Quan niệm sáng tác của Tống Ngọc Hân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 30 - 33)

1.2. Hành trình sáng tác của Tống Ngọc Hân

1.2.3. Quan niệm sáng tác của Tống Ngọc Hân

Tống Ngọc Hân làm quen với văn chương từ khi mới bắt đầu học chữ. Những áng văn, vần thơ khi còn bập bẹ đánh vần trong sách giáo khoa, đã khiến chị yêu thích vô cùng. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú (cũ) chị đã lên Lào Cai sinh sống và chính những cảm xúc đẹp đẽ nhất về đất và người Lào Cai đã khiến Tống Ngọc Hân cầm bút viết và phát hiện ra mình có một chút năng khiếu văn chương. Chị muốn qua những

tác phẩm của mình, bạn bè trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ biết đến một cộng đồng văn hóa đa sắc màu của Lào Cai. Mặt khác, Lào Cai được tạo hóa ban cho nhiều tài nguyên quý giá, có thể làm nền tảng vững chãi cho công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế, văn hóa, giáo dục… Thế nhưng, thực tế thì đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn chưa thể thoát nghèo, thoát khổ. Vì vậy Tống Ngọc Hân muốn đem văn chương của mình để lý giải một phần điều đó. Năm 2003, chị quyết định mở một cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch ở thị trấn sương mờ Sa Pa chính công việc kinh doanh giúp Tống Ngọc Hân có một cái đầu tỉnh táo để viết, để tự mình nhận biết cái ranh giới mỏng manh trong văn chương và chị biết mình nên dừng lại ở đâu là đúng mức. Chị quan niệm “viết văn khiến cho việc kinh doanh trở nên nhân văn, còn viết văn giúp chị sống kỹ hơn, chậm hơn và biết cách chia sẻ với mọi người” [63]. Vì thế trong mỗi trang viết của Tống Ngọc Hân đều có không gian cảnh sắc núi rừng vùng cao, cuộc đời, số phận trong những trang thơ, văn của chị đều thấm đẫm những suy nghĩ, tâm tư của nhân vật vùng miền núi phía Bắc xa xôi của Tổ quốc.

Thế mạnh của Tống Ngọc Hân là văn tự sự, những câu chuyện chị kể thường theo cách của riêng mình. Vậy nên, giọng điệu trong các sáng tác của chị đều được hình thành từ trong tâm tưởng với suy nghĩ làm sao để diễn đạt cho thật hấp dẫn. Tống Ngọc Hân rất tôn trọng bạn đọc nên khi sáng tác chị cố gắng chắt lọc câu từ và đó cũng là những gì cuộc sống đã tặng cho chị để làm nguồn vốn quý giá nuôi sống văn chương. Chị quan niệm rằng “có làm được như vậy thì chi tiết trong tác phẩm văn chương mới sống, mới có hồn, mới ám ảnh, khiến người đọc chỉ đọc một lần sẽ nhớ mãi” [63].

Chia sẻ về những quan điểm sáng tác văn chương của mình, chị cho biết: “Hiện thực cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần được phản ánh, nhưng văn chương phải chọn những vấn đề khai thác để tránh gây ra những phản cảm. Không phải hiện thực nào cũng xuất hiện trong tác phẩm văn học. Chuyện kể ra khiến người đọc lâng lâng, cảm khoái, chuyện kể ra khiến người đọc mỉm cười, khiến người đọc rơi nước mắt thương cảm, khiến người đọc phẫn uất trước những điều xấu xa… Như thế có nghĩa là ta đã lay động được trái tim

người đọc. Nhưng nếu câu chuyện của ta khiến người đọc thở hắt ra, như bị đầu độc bởi ác quá, xấu quá, tàn nhẫn quá, bi thương quá… tất cả một màu u ám tối tăm, chả thấy điều gì sáng láng, chả thấy điều gì đáng tin, thì có nghĩa là người kể chuyện đã thất bại. Vì tác phẩm văn học, nghệ thuật, ngoài chức năng phản ánh hiện thực còn có chức năng giáo dục, thẩm mỹ” [63].

Thế giới nhân vật trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân rất thật, rất dung dị. Mỗi câu chuyện của chị giống như một sự cố gắng làm dịu đi, làm mờ đi cái "vết" trong mỗi con người mà thôi. Trước khi sáng tác một tác phẩm văn chương Tống Ngọc Hân luôn đặt câu hỏi trước khi viết: Viết như thế, có giúp gì được cho người đọc không? Đã đủ nhân văn chưa?... Vì vậy mỗi truyện chị viết ra, đều là một sự khơi gạn, đắn đo kĩ càng. Chị kể chuyện bằng cả con tim của mình với cái đầu luôn tỉnh táo. Quan niệm viết văn chương của chị là một sự cho đi. Để thai nghén được đứa con tinh thần của mình còn phải nhọc nhằn, trải nghiệm và còn đắng đót rất nhiều.

Trong niềm vui cuộc sống của Tống Ngọc Hân, cái hạnh phúc nhất mà chị chia sẻ là chị được viết “Chả thế mà tôi luôn trong tình trạng bị nhân vật cầm tay dong đi trong cái biển đời đầy ắp những hỉ nộ ái ố. Đi đến mê mệt rồi thấy mình đang lâng lâng ở cõi khác: cõi văn. Ở cõi này, thi thoảng vẫn có những người hỏi nhau, “Đã đọc Tống Ngọc Hân chưa?”. Thật là khó diễn tả cái cảm giác khi nghe người đời gọi tên mình” [63].

Động cơ, lí do cầm bút viết văn của chị quả là vô cùng thiêng liêng. Chị coi văn chương là bạn “Tôi coi văn chương là bạn. Tôi không hời hợt nông cạn với bạn, thì bạn không phụ tôi, thế thôi”.

Tiểu kết: Trong chương 1, chúng tôi đã đặt hành trình sáng tác của Tống

Ngọc Hân trong dòng chảy của văn xuôi nữ Việt nam đương đại nói chung và văn xuôi các cây bút nữ nói riêng. Sáng tác của Tống Ngọc Hân tiếp tục dòng chảy của văn xuôi các cây bút nữ đương đại viết về phụ nữ. Có thể nói thế giới nhân vật phụ nữ của Tống Ngọc Hân rất đa dạng, muôn sắc màu điều đó chúng tôi sẽ làm rõ trong chương 2.

CHƯƠNG 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT NỮ TRONG VĂN XUÔI TỐNG NGỌC HÂN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)