1.2. Hành trình sáng tác của Tống Ngọc Hân
1.2.1. Vài nét về tác giả và sáng tác của nhà văn Tống Ngọc Hân
Nhà văn Tống Ngọc Hân tên thật là Tống Thị Ngọc Hân, sinh ngày 02 tháng 09 năm 1976, sinh ra tại xã Đông Lĩnh huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ, trong một gia đình không có truyền thống văn chương. Năm 1995 sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tống Ngọc Hân thi và đỗ vào khoa Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú (cũ) (nay là Đại học Hùng Vương) với mong muốn sẽ trở thành cô giáo dạy văn .
Năm 1997 sau khi tốt nghiệp, số phận đưa đẩy chị không được làm đúng nghề đào tạo. Tống Ngọc Hân đã lên làm việc trong một công trường ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Chính những cảm xúc đẹp đẽ nhất về mảnh đất và con người Lào Cai đã khiến chị cầm bút viết và phát hiện ra mình có một chút
năng khiếu văn chương. Với công việc hàng ngày trên công trường, bên cạnh cái máy xay đá và cây búa lớn, cộng hưởng lớp bụi đá bọc trắng xóa, cứ dày mãi, dày mãi lên. Tuy cuộc sống của chị vất vả, nhưng Tống Ngọc Hân vẫn “ru” mình bằng những vần thơ trong trẻo, dạt dào.
Những bài thơ nho nhỏ của Tống Ngọc Hân được ra đời trong hoàn cảnh khó khắn ấy, rồi số phận đã mỉm cười với chị, khi những trang văn được tạp chí Văn nghệ Lào Cai chọn in vào những năm 2000. Những “ đứa con tinh thần ấy của chị đã mang đến cho chị một cảm giác rất lạ, vừa thực đến nghiệt ngã, vừa ảo đến diệu kì. Chị đã tạm gọi đó là cõi văn” [41]. Đến năm 2002, căn nhà của Tống Ngọc Hân ở Bảo Yên bị hỏa hoạn thiêu rụi. Những ngày nương náu ở Hội văn nghệ tỉnh, chị mới thật sự thấm thía nỗi buồn. Hai mươi sáu tuổi đầu và hai lần trắng tay ra khỏi nơi ở. Lúc này chị bắt đầu thấy ngấm vị chua chát, cay đắng của cuộc sống. Tống Ngọc Hân lại suy ngẫm việc đời rồi chị nghĩ “ viết truyện thôi, thơ không nói được hết được tâm sự của mình” [63]. Và rồi Tống Ngọc Hân bắt đầu viết truyện ngắn. Lần lượt các truyện ngắn của chị Giấc mơ, Bàn tay người đàn ông, Chuyện kể về đêm..., ra đời trong năm 2003. Chị viết truyện cũng rất đơn giản “ cứ mỗi lần có cảm hứng mình lại viết tay vào cuốn sổ nhỏ, sau đó lại hoàn thành những đứa con tinh thần một cách lặng lẽ như chìm vào những số phận quanh mình” [41]. Rồi một lần nữa công việc của chị lại thay đổi không phải viết văn là chính; mà lần này chị lại buôn bán, mưu sinh “ Quay cuồng với bán mua, chắp vá thổ cẩm, con nhỏ và trăm thứ công việc nội ngoại, tôi vẫn in hai tập thơ và xuất bản hai tập truyện ngắn” [63].
Đầu năm 2013, qua bạn bè, chị làm quen với các báo Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Tiền phong, Đại biểu nhân dân, Văn nghệ Trẻ, Lao động... Và chỉ một năm, với hơn ba mươi truyện ngắn in trên các báo, tạp chí trung ương, Tống Ngọc Hân được độc giả quan tâm và biết đến nhiều hơn. Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tỉnh Lào Cai năm 2012 khiến chị tự tin bước vào cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2012-2014. Từ cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã khiến chị nảy sinh tham
vọng thử thách chính bản thân mình. Hai năm sau Tống Ngọc Hân đã in năm tập truyện ngắn và hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết, Huyết ngọc và Âm binh và lá ngón. Cuối năm 2013 chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau khi vào Hội Nhà văn Việt Nam Tống Ngọc Hân lại càng hăng say trên những trang viết. Chị tâm sự: “ kể chuyện đã thật sự trở thành niềm say mê của tôi. Tôi muốn mọi người nghe chuyện tôi kể. Chỉ đơn giản thế thôi”. Những nỗ lực của chị cũng được ghi nhận, trong liền ba năm 2013, năm 2014 và năm 2015 truyện của Tống Ngọc Hân đã lọt vào top mười truyện ngắn hay của Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ, các giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, của Bộ Công an và của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…và những giải thưởng văn nghệ hằng năm.
Con đường đến với văn chương của Tống Ngọc Hân thật tình cờ, mộc mạc, giản dị và đầy chất thơ. Mà trong mỗi tác phẩm của chị, chị thường tự ví nó như một viên gạch. Muốn có nhiều viên gạch, thì phải viết, phải suy ngẫm, phải sáng tạo và rồi những viên gạch tác phẩm văn chương của Tống Ngọc Hân sẽ nâng bước chân của chị đến con đường thành công.
Để khép lại hành trình đi tìm cái tôi của Tống Ngọc Hân, chúng tôi xin mượn lời thổ lộ chính cây bút đang rất sung sức này: “Khi nào cuộc sống còn lấm láp mưu sinh, cuộc đời còn nhọc nhằn giả trá, xã hội còn bất công, cuộc đời con người còn nhiều đớn đau, rồi còn có cả hạnh phúc nữa chứ… thì tôi vẫn còn phải viết. Còn ai muốn nghe tôi kể chuyện, tôi còn kể…”[63].