Nghệ thuật miêu tả hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 76 - 80)

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.2. Nghệ thuật miêu tả hành động

“Hành động của nhân vật không chỉ là yếu tố cần thiết để bộc lộ tính cách mà còn là yếu tố không thể thiếu thúc đẩy diễn biến của cốt truyện trong tác phẩm” [24, 34]. Chính vì vậy, khi miêu tả nhân vật, bên cạnh yếu tố ngoại hình, các nhà văn thường để nhân vật của mình thể hiện những hành động khác nhau, nhằm tạo nên sự đa dạng trong cách thể hiện đồng thời khắc họa rõ nét hơn tính cách của nhân vật.

Đọc văn xuôi của Tống Ngọc Hân chúng ta khó có thể quên được các hành động của cô con dâu út trong Đêm không bóng tối, khi căn bệnh hoang tưởng của mẹ bùng phát trong đêm “ Đêm đầu tiên ở với nàng, mẹ ngồi im trên ghế ngắm căn phòng sáng choang choang như ở bệnh viện, mẹ yên tâm bảo nhà này chẳng có ma. Được một chốc mẹ đi về phòng ngủ của hai mẹ con nàng. Nàng nhanh chân chạy trước bật bóng điện. Mẹ cúi xuống gầm giường

rồi hú lên thất thanh; Ối ma, có con ma dưới này. Nàng nhao tới, dùng sức dựng cái giường lên. Đấy mẹ xem, con ma bỏ đi rồi. Đang đêm nàng hì hục tháo cái giường ra từng mảnh dựng ra ngoài hiên, trải chiếu xuống nền nhà. Mẹ đến bên cửa sổ, lật cánh cửa nhìn ra sân, ngoài sân nàng cũng cho giăng mấy bóng điện sáng trưng. Nhưng nàng vừa lật trang giáo án, đã nghe mẹ ú ớ chỉ ra ngoài trời kêu có con ma to lắm, phải giết nó đi. Nhìn tay mẹ chỉ vào khóm dạ hương đang nức nở thơm lần cuối mà lòng nàng tê tái. Bên gốc dạ hương chính tay nàng đã trồng, vợ chồng nàng đã trao nhau bao cử chỉ yêu thương vào mỗi đêm trăng sáng. Con dao trong tay nàng đã vung lên, những tiếng hương sắc rụng xuống chân nàng chìm trong tiếng reo hò cổ vũ của mẹ. Hạ gục xong con ma dạ hương, thì đến con ma giàn hoa giấy. Tay chân nàng mỏi rã rời cũng là lúc mẹ thiu thiu ngủ trên chiếc chiếu con ngay nhà ngoài. Nàng khép giáo án lại, nhìn những đồ vật trong nhà ngổn ngang mà buồn vô hạn. Rồi đây, những ngày hè, cái nắng sẽ thiêu đốt căn nhà trơ trọi không bóng râm. Và bắt đầu những đêm dài căn phòng nhỏ sẽ mãi sáng” [3, 12]. Những hành động trong đêm của cô con dâu út đối với mẹ chồng, làm sáng lên nhân cách về chữ hiếu trong tình nghĩa mẹ chồng nàng dâu.

Hành động của người dì trong truyện Bát thuốc sắc cho thấy đức hi sinh của người phụ nữ là cao cả. Làm vợ lẽ của một người đàn ông góa vợ, có hai con, cuộc sống qua thiếu thốn khiến người phụ nữ ấy không dám nghĩ tới hạnh phúc làm mẹ bởi nhìn thấy hai đứa con của chồng thiệt thòi, người mẹ kế đã quyết định bỏ đi giọt máu của mình “Dì chắt vừa vặn một bát nước đen như hắc ín. Vừa thổi dì vừa đưa mắt lấm lét nhìn như kẻ tội đồ, sợ bị phát giác… bát thuốc đã nguội trên tay dì cứ lã chã rơi xuống. Khi bát thuốc kề môi dì, con bật khóc nghẹn ngào. Dì giật mình bát thuốc rơi xuống đất. Trong đầu con vỡ òa lời nói của dì mấy hôm trước với cha: Trai mấy gái để làm gì, thằng Vọng với con Lý đã đủ rồi” [1, 181 - 182].

Mai trong truyện Con rể đứa con gái bị câm, ngoan ngoãn bị gả bán làm vợ thằng gù Hạng Chử. Cuộc sống của Mai với Hạng Chử “quái vật” luôn khiến cho cha mẹ Mai và dân làng sợ hãi, xa lánh . Tức giận vì bị cha vợ coi

