Trong lĩnh vực văn xuôi, hình tượng người phụ nữ đa số là biểu tượng của chân, thiện, mỹ, phản ánh những tư tưởng chủ đạo của một thời kỳ, giai đoạn, trào lưu văn học. Từ sau năm 1986, người phụ nữ đã trở thành hình tượng trung tâm của văn xuôi đương đại, được thể hiện dưới một cái nhìn mới, một quan niệm mới của nhà văn về con người. Trên những trang văn của các tác giả nữ, hình tượng người phụ nữ nhận được sự cộng hưởng đáng kể từ chính chủ thể sáng tạo đồng giới với mình. Họ vừa mang những nét đẹp, phẩm chất truyền thống, vừa có những nét phức tạp, bí ẩn, cần được khám phá.
Về hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Tống Ngọc Hân.
Về người phụ nữ với vẻ đẹp thiên chức nữ trong sáng tác của Tống Ngọc Hân do được đặt trong những môi trường gần gũi, thân thuộc. Vì vậy vẻ đẹp thiên chức nữ có điều kiện bộc lộ mạnh mẽ. Khắc họa hình ảnh người phụ nữ vì gia đình, nhà văn đã xây dựng hình ảnh bà mẹ Nả trong truyện Núi Vỡ, Nả đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho gia đình, cho con. Chờ đợi cũng là tâm thế thường trực của những người phụ nữ khi yêu. Tâm thế này cũng được bắt gặp trong truyện Lá thuốc, với việc khắc họa những nhân vật người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, nhà văn đã muốn tô đậm một thiên chức của phái mình: là người hóa giải sự thù hận, đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong tâm tính mỗi con người, bằng tình yêu, thiên chức nữ bất diệt. Trong cuộc sống gia đình, thiên chức của người phụ nữ qua con mắt của người cùng giới hiện lên đầy đủ, vẹn toàn, Bến trăm năm là một người mẹ chịu đựng hết những lễ giáo phong kiến, những hủ tục để nuôi con ăn học, Dạ khúc là câu chuyện về một người vợ đảm đang, tháo vát, khéo đối nhân xử thế, chu toàn mọi việc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, sẵn sàng vì hạnh phúc lâu dài của người chồng đem đứa con riêng của chồng về nuôi coi như con của mình. Có thể thấy, nhân vật phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn trong sáng tác của Tống Ngọc Hân, bởi người phụ nữ luôn là hiện thân cho những gì cao cả, vĩ đại
nhất của tình người. Ca ngợi vẻ đẹp thiên chức của người phụ nữ cũng là cách thức nhà văn Tống Ngọc Hân thể hiện ý thức về phái tính, khẳng định vai trò to lớn của giới nữ trong cuộc đời.
Theo quan niệm truyền thống, người phụ nữ với đức hy sinh cao cả của mình luôn phải biết quên đi những riêng tư để sống vì người khác, cho người khác, chăm lo vun vén cho hạnh phúc gia đình mình. Đến thời kỳ đương đại của văn học dân tộc, khi ý thức cá nhân lên ngôi, cách nhìn, cách phản ánh về người phụ nữ đã thay đổi. Mẫu hình người phụ nữ mới, hiện đại được kiến tạo trong những trang viết nữ. Bắt nhịp với cuộc sống hiện đại ấy nhà văn Tống Ngọc Hân cũng xây dựng nhân vật nữ của mình không còn thụ động trước số phận cũng như trong đời sống tình cảm, nhân vật những cô gái trẻ trong văn xuôi của chị tỏ ra khá chủ động trong việc tìm kiếm, thể hiện lối sống, tình yêu của mình. Điều này thể hiện ở nhân vật Sỉnh trong Nước mắt đêm vượt cạn, Sênh trong truyện Núi vỡ, Phượng trong Điêu thuyền. Với sự chủ động trong đời sống tình cảm, các nhân vật nữ đã không còn giấu giếm con người thật của mình mà công khai