2.3. Các kiểu nhân vật nữ trong sáng tác của Tống Ngọc Hân
2.3.2. Nhân vật có số phận bi kịch
Nhà văn Tống Ngọc Hân đã viết nhiều về nỗi đau của nhân vật nữ. Có những nỗi đau lên đến tốt cùng trở thành bi kịch không lối thoát. Mỗi nhân vật trong văn xuôi của chị có một hoàn cảnh, một bi kịch, không ai giống ai nhưng ở họ đều gợi lên trong lòng bạn đọc nhiều suy nghĩ.
2.3.2.1. Bi kịch của hủ tục lạc hậu
Nói đến hủ tục, ta hiểu ngay đó là những phong tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện đại, tạo ra những cản trở cho sự phát triển của xã hội và có thể làm nguy hại cho con người. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục "hành hạ phụ nữ". Dẫu biết phụ nữ là để yêu thương, là để nâng niu, chăm sóc nhưng ở đâu đó trong xã hội ngày nay vẫn còn có không ít những người phụ nữ phải âm thầm gánh chịu bao đau đớn, tủi nhục bởi những hủ tục lạc hậu mà chỉ nghe thôi cũng đủ khiến ai cũng phải xót xa.
Viết về bi kịch của hủ tục lạc hậu, dường như Tống Ngọc Hân đã mắt thấy tai nghe những câu chuyện đã và đang tồn tại và đè nén lên thân phận con người. Tình yêu đôi lứa bị ngăn cách, dở dang bởi những cái bẫy mê tín dị đoan. Ở truyện Con đường chưa đi, tác giả bày tỏ thái độ phê phán trước những tập tục hết sức cực đoan. Chuyện bói toán, xem tuổi tác giữa các cặp đôi trước khi có ý định lấy nhau. Sò có con gái tên Sủi. Sủi đã đem lòng yêu Phù nhưng “Mẹ Phù tin thầy cúng hơn cả. Thầy cúng là người Mông lại đại
diện cho trời đất, thần linh, thầy nói phải đúng. Thầy nói con dâu của mẹ, vợ Phù, nhất định không thể là Sủi được” [7, 48]. Nguyên nhân dẫn đến sự ngăn cấm tình duyên của Phù và Sủi là cái sự đồn thổi “Người người, nhà nhà chê con Sủi là cái giống hổ vồ chết chồng con. Họ bảo Sủi má hây hây đỏ như quả đào, mắt long lanh như thú rình mồi, tóc đen như bóng đêm và da trắng như bánh khoải trên mâm cúng” [7, 53-54]. Câu chuyện về người con gái không may trong duyên tình đã cho thấy cuộc chiến giữa cái lạc hậu và cái tiến bộ là một hành trình dai dẳng, nan giải.
Có một thời gian dài sinh sống ở Lào Cai, Tống Ngọc Hân đã tận mắt chứng kiến cảnh đói ăn, đói mặc và đói chữ khiến người miền núi cứ như tơ vò không bứt ra được tư tưởng lỗi thời, lầm lạc. Vì thế, cuộc sống cứ rơi vào khoảng tối bể dâu đớn đau, lầm than, tình yêu và hạnh phúc mong manh, dễ vỡ. Truyện ngắn Đợi ngày nắng ấm là câu chuyện khiến người đọc phải nhức nhối. Dâu người phụ nữ dân tộc Mông mới hai mươi nhăm tuổi, mặt Dâu đã có khối nếp nhăn. Dâu chưa được đi đâu, từ ngày Dâu lấy Páo làm chồng Dâu chỉ biết đẻ, “Dâu chưa được đi họp phụ nữ bao giờ nên không hiểu thế nào là kế hoạch, cứ đẻ thôi. Đàn bà ở đây, nhiều người đẻ con, đàn con đông bằng đàn lợn. Đâu cứ phải cứ đi họp mới là phụ nữ. Cứ biết đẻ con là thành phụ nữ rồi” [7, 7]. Và rồi sự thiếu hiểu biết của Dâu đã đưa cả gia đình chín người vào cuộc sống khó khăn không lối thoát.
