3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.1.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật
Để khắc họa nhân vật trong tính toàn vẹn của nó thì bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động, Tống Ngọc Hân còn chú trọng đến nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, nhất là đối với nhân vật có cá tính, có đời sống nội tâm phong phú. Miêu tả tâm lí nhân vật các nhà văn thường chú ý đến chi tiết thể hiện con người bên trong của nhân vật. Đó là các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, cảm giác, những phản ứng tâm lí của nhân vật trước cảnh ngộ, tình huống mà nhân vật chứng kiến hoặc từng trải trong cuộc sống. Trong sáng tác của Tống Ngọc Hân, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được hiện lên rõ nét qua những dòng tâm trạng, những suy tư, trăn trở của nhân vật. Khám phá nội tâm nhân vật bằng suy nghĩ, nhà văn đã cho ta thấy đời sống nội tâm sâu sắc và phức tạp của nhân vật.
Biểu hiện tâm lí nhân vật trong sáng tác của Tống Ngọc Hân khá đa dạng. Chị đã rất tinh tế và sâu sắc khi để nhân vật mẹ của Soái trong Mây không bay về trời cảm nhận nỗi dằn vặt bản thân từ vẻ đẹp của mình “Mẹ Soái vốn là cô gái Mường trắng trẻo xinh đẹp nhất vùng. Một sáng kia đến chợ, gặp anh đi bán cá giống trẻ trung người huyện ngoài thì buông lời trêu đùa. Em không mua cá đâu, mua người thôi, anh có bán không? Anh chàng bán cá đẹp trai, đang ế ẩm, lại thấy gái xinh, cũng trêu lại. bán đấy em có mua không? Cô gái Mường mười tám tuổi cười tủm tỉm, mắt long lanh như bị tiếng sét ái tình đánh trúng tim. Cô sục tay vào sọt cá vớt một con cá nhỏ, nắm chặt lấy và thỏng thả bước. Anh kia thin thít dắt xe đạp và hai sọt cá theo
về nhà” [5, 129 - 130]. Mặc cảm với tội lỗi “ hạnh phúc không thể có bằng việc đánh cắp ” [5, 131] mẹ của Soái đã đau khổ, day dứt suốt hai mươi năm qua để giữ bố cho anh “ Rất nhiều lần bố khoác túi bỏ nhà ra đi, nhưng đi được nửa ngày lại quay về. Bố nhiều lần van nài mẹ: “Cô làm ơn buông tha tôi”. Mẹ chỉ khóc” [5, 131].
Cuộc đời làm vợ của Mai trong truyện Con rể đã khiến cho ông Sở cha Mai cảm thấy thương sót, ân hận “gả con cho Hạng Chử, Thào A Sở sinh mất ngủ. Đêm nào cũng giống đêm nào, cứ nhắm mắt vào là bên tai Sở cứ như có người đọc truyện về Hạng Chử cho Sở nghe. Mà cái giọng đọc thều thào, rùng rợn lắm, cũng có khúc có đoạn hẳn hoi. Có đoạn nói về việc Hạng Chử làm ma cho con gái Sở nữa chứ…” [3, 225]. Dù ở cùng một bản, Mai đi lấy chồng đã nửa năm rồi mà không về thăm bố mẹ, nghĩ đến đây Sở buồn lắm. Sở nghĩ chắc là Mai hận ông đến suốt đời, hằng đêm nó nuốt nước mắt. Sở quyết định đi thăm con gái. Nhìn thấy “con gái xanh xao tiều tụy, cái bụng chửa năm tháng có dư đã nhô lên nhọn hoắt, chễm trệ trên cái thắt lưng xanh như tảng rêu non” [3, 226] mà ông bủn rủn. Làm vợ Pú trong sự an bài của số phận, những vùng vẫy muốn vượt ra ngoài số phận chỉ làm cho Mẩy trong truyện
Máu và tuyết thêm đau khổ. Nỗi uất ức, xen lẫn tủi hổ khi bị chồng ghen tuông, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần khiến Mẩy đau đớn cho đi đứa con đầu lòng. Giờ đây cô có đứa con thứ hai, “Mẩy ôm thằng bé đỏ hỏn, run cầm cập chờ những trận đòn cuồng ghen của chồng. Pú nhắm chặt mắt vào mà đạp vợ, chứ nhìn vào mắt vợ, cái hung hãn, cái độc ác, cái nhẫn tâm không đủ sức hoành hành” [5, 111].
Nghe những lời tâm sự của mẹ về cuộc sống làm dâu, cô con dâu út trong truyện Đêm không bóng tối cảm thấy xót xa, day dứt “Vừa ăn cơm, mẹ vừa kể về những ngày bố đi chiến trường, mình mẹ một mình cáng đáng tất cả mọi việc và nuôi đàn con khôn lớn trưởng thành. Mẹ kể mẹ đi làm dâu khổ lắm, trăm cay ngàn đắng. Nàng lắng nghe, nàng không thấy bóng mình trong cuộc đời lam lũ cực nhọc của mẹ, nhưng ở cung bậc nào đó nàng thấy mình có phần giống mẹ” [4, 13-14].