phơi bày những cảm xúc thực, cái tôi cá tính; được sống, dám sống hết mình cho tình yêu mới là thước đo giá trị của sự tồn tại. Ngoài ra, trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân, ta bắt gặp người phụ nữ tha hóa. Đó là cô con gái và cô con dâu của Chựa trong Lửa cười lửa khóc, Phượng trong Điêu thuyền. Nguyên nhân của sự tha hóa là xã hội do sự kém hiểu biết xã hội, do đồng tiền chi phối dẫn đến tha hóa về giá trị đạo đức. Mạnh mẽ, gai góc hơn nữa, nhiều nhân vật nữ dường như còn phớt lờ, khiêu chiến với những chuẩn mực về công, dung, ngôn, hạnh, kiên quyết đấu tranh với định kiến xã hội để được sống thật là chính mình đó là Thoan trong Huyết ngọc. Đề cao những nhu cầu bản năng, khát khao trần thế, thể hiện tự do cá nhân, các nhân vật nữ đã phơi bày một cái tôi tự nhiên với tầng sâu bản thể. Như một cách phản ứng với những khuôn khổ đạo đức nặng nề đã áp vào người phụ nữ hàng nghìn năm nay, cách sống phóng khoáng của các nhân vật nữ đó đòi hỏi một cái nhìn bao dung, chia sẻ, nhân bản, xuất phát từ việc đề cao tất cả những gì thuộc về con người. Để đi kiến tạo về hình tượng nhân vật
phụ nữ với sự thức tỉnh ý thức, khát vọng cá nhân, khẳng định giá trị sống của mình là một cách để nhà văn Tống Ngọc Hân đối thoại lại với những quan niệm cũ về mẫu hình nữ giới xưa vốn bị đóng khung bằng tam tòng, tứ đức. Người phụ nữ với sự phá vỡ mẫu hình truyền thống đã thể hiện sự tự ý thức sâu sắc về vị thế bình đẳng của giới mình.
Về một nửa còn lại của thế giới trong hành trình sáng tác của Tống
Ngọc Hân. Bằng cái nhìn của người trong cuộc, chị đã đem lại những trải
nghiệm, hiểu biết sâu sắc, mới mẻ về người phụ nữ. Nhưng như thế chưa đủ để hoàn thiện thế giới nhân vật trong sáng tác của chị. Một nửa còn lại của thế giới, những người đàn ông, đã được khám phá song hành cùng với người phụ nữ. Qua nhãn quan của chị, hình tượng người đàn ông hiện lên khá đa diện, vừa là chỗ dựa đầy tin yêu của phái nữ, nhưng mặt khác cũng là những nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ, bất hạnh cho họ; vừa mạnh mẽ, tài giỏi, lại chất chứa những nỗi đau của sự cô đơn, bi kịch. Mang nhiều khuôn mặt, nhưng nhìn chung nhân vật người đàn ông thời hiện đại đã có sự khác biệt hoàn toàn so với những mẫu hình người đàn ông truyền thống trong văn học trước đây.
Người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu thì trong mắt họ người đàn ông luôn là chỗ dựa vững chãi trong cuộc đời. Không ít sáng tác của Tống Ngọc Hân đã xây dựng nên hình ảnh những người đàn ông quả cảm, khẳng khái, giàu nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống hiện đại. Đó là nhân vật ông Dừn trong Sình ca cả đời đấu tranh bản sắc văn hóa dân tộc, điệu hát của dân tộc mình, không hề khuất phục trước bất kỳ thế lực nào. Trấn trong Huyết ngọc anh đã dang ta cứu cuộc đời của Thoan tưởng chừng như trượt dài trong tội lỗi của đồng tiền, Trấn đã cho Thoan một lời tỏ tình đặc biệt, và cũng là Trấn đã dựng cho cô căn nhà, mua chiếc máy khâu cũ và dạy cô “cách đạp máy, xỏ kim, đi chợ bán cá, biết đan lát, biết thu vén cuộc sống gia đình” [6, 53]. Ở họ hội tụ những phẩm chất tốt đẹp khiến người phụ nữ luôn tin tưởng họ đó chính là cán bộ Páo trong Âm binh và lá ngón.