Tập tục tảo hôn không xa lạ gì với người dân tộc. Sài Cang, bản sâu hun hút, cheo leo, nơi đây cũng từ chối mọi phương tiện, đồng thời từ chối mọi nếp sống văn minh, tiến bộ. Câu chuyện Dải vải chàm bịt mắt đã tái hiện cảnh tảo hôn ở Sài Cang: “Cứ một mùa xuân, Sài Cang lại có đến năm, sáu đám tảo hôn. Xã gọi lên, phạt trăm nghìn cho đúng quy định rồi lại cho về. Nhiều người bảo, chẳng thà cho nó lấy chồng sớm, còn hơn là lêu lổng rồi bị người ta lừa bán đi” [7, 87]. Ở đây con gái mười ba tuổi đã phải sớm lo lắng cho cuộc sống gia đình. “Mười ba mà có ai hỏi cũng gả tạm được rồi. Còn sau đấy, chúng mày muốn mưa, muốn nắng thế nào cũng mặc” [7, 88]. Mắn cũng vậy, bỏ cái chữ đi lấy chồng. Đẻ ra đứa con bị bệnh bạch tạng nhưng không
biết mà cứ cho uống thuốc lá, cúng bái khiến đứa trẻ suýt mất mạng. Chính suy nghĩ lạc hậu, mê tín dị đoan đã giáng nỗi đau thân phận xuống người phụ nữ và cướp đi nụ cười và sự hồn nhiên trên gương mặt còn non choẹt, thơm mùi sữa của những đứa trẻ. Như vậy, người phụ nữ chính là nạn nhân của định kiến, của tập tục lạc hậu. Họ không có quyền lựa chọn tình yêu và hôn nhân. Phải chịu cảnh lệ thuộc, bị động, thủ phận, chứ chưa có sự phản kháng, đấu tranh quyết liệt để giải thoát. Sủi trong truyện Con đường chưa đi và Mắn trong truyện Dải vải chàm bịt mắt, khát khao được sống đúng cái nhân vị đàn bà nhưng cũng không thể giải thoát được vòng tròn khép kín của những tư tưởng cổ hủ, mê tín. Hiện lên trên bức tranh bi kịch ấy, họ vẫn là những người phụ nữ cam chịu, chấp nhận. Dường như họ chỉ có tình yêu thương với chồng với con là niềm vui mỗi ngày. Khi đẩy thân phận người phụ nữ giữa mênh mông tập tục đó, văn xuôi của Tống Ngọc Hân không chỉ là tiếng nói phê phán, bài trừ hủ tục mà còn bày tỏ sự đồng cảm với số phận nghiệt ngã, ngang trái của người phụ nữ miền núi.