Từng sinh sống ở mảnh đất Sa Pa mù sương, Tống Ngọc Hân là nhà văn nữ viết về phụ nữ. Mặt khác, chị đã có gia đình, từng trải qua cảnh sinh nở nên chị càng thấu hiểu cho cảnh người phụ nữ Dao, chưa được làm mẹ đã rơi vào bi kịch. “Chửa chưa đến ngày đến tháng thì bỏ vào rừng, nói là đi phát nương, tìm thuốc, lấy củi nhưng lúc vê mặt ngơ ngác, mắt quầng thâm, tay chân lẩy bẩy. Vượt cạn một mình, rồi trở về một mình…” [3, 202]. Phúc vợ của Phủ Minh cũng có lần ngơ ngác từ rừng trở về. Còn Sỉnh vợ của Phủ Phong nôn ọe chạy ra vườn trong cái nhìn thấp thỏm của Phủ Siểu. Người mẹ của ba anh em trai trong nhà thì đau xé lòng trước những sự việc trong quá khứ và sợ hãi cả nhiều điều sẽ đến trong tương lai. “Bà nhớ lại thời sinh nở của mình, nhớ tiếng khóc xé ruột của đứa trẻ sơ sinh trong đám cỏ khô vì bị kiến đốt và tiếng khóc lịm dần khi bị bỏ đói. Cả đời này bà không hé răng cho ai biết chuyện ấy. Khi lần lượt những đứa con trai lấy vợ rồi trưởng thành, bà nơm nớp hãi hung nghĩ đến cảnh con dâu vác bụng vào rừng rồi trở về người không. Cha mẹ, chồng con có hỏi thì nói là rủi ro, là sa sảy…” [3, 203].
Làm vợ Chỉn bao nhiêu năm, đã có hai mặt con, chuẩn bị đón thêm đứa bé thứ ba chào đời nhưng Sa Con trai người Xá Phó chưa từng cảm nhận được tình yêu thương thực sự của chồng. Gia đình triền miên túng thiếu khiến Sa cảm thấy uất ức, Chỉn chồng của Sa vẫn âm thầm yêu Hờ. Sa đã đến tận nhà của Hờ đòi lại tất cả tất cả những gì trước kia Chỉn tặng chơ Hờ với suy nghĩ đó là điều mình cần làm để giữ gìn hạnh phúc gia đình “Kệ chúng mày thôi, ai bảo chúng mày không biết thế nào là phải trái. Ai bảo thi thoảng Chỉn lại úp điện thoại vào tai, rì rầm trò chuyện. Có phải đã yêu nhau rồi lại cứ được yêu nhau mãi đâu. Nói thế Sa cũng yêu được” [7, 69]. Cũng với cảm nhận ấy nhân vật Mùi trong cây Sa mộc chết đứng đã âm thầm, đau khổ khi thấy bản trên bản dưới bàn tán, ca tụng vẻ đẹp và nết na của Diu, trong khi Mùi cũng xinh đẹp không kém. Châu đã chọn Diu chứ không phải Mùi. Mùi từng định ăn lá ngón khi thấy Châu yêu và đòi cưới Diu. Cho đến tận ngày rừng cấm bị hỏa hoạn. Tất cả cây rừng, chim choc đều chết mà Diu lại không chết. “Sống thì sống, nhưng Mùi không muốn Diu có được hạnh phúc. Thậm
chí Mùi còn cầu mong đứa con của Diu bị con thú gì đó ngoài rừng chạy vào cắn chết, hoặc tha đi nữa cơ. Mùi muốn Diu đau hơn cả khi bị lửa hành hạ, đau đến mức phải ăn lá ngón mà chết đi. Nhẽ ra, Mùi chỉ đẻ hai đứa con cho đỡ khổ, nhưng vì muốn Diu tức tối đến phát điên, nên Mùi đẻ đứa thứ ba đấy. Mùi từng bắt Châu thề độc rằng, nếu mà Châu dan díu qua lại với Diu thì cái cây sa mộc này chết đứng” [9]. Hàng ngày, Mùi thức dậy, cô bước ra sân, nhìn cái cây sa mộc trước, rồi mới nhìn mặt chồng con sau. Dạo này Châu chồng cô, ăn nói, khóc cười rất lạ, triền miên say, say rồi lại hát vu vơ những câu hát của bọn trai chưa vợ đang bập bùng yêu đương. Càng nhìn Châu, nước mắt Mùi ứa ra. Những lời nói của Châu như dòng nước lạnh xối lên đầu Mùi khiến Mùi choáng váng.
Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc tâm lí nhân vật đã góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Thông qua nghệ thuật miêu tả tâm lí của nhân vật ta thấy Tống Ngọc Hân đã khéo miêu tả tâm trạng, cảm xúc, những suy tư, trăn trở trong tâm lí của từng nhân vật. Bằng việc đi sâu khám phá tâm lí nhân vật, Tống Ngọc Hân giúp chúng ta hiểu thêm rằng ẩn đằng sau vẻ bề ngoài của mỗi nhân vật là cả một thế giới nội tâm phong phú, vô cùng phức tạp.
Như vậy, từ việc miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động đến việc khám phá đời sống tâm lí của nhân vật. Tống Ngọc Hân đã xây dựng lên những hình tượng nữ trong tính toàn vẹn nhất. Và chính thế giới nhân vật ấy đã góp phần chuyển tải những ý đồ nghệ thuật cũng như qua điểm thẩm mỹ của nhà văn.