Cũng giống như hình tượng người phụ nữ, nhân vật người đàn ông trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân được khắc họa nhiều ở mảng đề tài tình yêu, cuộc sống hôn nhân, gia đình. Cùng với sự song hành về cuộc sống của phái nữ, hai thái cực tốt, xấu, chính diện, phản diện của người đàn ông được bộc lộ rõ. Ở thái cực những người đàn ông chính diện, Tống Ngọc Hân đã xây dựng nhân vật Tôi trong truyện ngắn Lời đêm, một hình tượng người đàn ông si tình, lụy tình, chiều chuộng, cung phụng người phụ nữ của họ hết mực, dẫu những người phụ nữ đó có đỏng đảnh, lạnh lùng, gây nhiều phiền toái hay nỗi day dứt, đau khổ cho họ. Với vai trò là một người chồng, người chồng trong Bến trăm năm đã rất mực thương yêu, vượt qua những lễ giáo phong kiến để chăm sóc chu đáo cho người vợ của mình. Phải chăng, những mẫu hình như thế là ước mơ, khát vọng của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại? Tự ý thức được giá trị, vai trò của giới mình trong cuộc đời, họ đòi hỏi phải được nâng niu, trân trọng bởi một nửa còn lại của thế giới. Hình tượng những người đàn ông si tình, lụy tình, đa cảm, yêu chiều người phụ nữ của mình hết mực cũng là một cách thức thể hiện ý thức phái tính của những người phụ nữ khi cầm bút.
Xây dựng hình tượng người đàn ông phản diện. Các nhân vật của Tống Ngọc Hân đã không còn là thần tượng của chị em nữa, họ bị hạ bệ, bị bóc mẽ, bị kết án. Trong sáng tác của chị ta tìm thấy rất nhiều hình ảnh hình tượng hóa bản chất bội bạc, giả dối, vũ phu hoặc bộ mặt nhu nhược, đớn hèn, nhạt nhẽo đến thảm hại của nam giới qua nhân vật Phủ Phong, Phủ Minh trong Nước mắt đêm vượt cạn, nhân vật người chồng trong Tháng chạp qua cửa. Xây dựng hình ảnh những người đàn ông bất toàn trong con mắt của những người phụ nữ phải chăng là một cách thức để giới nữ khẳng định bản thể của họ trên hành trình tìm kiếm chính mình. Trái tim Tống Ngọc Hân cũng đã rung đủ bậc cảm xúc khi hướng về đàn ông, từ sự ngợi ca, khâm phục, thương yêu đến thất vọng, căm ghét, khinh bỉ, uất hận… Đặc biệt, chị cũng đã thể hiện một sự đồng cảm sâu sắc khi khắc họa hình ảnh người đàn ông cô đơn với những nỗi
đau, bi kịch như “Hắn” trong Hồn xưa lưu lạc, Người đàn ông trong Người săn côn trùng.
Tóm lại, thế giới nhân vật trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân đã cho thấy bộ mặt đa diện, đan xen những thái cực đối lập của con người. Trong thế giới ấy, nhân vật người phụ nữ nhận được nhiều sự ưu ái hơn từ nhà văn, vì vậy họ được khắc họa một cách sâu sắc, thấu đáo, với sự đồng cảm, sẻ chia của người cầm bút. Hình tượng người phụ nữ luôn là trung tâm của câu chuyện, của các mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống. Ở họ hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, đồng thời luôn có sự trỗi dậy mãnh liệt của ý thức cá nhân để được khẳng định mình, thể hiện chân thực con người mình với những khát khao trần thế. Trong sự đối sánh với các nhân vật nam, những người phụ nữ như tỏa sáng hơn ở thiên chức, ý thức phái tính mạnh mẽ, luôn muốn xác lập quyền bình đẳng của mình. Tìm hiểu nhân vật nữ trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân, chúng tôi cố gắng chỉ ra các kiểu nhân vật nữ đã thể hiện cảm hứng và lối viết mang nét riêng của riêng cây bút này.