Hồn xưa lưu lạc đã đưa bạn đọc về với tục kéo vợ, thách cưới của người Mông “ Hắn biết vợ từ cái hội chơi núi năm ấy ở nhà ông bác họ giàu có bên Sỉn chải. Người Mông gọi đó là hội Gầu Tào” [4, 59]. Hắn đang bung beng thì thấy một cô gái “tóc nó óng mượt, da trắng hồng, mắt to, đen buồn buồn, đôi môi tươi đỏ” [4, 60] hắn đã hỏi “mình muốn theo ta về cùng một nhà không? Nó nhìn cây khèn quý của hắn, ửng má, rồi gật đầu. Thế là nên duyên. Hắn tổ chức kéo vợ”[4, 60]. Vì thiếu hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên và niềm tin vào sự phép màu nhiệm của thần linh mà đôi trai gái trong truyện
Con trai người Xá Phó dang dở tình duyên. “Hồi Chỉn yêu Hờ, cái hôm Chỉn đưa Hờ về nhà ấy, trời đang nắng to, phơi chín cả thóc cơ mà, chứ không rét thế này. Hờ vừa bước chân qua cửa lớn thì trời tối rầm, mặt trời biến đâu mất, ngày thành đêm. Bố Chỉn bảo, điềm gở rồi, mày chọn phải đứa vợ không hợp nên đất trời cảnh báo. Chỉn đốt cái đóm nứa, hơ sát vào mặt Hờ, thấy hai mắt Hờ đỏ rực lên thì sợ quá, quăng cả đóm nứa mà chạy. Hờ nghe bố Chỉn nói thế, giờ Chỉn làm thế thì giận lắm, chạy vụt xuống sân… Vừa đến sân thì trời
bừng sáng. Cả nhà Chỉn ngơ ngác, và càng tin rằng Hờ chính là thủ phạm gây ra cảnh tối tăm đó. Hờ nhận lời người khác, còn Chỉn thì mất vợ. Vẫn còn yêu Hờ lắm nên Chỉn cứ lượn lờ quanh nhà của vợ chồng Hờ mãi không thôi [7, 70 - 71]. Duyên vợ chồng của Chỉn và Hờ không thành, nhìn thấy cuộc sống vất vả, khó khăn của Hờ sau này mà Chỉn cảm thấy dằn vặt, nhức nhối. Chỉn càng lo lắng cho Hờ bao nhiêu thì Sa vợ Chỉn lại đau khổ bấy nhiêu.
Trong truyện Con rể Tống Ngọc Hân đưa người đọc về với tập tục quen thuộc từ thời phong kiến, tồn tại dai dẳng đến xã hội ngày nay, đó là phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mai là con gái của Thào A Sở, nết na, hiền lành ngoan ngoãn, chỉ cái giời bắt tội cô không thể cất lên tiếng nói. Mai đẹp nhưng dân làng đồn đó là vẻ đẹp bị ma ám “Lời độc ấy từ mồm thầy cúng chui ra, Mai là con ma rừng chui vào bụng vợ A Sở để đầu thai và tác oai tác quái” [3, 218-219]. Rồi Hạng Chử xuất hiện với chiếc xe máy “dây chuyền vàng to bằng ngón tay trên ngực… Còn nhẫn, còn đồng hồ, còn vòng nữa chứ” [3, 219]. Chỉ một túi quà to đùng ra mắt bố vợ tương lai. Thế là số phận đã an bài, con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp của Sở đã trở thành vợ thằng gù. Hạng Chử từng có ba đời vợ, tất cả đều chết vì lá ngón. Sở đã quyết định gả Mai cho Hạng Chử ngay trong lúc còn đang lâng lâng say.
Câu chuyện của người dân tộc Mông đã đưa chúng ta đến với truyện ngắn Lá ngón “Lá ngón là loại cây mọc trong rừng rất nhiều, rất dễ thấy và những cái lá xanh non rất đỗi hiền lành” [2, 98]. Người dân tộc khác có thể chọn sự giải thoát của mình bằng nhiều cách nhưng người Mông đặc biệt là con gái chỉ chọn lá ngón. Phụ nữ Mông rất hay bị tổn thương “Cực nhọc, vất vả, đói khát, họ chịu đựng được tất cả nhưng sự xúc phạm thì không. Con gái bị phụ tình, có lá ngón. Vợ bị chồng sỉ nhục, coi thường, có lá ngón. Thậm chí chị em gái xích mích bất hòa cũng tìm giải pháp lá ngón” [2, 96]. Vì vậy người vợ trước của Cay cũng chết vì lá ngón, đến Hạng Thị A vợ thứ hai của Cay cũng suýt chết vì lá ngón vì chồng bán thuốc phiện cho Lử.
