào ngực bố, chỉ vài giây thôi để bố hiểu rằng mẹ sẽ tha thứ. Sau đó mẹ chạy đến với anh, nước mắt giàn giụa, mẹ xót xa”[5, 136]. Mẩy trong Máu và Tuyết có vẻ đẹp trời phú “Mẩy lam lũ

nhưng trời cho cô nước da trắng hồng mịn màng mà bọn con gái ăn trắng mặc trơn, nhàn hạ phải ghen tỵ. Mẩy có hàm răng sáng bóng. Mỗi khi cô vui, nắng ở đâu cứ tràn vào lấp lánh nụ cười. Mẩy có đôi mắt nâu ấm áp và hiền dịu. Mỗi khi Pú nhìn vào mắt vợ thì không còn cơn có để hằn học giận giữ”[4, 110]. Đôi mắt của Mằn trong Dải vải chàm bịt mắt cũng thể hiện bi kịch của người phụ nữ đi làm dâu “Khác hẳn với xuân sắc của đất trời, khuôn mặt của Mắn như chiếc lá úa. Mắt thì rười rượi buồn, môi thì nhợt nhạt, luôn mím chặt. Cả ngày quần quật làm việc liền tay vẫn bị mẹ chồng chửi, Mắn không cất lời” [7, 89]. Nụ cười cũng góp thêm cho ngoại hình nhân vật nữ của Tống Ngọc Hân có sức sống. Ta bắt gặp nụ cười của Thoan, một “nụ cười rất lôi cuốn. Ngay cả khi cô tàn tạ nằm đây thì nụ cười ấy vẫn hấp dẫn những gã đàn ông đã đi qua cuộc đời cô” [6, 70].

Nhìn vào thế giới nhân vật nữ của Tống Ngọc Hân, ta dễ nhận thấy đặc trưng riêng của từng nhân vật. Tuy nhiên từ cái riêng đó ta lại bắt gặp được những điểm chung, đó là người phụ nữ với cái nghèo cơ cực, lam lũ, vất vả nhưng giàu tình yêu thương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)