như quái vật, Hạng Chử quyết đem cái chết để chứng minh mình cũng là con người “Hạng Chử lảo đảo, mắt tím đen, đưa tay giật toang cái áo chàm, để phơi ra một tấm thân gớm ghiếc. Chử lè nhè, đập cái chai vào bậc cửa, cái chai vỡ. Chử cầm cái mảnh dài nhọn giơ lên và gầm gừ: – Tao cũng chả thiết sống. Mai mà bỏ tao, tao không sống nữa. Tao sẽ chết bằng cái này, để mày nhìn xem máu tao là máu thú hay máu người? Hạng Chử giơ cái vật sắc nhọn lên, dùng sức định chọc nó vào bụng mình thì bất ngờ Mai ở đâu chạy đến. Cô hét lên một tiếng hoang dã từng câm nín suốt mười bảy năm trời– Khôông!”[3, 229 - 230]. Hành động của Mai đã xóa tan những mối nghi ngờ, dằn vặt của ông Sở bấy lâu nay. Tiếng hét của cô cũng chứng minh cho cuộc sống gia đình hạnh phúc bên người đàn ông có hình hài xấu xí nhưng hết lòng yêu mình. Thoan trong Huyết Ngọc chỉ với hành động chủ động chờ đợi Trấn trở về sau hai giờ, cô đã có phút giây hạnh phúc, từ đây cô đã có mái ấm gia đình, sau bao nhiêu đau đớn, tủi nhục, nhơ nhớp của cô gái làm tiền trong vườn Hạnh Tiên “Hai giờ sau thì Trấn về. Hắn lồng vào tay Thoan một chiếc nhẫn vàng và bảo. – Để từ giờ ở với nhau cho đàng hoàng. Phải đàng hoàng đấy nhé. Thoan gật. Đó là lời tỏ tình đặc biệt nhất và cũng là răn đe ghê gớm nhất” [6, 53]. Từ đây, Thoan đã có gia đình, từ một người “ chỉ biết mỗi nghề mua vui cho đàn ông. Thoan đã được Trấn dạy cho cách ngồi đạp máy khâu, xỏ kim, điều chỉnh đường may, đi chợ bán cá, biết đan lát, biết thu vén cuộc sống gia đình” [6, 53]. Hạnh phúc gia đình khiến Thoan không dám lãng phí một giây phút nào “Tất cả cho yêu thương, tất cả cho sám hối, tất cả cho hoàn lương và chút tia sáng cuối cùng của phẩm hạnh” [6, 53].

Hành động run rẩy của người phụ nữ tên Mụ trong Đường mưa “ đưa tay bồng đưa bé đỏ như cái nậm giềng, rồi mụ bế đứa bé sát vào lòng mình, cho nó nhận hơi ấm từ mụ. Nhìn con bé mụ cay cay sống mũi” [4, 55]. Lão Phính nôn nóng nhìn mặt con bé thắc mắc “ Sao người ta làm thế nào mà con bé lại rách môi to thế?” [4, 55]. Nghe thấy vậy, mụ quay sang lườm chồng rồi nói “ đừng nói vậy, con nghe thấy tủi thân” [4, 55]. Đây không những là một hành động tràn đầy tình thương yêu, sự nâng niu mà còn là tấm lòng bao dung, đầy

vị tha, cao thượng của người mẹ. Bà không hề ích kỉ, nhỏ nhen trước hoàn cảnh, số phận của đứa bé.

Sỉnh trong Nước mắt đêm vượt cạn được gả vào gia đình nhà Phàn Quang nhưng Sỉnh lại phải làm chị dâu của Phủ Siểu, người mà Sỉnh đem lòng yêu thương từ trước. Những bất hạnh trong cuộc sống vợ chồng với Phủ Phong khiến cho Sỉnh không làm chủ được bản thân . Một lần, giữa rừng, đang phát cỏ cho thảo quả, Sỉnh ôm bụng kêu đau, Siểu đã đặt bàn tay ấm nóng của mình lên bụng chị dâu. Lần này Sỉnh không khóc mà vít cổ em chồng xuống” [3, 201]. Hành động đó của Sỉnh nói lên sự khao khát yêu thương bị kìm nén bấy lâu nay. Ngay cả hành động Sỉnh muốn từ bỏ giọt máu của Phủ Siểu càng cho ta thấy những uất ức, đau khổ mà cô phải kìm lòng, nén giữ.

Hành động sinh nở của Sa trong truyện Con trai người Xá Phó đã nói lên thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. “Sa vén váy lên bụng, ngồi xổm trên ổ rơm, mồ hôi nhớp nháp, tóc tai rũ rượi. Sa cắn chặt răng để nén cơn đau. Bà đỡ nhanh nhẹn cầm mảnh chăn sơ sinh nhỏ hứng ở dưới. Sa ngồi mà rặn. Nếu đàn bà Dao ở bản bên đứng mà sinh con và khóc bạn với con thì phụ nữ dân tộc Chỉn lại có tục sinh ngồi và không khóc khi trở dạ vì sợ kinh động đến con ma rừng” [7, 78]. Đây chính là hành động đau đớn khi vượt cạn của người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ dân tộc Xá Phó sinh con ngồi và có đau đớn đến đâu cũng không được khóc.

Cô Du trong Trước ngày xuất gia với hành động “ miệng tươi cười múa hát, đi đến đâu nơi đó ngát hương hoa. Quanh thắt lưng là chuỗi râm bụt đỏ chối. Tóc cô, óng ả hoa hiên, vành tai, ngất ngư mấy nhánh hoa ngâu chín. Bao nhiêu kẽ ngón tay, bấy nhiêu bông hoa dại. Quần áo chỗ nào có thể cài, giắt, là có hoa” [3, 184]. Nhiều người nhìn thấy cô xa lánh, sợ sệt vì cho rằng cô rồ hoa. Nhưng ẩn sau hành động cười, nói, múa, hát ấy là một tâm trạng xót xa đau đớn khi cô phải tận mắt chứng kiến những trận hành hạ, ghen tuông đến điên cuồng cho đến chết của người cha đối với mẹ cô.

Mỗi nhân vật khi làm bất cứ điều gì, hành động như thế nào đều thể hiện một phần tính cách và số phận của mình. Người phụ nữ trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân thể hiện rất nhiều hành động. Nó có thể là hành động cưu mang, chăm sóc, nhường nhịn, tìm kiếm, từ bỏ hay chờ đợi và dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, nhà văn đều cho nhân vật của mình cách hành xử khác nhau. Từ đó các nhân vật tự nhận thức, tự hành động để sống đúng với bản chất con người mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)