Người mẹ già của cán bộ Páo trong tiểu thuyết Âm binh và lá ngón cũng hiện lên với cuộc đời lam lũ khổ ải, lấy chồng sớm, sinh con sớm, ốm nhẹ thì uống thuốc rễ cây, lá cây, ốm quá thì gọi thầy cúng. Cả cuộc đời của bà và người phụ nữ Mông đều như vậy nên bà cũng chưa nhận thấy “lấy chồng sớm là thiệt thòi, là bị tước quyền bình đẳng khi không có hôn thú, cúng như thế tốn tiền mà không đuổi được bệnh” [8, 66]. Nhưng sau khi được xem bộ phim tài liệu khoa học chiếu ở bản, bà mới hiểu được tất cả, hiểu được cái thiệt thòi, cái đói cái nghèo của người con gái Mông “ căn bệnh tiềm ẩn vì thiếu thứ nọ, thứ kia do nguồn dưỡng chất từ thức ăn không đủ…” [8, 66] mà “nguyên nhân đẩy bọn trẻ đến nạn tảo hôn” chính là do những người già hay do cha mẹ, ông bà và tập tục cổ hủ của người dân tộc Mông gây ra.
Bạo lực gia đình không chỉ xúc phạm đến nhân phẩm, quyền con người, làm tổn hại sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà trở thành vấn nạn của xã hội. Đến với Âm binh và lá ngón, một lần nữa ta bắt gặp vợ của Xuy, lấy người chồng hay cờ bạc tối ngày, lúa, ngô trong nhà mang bán hết, không còn gì trong tay, đến thằng con út bảy tuổi, Xuy còn mang sang bên kia sông bán, để thỏa mãn cơn nghiện bạc. Không dừng lại ở đó Xuy “còn sinh sự, đánh vợ vì cho rằng chị này mượn thầy cúng về cúng cho chồng chết. May mà nó không chết nhưng của đi thay người, thua trắng tay, sạch bách” [8, 42]. Quá đau khổ vợ Xuy phải dùng lá ngón ăn để giải phóng cho mình. Trong tiểu thuyết Âm binh và lá ngón, còn nhiều phụ nữ Mông vì cuộc sống khó khăn, bế tắc, họ không được ai chia sẻ, họ lại tìm đến lá ngón để kết thúc nỗi đau trần thế “ Vì thực tình, đàn bà con gái Mông này, mỗi khi thất vọng, chán nản và đau khổ quá, họ đều chọn lá ngón” [8, 131].
Bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đã làm nên những nét riêng, độc đáo trong sáng tác của Tống Ngọc Hân. Viết về nhân vật nữ với nhiều góc nhìn khác nhau cùng với tiếng nói đồng cảm, chân thành sâu sắc đã giúp chúng ta khám phá về các phong tục tập quán của các vùng, miền khác nhau đồng thời chúng ta cũng thấu hiểu nỗi trăn trở của họ trước những hủ tục lạc
hậu vẫn còn âm thầm tồn tại trên mảnh đất này. Sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu kéo theo sau cả một hệ lụy như đói nghèo, kém hiểu biết đã khiến người phụ nữ trở thành nạn nhân và nó cũng là sự ám ảnh trong tâm trí của bạn đọc.
2.3.2.2. Bi kịch của sự đói nghèo
Cái đói, cái nghèo xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm viết về đề tài miền núi. Chủ đề này cũng được Tống Ngọc Hân khai thác, một mặt phản ánh đúng thực trạng cuộc sống, mặt khác, thể hiện khá rõ số phận nghiệt ngã, sự tồn tại chông chênh của người dân vùng cao.
Truyện Dải vải chàm bịt mắt đã miêu tả cái nghèo như là số mệnh truyền kiếp của người dân nơi đây. Đường vào bản cheo leo, gập ghềnh, phức tạp. Mọi trợ cấp, mọi tuyên truyền cũng bị từ chối. Vì vậy con gái ở cái bản này tảo hôn. Cũng vì nạn tảo hôn và kém hiểu biết mà Mắn đã rơi vào bế tắc, đau khổ cả ngày làm việc quần quật liền tay mà vẫn bị mẹ chồng chửi. Con trai mấy tháng tuổi của Mắn bị bệnh mà Mắn không còn nghìn nào, đắng lòng trong đau đớn, địu đứa con trong nước mắt “ Mắn cắn răng, chân bấm chặt xuống đất mà bước. Đồng hành với cô là bình minh không có ánh mặt trời. Hơi thở gấp gáp, nóng hổi của đứa con nhỏ dội vào lưng Mắn, ngấm qua da thịt lọt vào tim, gan như một lới oán trách” [ 7, 97].
Truyện ngắn Con trai người Xá Phó, đã phản ánh cuộc sống nghèo khó của người dân qua hình ảnh mẹ Chỉn “Bà già gần bảy mươi, mẹ của Chỉn đi đôi dép nhựa cũ rách, nhọ nhem như được moi từ xó xỉnh nào” [7, 60]. Tất của mẹ Chỉn được thay bằng những giẻ rách bó vào chân. Áo mỏng tang, quần không có. Đứa con gái lớn nhà Chỉn trạc tám tuổi ngồi trên ghế con, ưỡn ngực vào lửa. Nó bảo chỉ ấm mặt thôi, lưng rét lắm. Củi chỉ đủ sưởi chút phần trước ngực, sau lưng thì buốt nhức. Nhà cửa của Chỉn trống trải tứ phía, “Những ngày ấm áp, tạnh ráo thì nấu cơm ăn hai bữa sáng và tối để còn đi nương. Kể từ hôm tuyết rơi trên núi, cái giá buốt tràn về bản, không đi làm được nên bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa” [7, 61]. Thức ăn có những con chuột được
chế biến thành bữa ăn. Cái đói, cái nghèo đã bủa vây lên những con người miền núi khiến họ hiện lên thật nhếch nhác, thảm thương. Trong truyện Đợi ngày nắng ấm đã tái hiện những khó khăn, đói khổ, chật vật, bênh tật và những thiệt thòi của người phụ nữ, trong cuộc sống hôn nhân nơi vùng đất khắc nghiệt, khô cằn đá thì sẵn còn đất thì hiếm “ Dâu chưa được đi họp phụ nữ bao giờ nên không hiểu thế nào là kế hoạch, cứ đẻ thôi. Đàn bà ở đây, nhiều người đẻ con, đàn con đông bằng đàn lợn. Đâu cứ phải cứ đi họp mới là phụ nữ. Cứ biết đẻ con là thành phụ nữ rồi” [7, 7] Vì nhiều con mà ruộng đất lại ít nên đây cũng “là nguyên nhân của việc đàn bà, mà trẻ em lũ lượt kéo nhau lên phố trông chờ vào khách du lịch” [7, 7]. Để có đất tra ngô vợ chồng Dâu đi mất một ngày đường mà càng làm nhiều lại càng đói nhiều vì cả gia đình có đến chín miệng ăn, giữa ngày đông giá rét những đứa trẻ đã khoe hết, bày hết mọi ngóc ngách của sự thiếu thốn: “Đứa gái lớn bảy tuổi, xúc nhoay nhoáy, thìa nào ra thìa ấy, đưa vào mồm nhanh như thể nuốt chửng. Đứa trai năm tuổi còn đái dầm nên chỉ có áo mà không có quần, nhưng lại biết xấu hổ, cứ cúi xuống, chổng mông xúc một thìa vơi lại vội vàng đứng lên ngay ngắn, rồi mới cho vào mồm. Một tay cầm thìa, tay giữ vạt áo chàm, che chỗ ấy. Đứa gái lên bốn, mũi thò lò vừa ăn vừa gà gật vì bị gọi dậy sớm quá. Áo nó vấy đầy cơm canh, phần dưới từ đùi trở xuống cũng bám đầy cơm. Cũng như anh,